Địa danh hành chính là đối tượng nghiên cứu tương đối phức tạp vì nó có sự thay đổi rất nhiều dưới tác động của lịch sử, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ..., trong đó đặc biệt là hai yếu tố lịch sử và địa lý. Địa danh hành chính là tên gọi của một vùng đất, và tất yếu có sự liên quan mật thiết đến lịch sử, địa lý của nó. Một vùng đất nơi cộng đồng dân cư sinh sống và tạo lập những thiết chế xã hội bao giờ cũng gắn với một lịch sử hình thành, biến đổi và những đặc điểm địa hình nhất định, ngoài ra còn gắn với những biến cố lịch sử diễn ra trên vùng đất ấy. Chính những thay đổi của địa danh hành chính dưới tác động của lịch sử, địa lý trong quá trình lịch sử lâu dài trở thành vấn đề nghiên cứu cơ bản cần thiết và cấp bách trong nghiên cứu địa danh hành chính nói chung.
Những dấu ấn, sự kiện, biến động trong lịch sử cũng như những thay đổi địa giới và sự tác động của môi trường địa lý... trong quá trình tạo lập phát triển cuộc sống của con người đã tác động trực tiếp đến tên gọi vùng đất sinh sống của họ. Các biến cố lịch sử, nhất là các biến cố quan trọng, đã để lại dấu ấn khá rõ trong địa danh. Chẳng hạn sau 1954, rất nhiều xã, huyện của Hà Tĩnh đổi tên cũ, lấy tên gọi của các anh hùng, chí sĩ yêu nước trên quê hương. Sau 1975, ở các thành phố, thị xã thuộc các tỉnh phía Nam, nhiều tên đường phố, tên các địa danh hành chính được thay đổi, như tên đường 30-4, đường Giải Phóng, đường Lê Duẩn... Cũng vậy, về mặt địa lý, như nhà nghiên cứu Muzaev đã nói trong những điều kiện như nhau hoặc gần giống nhau về địa hình, thường gặp lại những địa danh như nhau, kiểu như Xóm Đá, Cầu Dài, Cồn Mồ, Cồn Nậy... mà ta thường thấy ở nhiều vùng đất khác nhau. Có thể lược qua quá trình lịch sử của vùng đất Hà Tĩnh cùng với những tên gọi và sự thay đổi về địa giới của nó từ đầu thế kỷ XIX lại nay như sau.
Trong hai năm 1831-1832, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trên quy mô cả nước, vua Minh Mệnh đã bỏ các tổng trấn, đổi các dinh trấn thành tỉnh, đây là đơn vị hành chính xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam. Dưới thời Minh Mệnh, nước ta có 30 tỉnh. Hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ trước thuộc Nghệ An, nay trích ra đặt làm tỉnh Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên tên Hà Tĩnh xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc trung ương. Điều này phản ánh vùng đất này đã có sự phát triển về dân số, lãnh thổ và tầm quan trọng nhất định đối với cả nước. Lãnh thổ Hà Tĩnh thời Minh Mệnh bao gồm cả hai huyện Cam Môn và Cam Cớt nay thuộc Lào.
Như vậy, đến năm 1831, khi Hà Tĩnh chính thức được thành lập như một đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ (trước đây thuộc phủ Đức Quang). Phủ Hà Hoa lúc này gồm hai huyện Kỳ Hoa và Thạch Hà. Phủ Đức Thọ gồm 4 huyện Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn.
Năm 1837, bốn tổng của huyện Kỳ Hoa gồm Lạc Xuyên, Vân Tản, Thổ Ngọa, Mỹ Duệ được tách ra thành lập một huyện mới là Hoa Xuyên.
Năm 1841, huyện Hoa Xuyên đổi thành Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh, phủ Hà Hoa đổi thành Hà Thanh. Lý do của việc đổi tên này là để tránh phạm húy của Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa, các địa danh có chữ “Hoa” của Hà Tĩnh cũng như của cả nước được vua Thiệu Trị cho đổi tên gọi.
Năm 1853, dưới triều Tự Đức, nhà Nguyễn bỏ tỉnh Hà Tĩnh lấy phủ Hà Thanh lập thành một đạo gọi là đạo Hà Tĩnh lệ vào sự quản lý của Nghệ An còn phủ Đức Thọ được nhập vào Nghệ An
Năm 1862 tên huyện Thiên Lộc đổi thành Can Lộc.
Năm 1868, phần phía Nam huyện Hương Sơn gồm các
tổng Quy Hợp, Chu Lễ, Phương Điền, Phúc Lộc, Hương Khê được cắt ra thành lập huyện mới Hương Khê.
Năm 1875, nhà Nguyễn tái lập lại tỉnh Hà Tĩnh như dưới triều Minh Mệnh trên cơ sở các phủ, huyện cũ. Đến cuối thế kỷ XIX, tỉnh Hà Tĩnh có 2 phủ, 8 huyện, 74 tổng, 397 xã. Kể từ đây Hà Tĩnh về cơ bản không có sự thay đổi cả về tên gọi và địa giới cho đến khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược.
Năm 1921, tổng Lai Thạch của huyện La Sơn chuyển về huyện Can Lộc.
Sau năm 1945, huyện La Sơn đổi thành huyện Đức Thọ.
Sự thay đổi nhiều nhất kể từ sau 1945 cho đến nay diễn ra ở đơn vị hành chính cấp xã. Hệ thống các xã ở tất cả các huyện của tỉnh Hà Tĩnh đều có sự thay đổi nhiều lần cả về tên gọi lẫn địa giới. Điều này do sự tác động rõ nhất của yếu tố lịch sử.
Cách mạng Tháng tám thành công, chính quyền mới được thành lập, nhiều cải cách hành chính được áp dụng. Các địa danh hành chính cấp huyện, xã đồng loạt có sự thay đổi tên gọi, địa giới. Năm 1946 -1947 (một số xã có muộn hơn, kéo dài đến đầu những năm 1950) là đợt thay đổi lớn nhất, cơ bản nhất của địa danh hành chính. Đợt thay đổi này là tiến hành nhập các xã lại thành xã lớn. Các xã được nhập lại và thay đổi tên gọi. Một số xã vẫn giữ nguyên địa giới nhưng thay đổi tên gọi.
Một số xã lấy tên gọi của các nhà cách mạng tên tuổi của quê hương như xã Phượng Hoàng (Cẩm Sơn) của huyện Cẩm Xuyên sau 1945 đổi tên là xã Hà Huy Tập… Thực tế là trong sự cải cách tên gọi này có nảy sinh một hạn chế rất lớn là tên gọi hệ thống các xã đã bị thay đổi tùy tiện, ngẫu nhiên, không theo một căn cứ nào cả và rất nhiều tên xã đã mất đi tên gọi cũ. Thậm chí có những tên làng xã hoặc vô tình, hoặc cố ý đã bị gọi biến âm… Tên gọi mỗi địa danh có từ xa xưa bao giờ cũng gắn với văn hóa của từng vùng đất. Khi chọn tên để đặt cho làng xã của mình, cha ông ta đã chọn những tên gọi chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, gửi gắm rất nhiều những mong muốn, ước vọng trong đó. Vậy nên đây chính là lý do đặt ra vấn đề cần thiết hay không việc khôi phục lại tên gọi làng xã cũ.
Đợt thay đổi lớn thứ hai từ 1954 -1957, sau cải cách ruộng đất. Trong lần thay đổi này, hệ thống đơn vị hành chính cấp xã lại được chia tách. Như vậy chủ trương này kéo theo sự thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi của các xã. Tên gọi các xã đồng loạt thay đổi theo một phương thức cơ bản là lấy chữ đầu của tên huyện ghép với một chữ hoặc lấy trong tên xã cũ hoặc được đặt một cách ngẫu nhiên. Ví dụ xã Hà Huy Tập huyện Cẩm Xuyên chia thành 2 xã Cẩm Sơn và Cẩm Hà, xã Mỹ Duệ tách thành 2 xã Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ… Các xã khác của huyện Cẩm Xuyên đều lấy tên có yếu tố đầu của tên huyện như
Cẩm Yên, Cẩm Hoà, Cẩm Dương, Cẩm Nam, Cẩm Huy, Cẩm Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Bìn
h… Các huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh đều đổi tên xã theo cách thức này. Ví dụ huyện Can Lộc có các xã
Thiên Lộc, Kim Lộc, Vượng Lộc, Thanh Lộc, Song Lộc
… Huyện Nghi Xuân có Xuân Yên, Xuân Viên, Xuân Trường, Xuân Phổ, Xuân Giang, Xuân Thành v.v.
Những năm 1960 với chủ trương của nhà nước về mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, các xã được ghép lại để thành lập HTX nông nghiệp, tuy nhiên sự thay đổi này không liên quan đến phương diện hành chính.
Như vậy, tỉnh Hà Tĩnh được thành lập lại năm 1875 và tồn tại đến năm 1976 thì lại sáp nhập với Nghệ An, gọi là tỉnh Nghệ Tĩnh.
Tháng 9 năm
1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành
2 tỉnh:
Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày
nay.
Năm 1992, Thị xã Hồng Lĩnh
được thành lập
trên cơ sở: thị trấn Hồng Lĩnh; xã Đức Thuận, xã Trung Lương; một phần xã Đức Thịnh thuộc huyện Đức Thọ; các xã Đậu Liêu và Thuận Lộc thuộc huyện Can Lộc.
Năm 2000, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở tách 6 xã thuộc huyện Đức Thọ (gồm: Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Hồng, Đức Ân, Đức Hương, Đức Bồng), 5 xã thuộc huyện Hương Khê và 1 xã thuộc huyện Hương Sơn.
Ngày 7/2/
2007, huyện Lộc Hà được thành lập trên cơ sở 7 xã ven biển của huyện Can Lộc và 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà.
Ngày 28/5/2007, Chính phủ có Nghị định công nhận Thị xã Hà Tĩnh là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh gồm có 12 đơn vị hành chính: 1 Thành phố Hà Tĩnh, 1 thị xã Hồng Lĩnh, và 10 huyện, gồm: huyện Cẩm Xuyên, huyện Can Lộc, huyện Đức Thọ, huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Thạch Hà, huyện Vũ Quang và huyện Lộc Hà, với 262 xã, phường và thị trấn.
Như vậy, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, cùng với sự thay đổi tên gọi và địa giới hành chính các cấp diễn ra nhiều lần, việc tiếp cận lại hệ thống địa danh qua các thời kỳ lịch sử quả thực là vấn đề có ý nghĩa. Nếu không có sự nhìn lại và cụ thể hóa, hiện thực hóa lịch sử địa danh, nhất là các cấp huyện, xã, phường thì cùng với thời gian, những tên gọi gắn với quá khứ, lịch sử của một vùng đất sẽ vĩnh viễn biến mất. Nhưng phục dựng hệ thống địa danh hành chính từ thế kỷ 19 lại nay là vấn đề cực kỳ phức tạp và không thể làm 1 lần là hoàn chỉnh được mà cần phải được tiếp cận lâu dài. Vì đây là vấn đề tất yếu đối với tất cả những vấn đề liên quan đến sự “hồi cố” lịch sử ./.
Thái Văn Sinh