Cần ưu tiên đầu tư cho Khu kinh tế Vũng Áng và Cầu Treo

1. Vị thế, tiềm năng của hai Khu kinh tế Vũng Áng và Cầu treo.
Nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển các khu kinh tế (KKT) của cả nước, Hà Tĩnh có 02 KKT trọng điểm là KKT Vũng Áng và KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cách nhau gần 200km. Với những đặc thù riêng biệt về điều kiện địa lý, tự nhiên, định hướng phát triển cũng như các đặc điểm khác nhau về hoạt động sản xuất kinh doanh và hình thức khai thác. Tuy vậy, cả hai KKT đều đóng vai trò là những “mắt xích” trọng yếu trong hệ thống kinh tế - xã hội của tỉnh, được xác định là những vùng kinh tế động lực mang tính đột phá và có mối quan hệ phát triển tương hỗ lẫn nhau trong vùng, liên vùng và khu vực.
Lợi thế lớn của KKT Vũng Áng là cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5 đến hơn 35 vạn tấn. Có địa thế thuận lợi, nằm trên trục đường giao thông Bắc Nam và hành lang kinh tế Đông Tây rất thuận tiện cho việc kết nối với các vùng trong cả nước và các nước trong khu vực. KKT Vũng Áng với mục tiêu phát triển là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp luyện kim, lọc hoá dầu, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển, du lịch ..., có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước theo quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, cũng như mở rộng hợp tác phát triển kinh tế khu vực qua quốc lộ 8A và quốc lộ 12. Đây cũng chính là cửa ngõ mở ra biển Đông ngắn nhất của nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đóng vai trò là KKT động lực phía Tây Hà Tĩnh; với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào; phát huy hành lang kinh tế Đông Tây, vùng Đông Bắc Thái Lan. Tạo điều kiện để khai thác lợi thế của KKT Vũng Áng, Thành phố Hà Tĩnh, mỏ sắt Thạch Khê và các KCN khác của tỉnh. Nằm trên quốc lộ 8A qua biên giới Việt-Lào, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây cũng là cửa ngõ ngắn nhất để nước bạn Lào và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở hướng ra biển Đông, phát triển quan hệ với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Châu Úc và Bắc Mỹ qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, đồng thời là vùng kinh tế quá cảnh cho 12 tỉnh của 3 nước có sử dụng chung đường 8.
2. Kiến tạo hạ tầng và thu hút đầu tư.
Hơn 5 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng cả hai KKT từng bước vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Đến nay, các KKT đã hoàn thành công tác quy hoạch phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và làm cơ sở để xây dựng kế hoạch.
Tại KKT Vũng Áng đã hoàn thành 17 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng bao gồm các hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước...; xây dựng 5 Khu tái định cư và 5 khu nghĩa trang, với tổng số vốn trên 4.500 tỷ đồng; hệ thống thông tin truyền thông từng bước đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã và đang thực hiện đầu tư 93 công trình, dự án với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, kết quả đó đã làm thay đổi diện mạo KKT, từ vùng đặc biệt khó khăn nay đang hình thành một đô thị, hệ thống giao thông đến tận các xã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, hoạt động thương mại có chiều hướng tích cực. Hiện nay, tại KKT Vũng Áng có hơn 140 doanh nghiệp, dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa - Đài Loan với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 12 tỷ USD, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 tổng mức đầu tư 1,56 tỷ USD và các Dự án Khu đô thị, khách sạn, văn phòng, du lịch dịch vụ, Trung tâm thương mại với số vốn đầu tư cho mỗi dự án từ 50 đến 70 triệu USD ... Nhiều dự án có quy mô lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép như: Nhà máy Lọc hoá dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); Nhà máy Luyện thép của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (1,2 tỷ USD); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (gần 2 tỷ USD)... KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã có 114 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn; ngoài ra còn có trên ngàn hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong KKT, trong đó có hơn 850 hộ kinh doanh được cấp phép. Có 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 2.500 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án đã đi vào hoạt động. Số dự án khác đang được triển khai thực hiện, với tổng số vốn giải ngân trên 1.400 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách trên địa bàn các KKT tăng dần hàng năm.
3. Cần ưu tiên cho hai KKT động lực.
Tiếp xúc với Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh – Ông Võ Kim Cự để tranh thủ ý kiến của chính quyền tỉnh nhằm đóng góp vào sự phát triển trên lĩnh vực hoạt động đầu tư trong thời gian tiếp theo và được ông bộc bạch:
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm tổng kết rút kinh nghiệm trong việc phát triển các KKT ven biển và KKT cửa khẩu, ban hành bộ tiêu chí đánh giá và phân loại các KKT trong cả nước, xác định mức độ ưu tiên để tập trung đầu tư cho các KKT có thế mạnh và tiềm năng phát triển, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các khu kinh tế động lực, trọng điểm, phạm vi khu vực và quốc tế.
Về chính sách đối với các KKT: Sớm hoàn thiện thể chế và các chính sách cho các KKT đảm bảo tính đồng bộ, ổn định và kích thích mạnh các loại hình đầu tư vào các KKT, đặc biệt là xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 29/2008/NĐ-CP như đã nêu trên. Soát xét lại việc phân cấp uỷ quyền đảm bảo việc thuận lợi và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm các trong công tác quản lý nhà nước của các Ban Quản lý KKT. Các chính sách đối với các KKT cần được soát xét kỹ để ban hành phù hợp cho từng nhóm có tính tương đồng, không nên mang tính “cào bằng".
Đề nghị Chính phủ sớm làm việc với Chính phủ Lào xúc tiến thành lập KKT đối xứng với KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để tạo vùng đệm kinh tế đường biên có chung chính sách nhằm đẩy mạnh giao lưu thương mại, đầu tư và thúc đẩy tiến trình phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và lao động phổ thông hợp đồng theo hình thức xuất khẩu lao động tại nước bạn Lào. Tổ chức thông tin thương mại các nước trong khối ASEAN và trong tiểu vùng sông MêKông mở rộng. Nghiên cứu việc thống nhất hóa mức thu phí phương tiện vận tải qua lại giữa hai nước (hiện nay mức thu phí ở phía Lào cao hơn Việt Nam, đặc biệt là vào các ngày lễ, thứ 7, chủ nhật), tiến tới xóa bỏ thu phí vận tải giữa hai nước tại KKT cửa khẩu. Thống nhất mở cửa khẩu, thông quan 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Dương Thanh Tùng