Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hà Tĩnh năm 2011 (PAPI Hà Tĩnh 2011)

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Public Administration Performance Index - PAPI) là công cụ đo lường khách quan hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền và trong sử dụng dịch vụ công. Chỉ số PAPI đo lường sáu trục nội dung chính gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công.
Hà Tĩnh được tiến hành khảo sát năm 2010 và năm 2011, kết quả khảo sát năm 2010 Hà Tĩnh nằm trong số tỉnh có điểm cao nhất (nằm trong tốp ¼ địa phương đứng đầu). Những lĩnh vực được người dân đánh giá tốt về quản trị và hành chính công của Hà Tĩnh bao gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công.
Theo báo cáo năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất (chỉ số PAPI tổng hợp chưa có trọng số đạt 39,155). Về thứ bậc, tỉnh Hà Tĩnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng thứ 3/9 tỉnh trong khu vực. Kết quả thể hiện ở các nội dung cụ thể như sau:
1. Chỉ số nội dung “Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, Hà Tĩnh được 5,629 điểm, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng thứ 4/9 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó nội dung thành phần “Tri thức công dân về tham gia” đạt 1,14 điểm (nằm ở vị trí trung vị).
2. Chỉ số nội dung “Tính công khai minh bạch ở địa phương”, Hà Tĩnh đạt 6,984 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh thành, phố trên toàn quốc và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là sự thể hiện cố gắng của các cấp chính quyền trong việc công khai minh bạch, cung cấp thông tin kịp thời tới người dân…đảm bảo quyền được biết của người dân.
3. Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, Hà Tĩnh đạt 6,511 điểm, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng 3/9 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
4. Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng”, Hà Tĩnh đạt 6,324 điểm, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng 3/9 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó nội dung thành phần “Tỷ lệ người dân biết về Luật phòng chống tham nhũng” đạt cao nhất 73,95%, so với điểm trung bình của toàn quốc là 42,45%;
5. Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, Hà Tĩnh đạt 7,151 điểm, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng 5/9 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó nội dung thành phần “Thủ tục hành chính được cấp ở cấp xã/phường” đạt điểm cao nhất 2,01 điểm, so với điểm trung bình của toàn quốc là 1,84;
6. Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”, Hà Tĩnh đạt 68,54 điểm, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đứng 3/9 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó nội dung thành phần “Tổng chất lượng trường tiểu học tại địa bàn xã/phường (9 tiêu chí)” đạt điểm cao nhất 6,08 điểm, so với điểm trung bình của toàn quốc là 4,43;
Qua kết quả điều tra, đánh giá chỉ số PAPI năm 2011 của tỉnh Hà Tĩnh đã thể hiện được phần nào sự cố gắng của hệ thống chính trị, các cấp các ngành trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong thời gian qua. Đặc biệt việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện "Đề án kiện toàn, sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội" . Đến nay đã hoàn thành được 35/68 nội dung theo Kế hoạch. Tỉnh đã Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020, theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 quy định về trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện thí điểm Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC theo Quyết định 1953 ngày 08/12/2011 của Bộ Nội vụ. Việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001-2011 đã được tỉnh chỉ đạo, đến nay trên toàn tỉnh đã có 44 cơ quan hành chính xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001-2008. Ngoài chỉ số PAPI có thứ hạng cao thì chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh đã có bước đột phá từ vị trí thứ 37 năm 2010 lên vị trí thứ 7 trong bảng tổng sắp toàn quốc năm 2011 (đứng trong tốp đầu cả nước và đứng đầu khu vực 11 tỉnh duyên hải miền Trung).
Thông qua chỉ số PAPI ở Hà Tĩnh một phần nào đã thể hiện được sự phản ánh cảm nhận của người dân với tư cách là người sử dụng các dịch vụ hành chính công. Việc đánh giá và xếp hạng PAPI còn thể hiện và phát huy tính dân chủ trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền. PAPI cũng là lời cảnh báo để cơ quan nhà nước, CBCC thấy được trách nhiệm của tập thể, cá nhân mình đối với việc phục vụ người dân, vì nhân dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phục vụ nhân dân, tạo các điều kiện thuận lợi để người dân có quyền được hưởng, như vậy tạo được lòng tin trong nhân dân.
Trong kết quả đạt được chung của tỉnh, công tác cải cách hành chính ở Sở KH&CN đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn bộ các quy trình triển khai công việc (liên quan đến doanh nghiệp, người dân) đều được công khai hóa trên Website của Sở, các tổ chức/cá nhân có nhu cầu thực hiện đều được cán bộ của Sở hướng dẫn thực hiện theo quy định. Việc áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001-2011 đã được Sở triển khai thực hiện. Công tác điều hành tác nghiệp công việc được tin học hóa, sử dụng phần mềm M.Office để triển khai thực hiện, thông qua việc ứng dụng CNTT lãnh đạo giám sát được chất lượng, thời gian xử lý công việc của từng cá nhân đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên với các kết quả đạt được trong thời gian qua, cũng đã bộc lộ một số nhược điểm còn hạn chế ở một số nội dung chưa cao như: Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công, chúng ta còn nằm ở tốp sau. Do đó thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cần phải nghiêm túc đánh giá, phân tích để thấy rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách nền hành chính, ở từng nội dung, lĩnh vực cụ thể để đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân.
Để công tác cải cách hành chính đạt kết quả cao, chỉ số PAPI của tỉnh có thứ hạng cao trong toàn quốc, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Tăng cường công tác chỉ đạo cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và sự tham gia giám sát của nhân dân đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính. Phấn đấu đưa nội dung Kiểm soát tham nhũng và Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công lên tốp đầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cải cách hành chính ở các sở, ngành, địa phương; đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế hiện nay tại địa phương.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt trong bộ máy hành chính và trong cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị dịch vụ công, công chức, viên chức trong thực thi công vụ… Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các nội dung trong Chỉ thị 35-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về xiết chặt kỹ luật kỹ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Kết luận 05-KL/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục chỉ đạo xiết chặt kỹ luật kỹ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Quyết định 33/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định trách nhiệm thực hiện kỹ luật, kỹ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh;
- Tập trung đầu tư hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. Tăng cường đối thoại giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các doanh nghiệp và nhân dân; Ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông trong xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân…
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai cải cách hành chính để có những bổ cứu kịp thời, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính. Hàng năm căn cứ vào tiêu chí cải cách hành chính để đánh giá và xếp loại thi đua, khen thưởng.
Trên đây là một số đề xuất góp phần ổn định và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh Hà Tĩnh. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh và sự đồng thuận của các cấp, các ngành, chúng tôi tin tưởng rằng năm 2012 và những năm tiếp theo công tác cải cách hành chính ở Hà Tĩnh sẽ đạt được những kết quả cao, chỉ số PAPI sẽ luôn nằm ở tốp đầu của các tỉnh thành trên toàn quốc và khu vực Bắc Trung Bộ./.
Nguyễn Huy Lâm