Những năm gần đây, công nghệ sinh học (CNSH)
là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới,
đã tạo động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
CNSH mở rộng các ứng dụng, sự hiểu biết sâu rộng về cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, làm tăng thêm tính hữu dụng và hiệu quả cho nền sản xuất, một trong những thành tựu nổi bật đó là việc ứng dụng các chế phẩm sinh học. Hiện nay chế phẩm sinh học đang được coi là công cụ hữu hiệu tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới.Ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón phục vụ cho cây trồng đang là hướng đi đúng đắn để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.
Trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt thì phân bón là cơ sở của việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất. Sử dụng phân bón phù hợp là nguyên nhân quan trọng để nông dân làm giàu. Việc sử dụng phân bón đã được áp dụng hiệu quả trên 100 năm nay, dựa trên sự hiểu biết về khoa học dinh dưỡng thực vật, đã góp phần to lớn vào việc tăng sản lượng và chất lượng nông sản. Thế kỷ 20, kể từ khi con người phát minh ra công nghệ tạo giống và các qui trình sản xuất phân bón hoá học NPK và thuốc trừ sâu hoá chất thì con người tự tin rằng đã nắm được trong tay chìa khoá giải quyết về lương thực, thực phẩm bền vững cho nhân loại. Song thực tế đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ lại, đó là: Khi áp dụng nông nghiệp hoá học thì môi trường đất, nước, thực phẩm bị ô nhiểm nặng; Con người nhiều khi cũng bị nhiễm độc do ăn phải thực phẩm ô nhiểm bởi hoá chất...; Đất đai ngày càng chai cứng, mất cân bằng sinh thái. Nguy hiểm hơn là chúng ta đã vô tình tiêu diệt hàng tỷ vi sinh vật có ích, mà chúng đem lại sự màu mỡ cho đất đai để cây xanh sinh trưởng. Một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta là làm thế nào vừa song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vừa đảm bảo cân bằng sinh thái... Nhằm tìm ra được giải pháp hữu ích và tận dụng được các phế thải, phụ phẩm nông nghiệp để tái đầu tư trở lại cho cây trồng. Hiện nay, nhiều nước tiên tiến đã xem việc ứng dụng công nghệ vi sinh là chìa khoá then chốt để giải quyết vấn đề này.
Ở Việt Nam, h
iện nay sự phát triển của sản xuất nông nghiệp đang đi vào mức độ thâm canh cao với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và hàng loạt các biện pháp như trồng lúa 3 vụ, phá rừng canh tác cà phê, hồ tiêu, điều… với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng. Với sự canh tác như vậy đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không thể dự báo trước.
Chính vì vậy, xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Hà Tĩnh là tỉnh nông nghiệp, vì thế vậy nhu cầu sử dụng phân bón trong sản xuất nông lâm nghiệp là rất lớn. Mặc dù vậy tập quán của người dân Hà Tĩnh chủ yếu sử dụng phân bón hoá học. Việc sử dụng phân bón hữu cơ còn hạn chế, bởi thời gian ủ phân theo phương pháp truyền thống phải mất từ 50 - 60 ngày mới có phân hoai mục đảm bảo kỹ thuật để bón cho đồng ruộng; cho nên, nhiều lúc người dân phải bón phân còn tươi, chưa hoai mục ... thông qua con đường này họ đã vô tình đưa các mầm bệnh, các chủng nấm, vi sinh có hại vào đất, gây nên một số bệnh hại nguy hiểm cho cây trồng... dẫn đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, việc sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giải quyết tốt vấn đề môi trường đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ ở Hà Tĩnh là việc làm thiết thực hữu ích, góp phần cải tạo đất; hạn chế sử dụng phân bón hoá học; tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Được sự đầu tư của Bộ Khoa học & Công nghệ và Sở KHCN Hà Tĩnh thông qua dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh", Trung tâm Ứng Dụng tiến bộ khoa học Công nghệ (TT) hợp tác với Công ty cổ phần công nghệ vi sinh và môi trường nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, than bùn làm phân bón hiệu “HATI-MIC”.
Đây là loại chế phẩm sinh học sử dụng các chủng vi sinh vật hữu ích trong tự nhiên nhằm phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rác thải, phế thải nông nghiệp, các loại mùn hữu cơ thành các chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây. Thành phần sinh học chính của chế phẩm này chủ yếu là các chủng loại vi sinh vật được phân lập tại các vùng sinh thái của Việt Nam như:
Aspergillus oryzae, Bacillus subtilis, Bacillus lichenfomic, Lactobacillus sp
và
Saccharomyces cerevisiea.
Thời gian qua, TT đã thử nghiệm chế phẩm ở qui mô nhỏ tại một số địa phương như: xã Sơn Quang – Hương Sơn; Phường Thạch Linh – Thành phố Hà Tĩnh; xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà…Các mô hình khảo nghiệm có bố trí công thức đối chứng (không sử dụng chế phẩm), với nguồn nguyên liệu chính để ủ phân gồm: bùn khô, bèo, rác, các loại rơm rạ, cỏ và phân chuồng tươi… Kết quả cho thấy khi sử dụng chế phẩm trong quá trình ủ không có mùi hôi thối bay ra, nhìn bằng cảm quan các loại phế thải thực vật sau khi ủ hoai mục hơn so với công thức đối chứng. Sau ủ 20 - 25 ngày là có phân hoai để bón (đối chứng là 55- 60 ngày).
Khi sử dụng phân ủ có sử dụng chế phẩm bón cho cây trồng thì cây phát triển tốt hơn, ít bị bệnh hơn. Đặc biệt sử dụng chế phẩm để ủ đất hoặc phân làm bầu cho cây gốc ghép tại vườn ươm giống cây ăn quả khi ra ngôi cây sinh trưởng nhanh, không bị nấm bệnh hại (đối chứng có một số bầu cây con bị bệnh thối cổ rễ).
Qua nhận xét đánh giá của các hộ dân đều khẳng định việc sử dụng chế phẩm HATI-MIC để ủ phân bón cho cây trồng mang lại kết quả rất khả quan. Sử dụng chế phẩm HATI-MIC giảm thời gian ủ phân (giảm trên 30 ngày so với cách ủ thông thường); hạn chế mùi hôi thối trong quá trình ủ do đó hạn chế được tổn thất đạm bị mất mát, giúp cây phát triển tốt. Bên cạnh đó tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ... làm phân nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón cho nông dân.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được ở một số vùng khảo nghiệm trên, chúng tôi mạnh dạn khuyến cáo người dân nên sử dụng chế phẩm HATI-MIC trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác để giúp cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông sản không chứa các dư lượng hoá chất độc hại đảm bảo vệ sinh an toàn, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang thời kỳ hội nhập WTO thì việc ứng dụng chế phẩm HATI-MIC để xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, than bùn làm phân bón là rất cần thiết và là một hướng đi phù hợp, và đảm bảo lợi ích kinh tế, môi trường.
Ks. Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trung tâm ƯDTBKHCN Hà Tĩnh