Thạch Hà (Hà Tĩnh) là huyện thuần nông, sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thạch Hà đã đề ra chiến lược cụ thể cho 3 vùng: miền núi, đồng bằng và ven biển, để khai thác tối đa thế mạnh của từng vùng. Trong đó, vùng bãi ngang thuộc 10 xã ven biển có bãi cát dài hàng chục km sẽ đưa vào tập trung nuôi trồng thủy hải sản, trồng các loại rau, màu củ quả. Vùng đất ngàn năm quên lãng này một ngày không xa nữa sẽ trở thành khu kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao trong khu vực miền trung.
Huyện ven đô
Thạch Hà có tổng diện tích đất tự nhiên 35.452,92 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 23 nghìn ha. Nằm bao quanh thành phố Hà Tĩnh, những năm qua, Thạch Hà đã tạo bước đột phá trong sản xuất, biến nơi đây trở thành vùng chủ lực cung cấp nguồn lao động và các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho cả thành phố Hà Tĩnh. Với tầm chiến lược phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh, Thạch Hà được đánh giá là một trong những huyện giàu tiềm năng như: Nguồn lực lao động, tiềm năng phát triển nông nghiệp, thu hút các dự án đầu tư… Để thực hiện mục tiêu phát triển “tam nông”, Thạch Hà đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020 bằng việc quy hoạch thành 3 vùng kinh tế. Vùng trung du miền núi phía Tây: có thế mạnh về phát triển sản xuất vườn đồi, trang trại, trồng cây ăn quả, chăn nuôi các mô hình tập trung…; Vùng đồng bằng: phát triển cánh đồng mẫu với các giống lúa năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi, dịch vụ thương mại sản xuất các loại hàng hóa phục vụ trực tiếp cho thành phố Hà Tĩnh; Riêng vùng 10 xã biển ngang sẽ là vùng lợi thế nuôi trồng thủy sản, đánh bắt chế biến xuất khẩu, dịch vụ du lịch biển. Nói về sản xuất nông nghiệp, tiềm năng của vùng biển ngang có hàng ngàn ha đất cát hoang hóa chưa được khai thác, nay Thạch Hà sẽ mở ra hướng biến toàn bộ bãi cát ven biển trở thành khu nuôi trồng thủy, hải sản cao cấp, trồng các loại rau, củ, quả được chuyển giao từ công nghệ của các nước tiến tiến, sẽ biến toàn bộ vùng biển ngang này trở thành khu công nghiệp sản xuất ra các loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao.
Từ Đông shan đến Thạch Hà
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Phi Quang, vui vẻ chuyện trò với chúng tôi sau chuyến tham quan thị sát vùng trồng rau củ quả tại đảo Đông shan, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi mà cả khu vực Đông Nam Á phải thán phục bởi toàn bộ diện tích đất cát trắng vùng ven biển này được người dân nơi đây biến thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, phát triển nuôi thủy sản và trồng các loại rau, củ, quả công nghệ cao xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Ông Quang kể rằng, khi đặt chân đến vùng đất đảo Đông shan, cả đoàn công tác thực sự ngỡ ngàng bởi người dân nơi đây đã biến cả vùng hoang cát ven biển thành vùng sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng phong phú, như: trồng măng tây, củ cải trắng, cà rốt, lạc, đậu, khoai tây, khoai lang, hành tây, bí xanh và các loại sản phẩm thủy sản cao cấp như: bào ngư, tôm, cua đến cả cây lâm nghiệp, cây ăn quả bạch đàn lấy gỗ, nhãn, đào tiên… Trong đó, măng tây là loại rau cao cấp được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Đức, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trên tay xách củ cải trắng to và dài, nặng chừng khoảng 1,5 kg, lão Acố nông dân của một trang trại nói, giống củ cải này dân địa phương đã trồng hơn 10 năm nay, năng suất, chất lượng ổn định, luôn được khách hàng ưa chuộng. Ngoài củ cải, gia đình ông còn sản xuất các sản phẩm măng tây, cà rốt, mỗi năm cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trong chuyến tham quan, đoàn đã đến thăm mô hình nuôi cá bơn trên cát của gia đình Lổ Bản. Trang trại Lổ Bản có tới 50 bể nuôi cá bơn. Thấy người Việt Nam sang tham quan, Lổ Bản đưa chúng tôi đến một bể nuôi cá bơn chu vi chỉ rộng khoảng chừng 30m, phía đáy bể được đổ 1 lớp cát trắng dày khoảng 20 phân, nguồn nước biển luôn được điều tiết vào ra trong vắt. Chủ trang trại kéo chiếc lừ từ đáy bể lên, trong lừ có hơn chục con cá bơn to hơn bàn tay người lớn, con nào con nấy béo mút. Lổ Bản khoe, nhà lão có 50 bể, mỗi năm nuôi hai lứa, bình quân mỗi bể sản lượng đạt 200 kg, giá trị mỗi kg xuất khẩu 100 nhân dân tệ, (bằng 330 ngàn đồng Việt Nam). Với nguồn lợi thu từ cá bơn, gia đình ông đã mua sắm được mấy chiếc ô tô sang, tậu nhà ở thành phố cho con cái… tất cả nhờ khai thác nguồn lợi trên vùng đất cát trắng này. Ngoài mô hình nuôi cá bơn, đoàn đã đi tham quan rất nhiều mô hình trồng lạc, cà rốt, củ cải, rau màu…đều cho thu hoạch 4 mùa, đưa lại cuộc sống ấm no cho nhân dân vùng.
Tổng giám đốc công ty Mitraco Dương Tất Thắng, cho biết: Sự đột phá trong việc sản xuất các loại cây rau, củ, quả nông nghiệp trên đất cát ven biển thành công rực rỡ ở Đông shan là cơ sở để Thạch Hà thực hiện dự án cải tạo đất cát hoang hóa ven biển Hà Tĩnh. Và Mitraco Hà Tĩnh– Feniton Hông Kông sẽ liên kết giúp nông dân huyện Thạch Hà xây dựng vùng sản xuất sản phẩm, tạo mạng lưới thu mua, tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả. Sau khi dự án được thực hiện, nhân rộng sẽ đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định cho nông dân trong vùng.
Đánh thức tiềm năng
Qua ông Quang Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, được biết, 10 xã bãi ngang Thạch Hà có tổng diện tích đất tự nhiên 11.000 ha, trong đó, vùng đất cát hoang mạc hơn 2000 ha được quy hoạch dự án nối kết từ Đông shan, Phúc Kiến sang Thạch Hà, Hà Tĩnh là một dự án đột phá khả thi, rất thuận lợi. Vì thế nên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự giao Thạch Hà phải quy hoạch toàn bộ diện tích đất nói trên trước 30/8, tạo điều kiện cho Tổng công ty khoảng sản và thương mại (Mitraco) thực hiện dự án. Trước mắt, Mitraco sẽ xây dựng mô hình mẫu trên diện tích trên 10ha tại xã Thạch Văn để trồng các loại sản phẩm giống cây rễ củ như khoai tây, khoai lang, măng tây, hành lá, cà rốt… Theo phân tích về khí hậu, thổ nhưỡng đất đai thì Thạch Hà có nhiều điểm thuận lợi hơn về chất đất, về lượng mưa (Thạch Hà hàng năm 2500 – 3000ml; Đông shan đạt trên 1500ml), mùa đông, nhiệt độ thấp nhất không quá dưới 11 độ (Đông shan xuống dưới 4 độ), nên việc thực hiện dự án này sẽ rất khả thi.
Với tiềm năng mà Thạch Hà có được, cộng với sự thu hút của dự án đầu tư từ một nước tiên tiến như Trung Quốc, Hông Kông, Đài Loan, có thể nói, đây sẽ là cú đột phá ngoạn mục, giúp người nông dân Hà Tĩnh biến những bãi cát hoang hóa ven biển trở thành bạt ngàn cánh đồng rau củ quả, đưa lại sự giàu có cho người nông dân Hà Tĩnh nói riêng cả Hà Tĩnh nói chung góp phần XD thành công chương trình MTQG-XDNTM.
Anh Bình