Cẩm Xuyên: Nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất

Trong những năm gần đây, kinh tế huyện Cẩm Xuyên đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng (năm 2013), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng an ninh được giữ vững, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết quả này, có sự đóng góp hết sức quan trọng của việc ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Bằng nhiều chủ trương, chính sách sát đúng và kịp thời, việc ứng dụng, chuyển giao KHCN đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Cẩm Xuyên tích cực thực hiện.Những năm qua trên địa bàn đã có nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ được ứng dụng vào phát triển sản xuất, nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nông sản , nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nông thôn. Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã lựa chọn đổi mới dây chuyền công nghệ, trang thiết bị tiên tiến hiện đại, định hướng đầu tư chiều sâu tạo ra các sản phẩm có năng suất chất lượng cao.
Là một huyện thuần nông, Cẩm Xuyên xác định đầu tư phát triển KH & CN sẽ tác động trực tiếp vào nông nghiệp, nông thôn theo định hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đã tập trung đưa các bộ giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất như: giống lúa: HT1, HT6, HT9, SH14, HT10, N34, TBR1, TBR36, TH3-3, VTNA2… giống lạc: L14, L16, L20, L26..; giống sắn KM94, HTL-09; dưa hấu Hắc mỹ nhân, An tiêm 1, An tiêm 2.. Những bộ giống mới được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng cao  hiệu quả và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Với hơn 8.700 ha diện tích sản xuất lúa hai vụ, bên cạnh đưa các bộ giống mới vào sản xuất, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, bỏ trà xuân sớm, sản xuất 100% diện tích xuân muộn với các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cùng với đó các phương thức sản xuất mới đã được hình thành, nhất là trong liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng nguồn giống, vật tư phân bón có chất lượng và bao tiêu hàng hóa cho bà con nông dân. Nhờ thường xuyên được tập huấn KHKT, nên tư duy sản xuất của người dân cũng đã từng bước thay đổi, từ sản xuất truyền thống với nhiều giống lúa, nhiều thời điểm trên cùng một cánh đồng thì nay đã chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa một bộ giống, một thời vụ. Đặc biệt chỉ sau hơn một năm xây dựng cánh đồng mẫu 426 ha tại xã Cẩm Bình, thì đến nay đã có 15 xã, thị trấn xây dựng được cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.000 ha
Gắn với thành công chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, việc c ơ giới hoá nông nghiệp được đẩy mạnh . Đ ến nay trên địa bàn huyện đã có 27 máy gặt đập liên hợp, 989 máy lồng làm đất, 1.737 máy cày đất bằng tay, 868 máy tuốt lúa, gần 3.000 máy gặt lúa bằng tay, 79 máy phun thuốc BVTV, 01 máy cấy lúa, 717 xe cơ giới các loại... T ỷ lệ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch đạt trên 85% tăng hơn 30% so với năm 2008.
Với mục tiêu tăng tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi đã làm cho người nông dân chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẽ sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, tăng hiệu quả kinh tế, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đến nay đã xây dựng được 31 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô từ 500 đến 2.000 con/lứa, hàng trăm mô hình chăn nuôi gà với quy mô từ 500 đến 2.000 con/lứa.
Phát huy tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản, ứng dụng đưa các giống và công nghệ mới vào nuôi thả như: nuôi tôm thẻ chân trắng hình thức lót bạt tạt bờ, cá chẻm, cá diêu hồng, cá lóc, với phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh đã góp phần to lớn nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giúp người nông dân từng bước tiếp cận được khoa học công nghệ, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Trên những vùng đất cao cạn, những bãi cát bạc màu trước đây bị bỏ hoang, thì giờ đây được tập huấn chuyển giao KHKT, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, những người nông dân đã chuyển đổi sang sản xuất rau màu tập trung. Đặc biệt việc tiếp nhận dự án trồng rau củ quả trên đất cát bạc màu tại các xã Cẩm Hòa, Thị trấn Thiên Cầm bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay toàn huyện đã sản xuất 25 ha rau công nghệ cao trên cát và trong năm 2014 nhân rộng 100 ha;... Đưa thêm nghề trồng nấm sò, mộc nhĩ vào sản xuất tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập ở các xã Cẩm Vịnh, Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Trung, Cẩm Sơn, Cẩm Hòa và xây dựng vườn mẫu tại các xã điểm NTM ở cẩm Bình, Cẩm Yên, Cẩm Thành, Cẩm Nam. Năm 2013 xây dựng được 10 mô hình, năm 2014 nhân rộng 270 mô hình trồng nấm các loại.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nên nông nghiệp Cẩm Xuyên phát triển một cách bền vững. Đến nay tổng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp đạt hơn 1400 tỷ, giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 75 triệu/ha, tăng 18 triệu/ ha so với năm 2010. Đã xây dựng được 750 HTX và 160 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả cao. Gắn với sản xuất, các HTX, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, thương hiệu hàng hóa như: nước nắm Cẩm Nhượng, gạo Cẩm Thành...
Khoa học và công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong tiến trình CNH – HĐH đất nước, đặc biệt là CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn . Ứng dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới chuyển giao công nghệ đã nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm, xóa đói giảm nghèo, nâng c ao đời sống cho nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thanh Phong - UBND huyện Cẩm Xuyên