Bước chuyển mình sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 NQ/TU tại huyện Hương Khê

Sau hơn 10 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) và 1 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương 6 (khóa XI) về P hát triển Khoa học và công nghệ , huyện Hương Khê đã có những thay đổi rõ nét. Đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, văn hóa - xã hội ổn định, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện về ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Tính cho đến cuối năm 2013, tổng sản lượng lương thực đạt 27.000 tấn (tăng 20% so với năm 2002); thu ngân sách trên địa bàn đạt 47 tỉ đồng; toàn huyện làm được trên 500km đường bê tông nông thôn đạt tiêu chuẩn; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện sâu rộng ở các địa phương, có 2 xã hoàn thành hồ sơ đề nghị về đích trong quý 2 năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 15,57%; có 65 làng, 13 cơ quan, đơn vị, 24 trường học đạt danh hiệu văn hoá; thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng người/năm; quốc phòng an ninh đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Công tác KHCN đã góp phần quan trọng cung cấp các luận cứ khoa học giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, chính sách, cơ chế trong phát triển kinh tế-xã hội, đó là việc hoạch định các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH hàng năm cũng như giai đoạn; việc ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, chỉ thị,... trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác Quy hoạch, đã có 12 bản quy hoạch được xây dựng như: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch giao thông, quy hoạch nông thôn mới các xã, quy hoạch cây con chủ lực, quy hoạch trường lớp, quy hoạch sử dụng đất.... Trong lĩnh vực văn hóa xã hội: Đ ã có nhiều đề tài khoa học được các ngành, các cấp, Hội KHKT tỉnh đánh giá cao như đề tài “Quy hoạch giáo dục THPT của huyện Hương Khê đến năm 2015”, công trình sách “Lịch sử giáo dục huyện Hương Khê”, “Lịch sử LLVT huyện Hương Khê”, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân các xã: Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình, Hà Linh, Hương Liên ,... Công tác sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về các di tích lịch sử, hoạt động văn hóa lễ hội được quan tâm chỉ đạo. Toàn huyện có 78 di tích đã được kiểm kê, trong đó 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 5 di tích cấp quốc gia. Nhiều di tích lịch sử văn hoá được khôi phục, trùng tu, tôn tạo phục vụ tốt đời sống văn hoá cho nhân dân. Bên cạnh đó để góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, y tế huyện nhà đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là tổ chức khắc phục và đảm bảo vệ sinh môi trường sau các đợt mưa lũ; tổ chức tiêm phòng các bệnh sưởi, ho gà, viêm não Nhật Bản,... cho trẻ em. Bệnh viện Đa khoa Huyện đã được đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị tương đối đầy đủ đảm bảo cho công tác phục vụ và nghiên cứu khoa học: như máy X Quang KTS, máy Siêu âm 3D- 4D, Nội soi TMH, cắt Amyldal bằng máy Coblater, mổ trĩ bằng phương pháp Longo, Nội soi cổ tử cung, Nội soi dạ dày tá tràng, máy XN sinh hóa máu 18 thông số, máy điện tim Công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ được quan tâm thực hiện, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn. Lĩnh vực an ninh - quốc phòng đãgóp phần đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, ổn định chính trị - xã hội, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xác định giống là một khâu đột phá trong việc nâng cao năng suất cho cây trồng vật nuôi, trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã du nhập các loại giống mới như: Lúa lai, các giống lạc, giống ngô mới... Nhờ đưa các giống lúa mới, có hiệu quả nên nông dân huyện Hương Khê đã bỏ được các giống lúa dài ngày, hạn chế được sâu bệnh. Năng suất sản lượng lúa được nâng lên từ 36 tạ/ha vụ Xuân 2002 lên 54 tạ/ha vụ Xuân 2013, cá biệt có giống đạt năng suất 70 tạ/ha; lạc đã tăng từ 14 tạ/ha năm 2002 lên 20 tạ/ha năm 2014, riêng giống L14 có nơi đạt 30 tạ/ha; ngô từ 30 tạ/ha năm 2002 lên 50 tạ/ha năm 2013; Nhiều mô hình trình diễn đã thành công, được nhân ra diện rộng, đem lại hiệu quả tốt như: mô hình khoai tây ở Hương Vĩnh và Thị trấn; su hào, bắp cải, rau củ, quả ở Thị trấn, Lộc Yên; mô hình trồng cỏ VA06, gắn chăn nuôi trâu, bò ở xã Hương Long, Phú Gia, Hương Vĩnh,… mô hình nuôi ong ở xã như Hương Đô, Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Trà, Hòa Hải; Chỉ đạo xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc quy mô từ 30 đến 100 con góp phần nâng cao chất lượng đàn lợn, thay đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, có liên kết; gắn với bảo vệ môi trường; Thực hiện tốt chương trình Zêbu hóa cho đàn bò địa phương, từng bước nâng thể trọng của bò lai cao hơn bò địa phương 30%;  Xác định cây bưởi Phúc Trạch là cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong thời gian qua Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thương hiệu đối với cây trồng này. Giai đoạn 2002 – 2013, đã thực hiện 5 đề tài cấp tỉnh về bảo tồn phát triển cây bưởi Phúc Trạch với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Bước đầu cho kết quả khả quan, Bưởi Phúc Trạch đã được công nhận “chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi phúc trạch”, dần khắc phục được hiện tượng ra hoa không đậu quả, tạo niềm tin lớn đối với người nông dân; Đã có nhiều ứng dụng KH&CN trong phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung theo hướng thâm canh, có năng suất c ao gắn với cơ sở chế biến sâu , h àng năm trồng mới được từ 1.000 đến 1.300 ha rừng tập trung với nhiều giống cây rừng và quy trình mới.
Trong phát triển Công nghiệp , c ác doanh nghiệp không ngừng du nhập các công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng suất. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền sản xuất mới, ứng dụng các thành tựu KHCN mới vào sản xuất, kinh doanh, tiêu biểu như Công ty MTV Cao su Hương Khê, Công ty TNHH lâm sản Hoàng Anh, Xí nghiệp chè 20/4, Công ty TNHH Vận tải Quyết Thắng…
Công tác sáng kiến kinh nghiệm được đẩy mạnh, chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay toàn huyện có trên 856 đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 138 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Có nhiều sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng thực tiễn cao góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Các Hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên và nhi đồng được quan tâm,  đông đảo học sinh tham gia và đạt nhiều giải cao như như máy nhặt rác tự động, thuyền cứu hộ trên sông, bộ công cụ dạy toán THCS, phần mềm xử lý thi. Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn: xây dựng và thực hiện văn phòng điện tử, ứng dụng tin học trong kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm công tác kiểm tra Đảng, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý, lưu trữ văn bản điện tử,...
Bên cạnh những kết quả đạt được huyện Hương Khê cần phát huy mạnh hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao KHCN, quan tâm đến đội ngũ làm khoa học công nghệ, có kế hoạch phát triển ứng dụng khoa học gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quan tâm đến thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ tạo sự gắn kết giữa nhà khoa học và các nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất với người nông dân để đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện đáp ứng thời kỳ CNH- HĐH của tỉnh nhà trong thời gian tới./.

Phương Thảo