Biện pháp kỹ thuật gieo thẳng lúa vụ hè thu

Để gieo thẳng lúa đạt hiệu quả phải áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, cụ thể:
1. Quy hoạch vùng : Vùng gieo thẳng phải tập trung chủ động tưới tiêu, thuận lợi cơ giới hoá chăm sóc và bảo vệ.
2. Chuẩn bị giống:
Thóc giống sau khi đã loại bỏ hạt lép, lửng được xử lý bằng nước nóng 54 0 C (được pha với tỷ lệ 3 sôi, 2 lạnh) và tiếp tục ngâm cho đến khi hạt no nước. Toàn bộ thời gian ngâm hạt giống là 30 – 36 tiếng đồng hồ, cứ ngâm 6 tiếng thay nước một lần, sau cùng rửa sạch chua để ủ. Quá trình ủ nếu thấy hạt giống khô, cần tưới thêm nước (tuyệt đối không để mộng chua ảnh hưởng đến tỷ lệ nẩy mầm), khi hạt giống đạt tiêu chuẩn: rễ dài ½ thân hạt, mầm dài bằng 1/3 hạt thì đem ra gieo.
Lượng giống gieo đối với lúa thuần: 4 - 5 kg/sào (500 m 2 ). Tuỳ vào khả năng đẻ nhánh của giống, chân đất và đầu tư thâm canh.
3. Làm đất : Tiến hành cày bừa làm đất kỹ ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân. Trước khi bừa đất lần cuối 1 ngày, khi bùn đã lắng xuống, tháo nước trong ruộng chỉ để mực nước lấp xấp vừa đủ bừa. Tiến hành bón lót và bừa nhuyễn, san phẳng mặt ruộng. Chia ruộng thành từng luống nhỏ với chiều rộng luống 2- 4m, tạo rãnh thoát nước rộng 30cm, sâu 10 – 15 cm.
4. Kỹ thuật gieo:
- Gieo vãi bằng tay: Khi gieo cần chia lượng mộng mạ cho mỗi luống; nên gieo 2 lần, lần đầu gieo 60 – 70% lượng giống, lần 2 gieo điều chỉnh bổ sung. Chú ý khi gieo ném mạnh tay để mộng chìm xuống bùn.
- Gieo thẳng bằng c«ng cô s¹ hµng: Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống), đóng nắp lại, kiểm tra nắp cho chắc chắn để tránh bật nắp, hạt giống rơi ra ngoài. Sau khi chuẩn bị xong, đưa giàn gieo vào vị trí gieo, kéo thẳng theo chiều mũi tên trên nắp trống, khi tới đầu bờ nhắc giàn gieo lên quay ngược lại 180 0 , đặt một bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước rồi tiếp tục kéo, cứ như vậy đến khi gieo hết ruộng.
(Chú ý nên gieo vào buổi chiều mát)
5. Phân bón:
Lượng phân bón cho 1 sào (500 m 2 ): 4 - 5 tạ phân chuồng + 8 - 10 kg urê + 15 - 20 kg supe lân + 5 – 7 kg kaliclorua.
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 100% phân lân + 2 – 3 kg urê.
- Bón thúc:        Bón thúc đẻ nhánh: 4 – 5 kg urê + 2 – 3 kg kaliclorua.
Bón thúc đón đòng: 2 – 3 kg urê + 3 - 4 kg kaliclorua.
6. Chăm sóc :
- Sau khi gieo 1 - 3 ngày tiến hành phun thuốc trừ cỏ cho lúa, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Sofit 300EC, Prefit 300EC, Starius 100W…với nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Dặm tỉa: Cần dặm tỉa khi cây lúa được 3 - 4 lá thật nhằm tạo đồng đều trên ruộng và đảm bảo mật độ 120 - 140 cây/m 2 đối với lúa thuần.
- Tưới nước: Giữ ẩm mặt ruộng sau khi gieo đến khi cây được 2 lá thật. Từ khi có 2 lá thật đến khi đẻ nhánh hữu hiệu duy trì nước mặt ruộng từ 2- 3cm.
Sau khi lúa đẻ, rút nước lộ ruộng 5 - 7 ngày cho rễ lúa ăn sâu, chống đổ và tiếp tục cho nước ngập mặt ruộng để lúa trỗ bông và vào chắc hạt.
7. Phòng trừ sâu bệnh :
Thường xuyên thăm đồng theo dõi, kiểm tra phát hiện sâu bệnh để kịp thời có biện pháp phòng trừ thích hợp. Các đối tượng cần chú ý: Bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá…
Kỹ sư Nguyễn Trí Hà
Sở NN- PTNT Hà Tinh