Chế biến sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

* Tăng trưởng mạnh, cạnh tranh yếu!

Nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch là yếu tố quyết định đến việc hình thành nền nông nghiệp toàn diện. Song, chúng ta chưa xây dựng được quy trình sản xuất khép kín, trong đó vấn đề bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa được chú trọng nên giá trị các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh ta chưa tương xứng với sự tăng trưởng của các chỉ số: năng suất và sản lượng .

Giá trị chưa tương xứng

Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, thời gian qua, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có sự phát triển khá toàn diện, hướng dần đến nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2012 theo giá cố định (1994) đạt 3.085 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2008. Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất diện rộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Năm 2012, tổng sản lượng lương thực đạt 50,5 vạn tấn, tăng 1,6 vạn tấn so với năm 2008. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2012 đạt 70.200 tấn, tăng 31%; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 42%, tăng 9,4% so với năm 2008. Mức tăng trưởng của các chỉ số trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã phản ánh được những nỗ lực của bà con nông dân trong việc ứng dụng các thành tựu KH&CN, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ và khẳng định tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh.

Mặc dù sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, giá trị kinh tế từ nông nghiệp mang lại vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do hạn chế trong việc bảo quản sau thu hoạch, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và làm giảm hiệu quả sản xuất. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, đặc biệt là vào mùa mưa lũ còn lớn, chiếm từ 13-15% sản lượng ở lúa, 20-25% các mặt hàng thủy sản.... Khâu chế biến, bảo quản ở tỉnh ta hiện nay còn mang tính truyền thống, quy mô nhỏ, chủ yếu chế biến thô, chế biến tinh chưa nhiều nên giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa thấp, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tên Hà Tĩnh.

Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ

Nhận thức được tầm quan trọng của khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các chính sách hỗ trợ người dân giảm tổn thất sau thu hoạch đã được ban hành. Song, vì nhiều lý do khác nhau nên việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của người dân gặp không ít khó khăn. Theo ông Bùi Phong An - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), các đề án liên quan đến sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch đã được tỉnh ban hành thời gian qua vẫn chưa tập trung cho các giải pháp công nghệ và công tác tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, các chính sách chưa đủ mạnh, nhất là về đất đai, vốn đầu tư và khoa học công nghệ; lại phân tán ở nhiều đề án nên người sản xuất rất khó nắm bắt và khai thác.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), ông Chu Văn Dinh cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có thể phát huy hiệu quả ở địa phương này, nhưng khi áp dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương khác, nếu không có sự điều chỉnh chưa chắc đã phát huy tác dụng. Đơn cử, chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg, quy định nông dân phải mua các loại máy móc có giá trị nội địa hóa từ 60% trở lên, trong khi máy móc nội địa phụ tùng không đạt chuẩn, khó sửa chữa, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thường gặp sự cố khi sử dụng. Máy móc thiết bị phải mua của các tổ chức, cá nhân theo danh sách do Bộ NN&PTNT công bố, trong khi các đơn vị này lại tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và miền Bắc nên khả năng tiếp cận của nông dân hạn chế.

Cũng do sự đơn lẻ, thiếu liên kết nên các chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT giảm tổn thất sau thu hoạch chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đặt ra. Ví dụ như Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, đã giúp nông dân trang bị hàng ngàn máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, các loại máy này hầu hết được sử dụng để giảm sức lao động chứ chưa phát huy tác dụng trong quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay mức hỗ trợ về KH&CN qua các chính sách được ban hành còn thiếu, yếu, chưa đủ mạnh để áp dụng. Đặc biệt, việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa rõ ràng, còn thiếu và nhiều bất cập. Chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong chế biến tinh, chế biến sâu sản phẩm còn vắng bóng; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến chưa có... phần nào hạn chế giá trị kinh tế của các sản phẩm sau thu hoạch và chưa khuyến khích được việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín.

* Ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín

Xây dựng chuỗi sản xuất khép kín vừa là yêu cầu, vừa là động lực để nâng cao giá trị sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản sau thu hoạch đang được tỉnh hoàn thiện để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KHCN xây dựng chuỗi sản xuất, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung

Trong câu chuyện kể với chúng tôi về quá trình thu mua, chế biến gạo, chị Nguyễn Thị Châu - Chủ nhiệm HTX Chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) chia sẻ những khó khăn về vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ra đời năm 2012, HTX đã huy động nguồn vốn từ các xã viên để xây dựng nhà xưởng, kho chứa, dây chuyền chế biến gạo có công suất 12.000 tấn/năm với tổng số vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, HTX Chế biến nông sản Đức Lâm không thể thu mua đủ nguyên liệu chế biến nên nhà máy đành hoạt động cầm chừng. “Cái khó nằm ở chỗ, chất lượng, chủng loại lúa ở mỗi huyện, thậm chí ở mỗi xã không đồng nhất nên sức cạnh tranh của sản phẩm sau chế biến không cao” - chị Châu cho biết.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2013, bà con nông dân đã liên kết xây dựng được hơn 3.700 ha sản xuất cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) - Chu Văn Dinh, do bà con đang phụ thuộc nhiều vào các đơn vị cung ứng giống, phân bón nên hiệu quả kinh tế vẫn chưa tương xứng với mức đầu tư. Các chính sách khuyến khích phát triển vùng hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa đồng bộ, toàn diện, do vậy, giá trị sản xuất chưa phản ánh được sự tối ưu của phương thức canh tác mới.

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp thời gian qua, rõ ràng, muốn xây dựng các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trước tiên, chúng ta cần quy hoạch và tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung với việc bố trí lại sản xuất, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng; đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, đẩy nhanh việc cơ giới hóa sản xuất trên tất cả các khâu trong các lĩnh vực sản xuất.

Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, tỉnh ta hiện có hơn 1.000 cơ sở chế biến, xay xát lúa gạo, 131 cơ sở kinh doanh lạc và 223 cơ sở, điểm giết mổ gia súc quy mô nhỏ, chủ yếu là cá thể gia đình. Ngoài Tổng Công ty KS-TM Hà Tĩnh tham gia khá thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta chưa huy động được các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín. Sự vắng bóng này cũng chính là lý do gây ra những khó khăn trong khâu huy động vốn, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản.

Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) Bùi Phong An cho rằng, trong các khâu của chu trình sản xuất khép kín thì lợi nhuận cao nhất nằm ở công đoạn thương mại, tiêu thụ; các công đoạn còn lại vừa phải đầu tư dài hạn, mức đầu tư cao nhưng lợi nhuận lại thấp nhất. Đó cũng chính là lý do khiến các DN không mặn mà với việc đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sâu. Do vậy, cần phải xây dựng cơ chế hỗ trợ khoa học đủ mạnh hỗ trợ DN phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác nhận quyền sở hữu các mặt hàng của địa phương.

Trong các mặt hàng nông sản ở tỉnh ta thời gian qua, hình hài của một sản phẩm hàng hóa thể hiện rõ nhất từ lạc. Song, công nghệ chế biến sản phẩm này cũng chỉ dừng lại ở mức thủ công, thô sơ, chỉ có một số cơ sở áp dụng công nghệ chế biến hiện đại như máy sấy, máy bóc vỏ lạc do Việt Nam sản xuất. Sản lượng lạc hiện nay của tỉnh ta khoảng 39.000 tấn/năm, hàng năm, tỷ lệ thất thoát từ khâu bảo quản, chế biến khoảng 1.950 - 2.340 tấn, quy đổi giá trị mất khoảng 39 - 46,8 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Đường - chủ DN tư nhân Ngọc Đường (Xuân Hải - Nghi Xuân) thì tổng sản lượng thu mua lạc bình quân của DN khoảng 2.000 tấn/năm, hiện đơn vị này chỉ mới thực hiện được công đoạn bóc vỏ với máy có công suất từ 15 - 20 tấn/năm, số còn lại đều nhập thô cho các đối tác. Ông Đường cho rằng, do sản phẩm qua chế biến, phân loại chưa nhiều nên khi xuất sang thị trường Trung Quốc khó cạnh tranh được với lạc của Ấn Độ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù tỉnh ta đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cho bảo quản, chế biến đối với một số sản phẩm đã có, nhưng chính sách riêng để khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm và phát triển thương mại chưa rõ, đặc biệt là việc đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ mới vào chế biến sâu, chế biến tinh một số sản phẩm chính của tỉnh có tiềm năng.

Thiết nghĩ, để xây dựng được những sản phẩm mạnh, mang thương hiệu Hà Tĩnh, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản cho người nông dân, việc khuyến khích, hỗ trợ DN bằng các cơ chế thông thoáng, đủ sức hấp dẫn các DN tham gia vào khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân là hết sức cần thiết.

Ngô Tuấn