Nghị quyết số 20/NQ-TW của Hội nghị BCHTW 6 khóa XI tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ KH&CN: “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ”. Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về trí thức cũng đã xác định: “Đảng và Nhà nước có trách nhiệm và chính sách đặc biệt phát triển, trọng dụng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN để KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp quan trọng, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI”.
Vì vậy việc hoạch định một chính sách phù hợp của quốc gia hay từng địa phương để khuyến khích, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực KH&CN phát triển, phát huy tài năng, trí tuệ của mình vào phục vụ quê hương, đất nước, phục vụ nhân dân đặt ra hết sức bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, đến cuối năm 2010, cả nước có 1.513 tổ chức KH&CN, trong đó có 1.001 tổ chức ở trung ương và 512 tổ chức tại địa phương. Trong số đó, có 949 tổ chức KH&CN công lập (63%) và 564 tổ chức KH&CN ngoài công lập (37%).
Tổng số nhân lực trong 1.513 tổ chức KH&CN của cả nước là 60.543 người, đạt 7 người/1vạn dân. Trong đó, trình độ tiến sĩ là 5.293 người (8,74%), trình độ thạc sĩ là 11.081 người (18,30%), trình độ đại học là 28.689 người (47,39%) và trình độ từ cao đẳng trở xuống là 15.480 người (25,57%).
Riêng tại Hà Tĩnh hiện có khoảng 1.575 cán bộ KH&CN, trong đó có 01 Giáo sư, 02 Phó giáo sư, 39 tiến sỹ, và hơn 800 người có trình độ thạc sỹ. Đội ngũ viên chức hoạt động Khoa học và Công nghệ của tỉnh gần 500 người (bao gồm các đơn vị được cấp ngân sách và đơn vị tự trang trải kinh phí chi thường xuyên), trong đó trình độ thạc sĩ: 29 người, đại học: 350 người.
Tuy nhiên vì điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng như ở Hà Tĩnh, lực lượng cán bộ, công chức, cán bộ quản lý có trình độ cao trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tương đối nhiều nên những số liệu thống kê ở trên chưa phải là con số thể hiện đầy đủ và chính xác nguồn nhân lực KH&CN hiện có.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ KH&CN hay nhân lực KH&CN tại Việt Nam có thể được hiểu theo những cách khác nhau: Theo cuốn KH&CN Việt Nam 2003 và cuốn “Cẩm nang về đo lường nguồn nhân lực KH&CN” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì nhân lực KH&CN bao gồm những người đáp ứng được một trong những điều kiện sau đây:
1. Đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng và làm việc trong một ngành KH&CN;
2. Đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, nhưng không làm việc trong một ngành KH&CN nào;
3. Chưa tốt nghiệp đại học và cao đẳng, nhưng làm một công việc trong một lĩnh vực KH&CN đòi hỏi trình độ tương đương.
Những khái niệm này dường như quá rộng để thể hiện nguồn nhân lực hoạt động KH&CN của một quốc gia hay của từng địa phương.
Tại các nước thường sử dụng phổ biến khái niệm nhân lực nghiên cứu phát triển (NCPT), hay còn gọi là R&D (research and development), để thể hiện lực lượng lao động KH&CN của mình. Theo Hướng dẫn thống kê NCPT của OECD (Cẩm nang FRASCATI), nhân lực NCPT bao gồm những người trực tiếp tham gia vào hoạt động NCPT hoặc trực tiếp hỗ trợ hoạt động NCPT
Đối chiếu với tình hình thực tế tại Việt Nam các lực lượng tham gia hoạt động KH&CN nước ta gồm 5 thành phần chủ yếu sau đây:
1. Cán bộ nghiên cứu trong các viện, trường đại học.
2. Cán bộ kỹ thuật, công nghệ (kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư) làm việc trong các doanh nghiệp.
3. Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích khoa học kỹ thuật, có sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống.
4. Cán bộ quản lý các cấp (kể cả quản lý doanh nghiệp) tham gia hoặc chỉ đạo công việc nghiên cứu phục vụ việc hoạch định các quyết sách, quyết định quan trọng trong thẩm quyền của mình.
5. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo cách hiểu này thì số lượng cán bộ KH&CN làm việc trực tiếp trong lĩnh vực NCPTchiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn trong tổng số cán bộ KH&CN của nước ta.
Bởi vậy, trước tiên cần có một định nghĩa hay khái niệm thống nhất về đội ngũ hay nguồn nhân lực KH&CN từ đó xác định đúng, đầy đủ lực lượng này để định hướng phát triển, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cũng rất cần thiết.
Chính sách đãi ngộ và đối tượng đãi ngộ ?
Mặc dù các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của nhà nước luôn dành sự quan tâm và đề cao vai trò của nhân tài, trí thức khoa học, nhưng trên thực tế chúng ta hầu như chưa có được chính sách đầy đủ cụ thể nào để thực sự trọng dụng, sử dụng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân - đã chia sẻ: “Kinh phí nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN còn khá eo hẹp, nếu chia ra cho các viện nghiên cứu và các trường đại học thì số người có đề tài nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% không thể có đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, vì chế độ tiền lương rất khó khăn như hiện nay, các nhà khoa học buộc phải vươn ra ngoài, bươn chải rất nhiều để có thể tự đảm bảo cuộc sống của mình. Như vậy họ không thể chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu”.
Tuy nhiên, vì điều kiện đất nước, địa phương còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc đãi ngộ bằng cách trả lương cao cho tất cả những người làm khoa học là không thể. Tương tự như thế Hà Tĩnh không chỉ có hơn một ngàn rưỡi người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, mà hơn một vạn người được đào tạo có trình độ từ cao đẳng, đại học và cao hơn đều có khả năng tham gia hoạt động nghiên cứu và hàng triệu người dân yêu khoa học cũng có cơ hội đóng góp cho hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của địa phương. Vì vậy thực hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), thiết nghĩ Tỉnh cũng cần xây dựng chính sách đãi ngộ nhưng tập trung vào một số nhóm đối tượng chính cần được ưu tiên quan tâm đặc biệt, đó là cán bộ KH&CN đầu ngành; cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ, đề tài quan trọng cấp nhà nước, cấp tỉnh; cán bộ KH&CN trẻ tài năng và các chuyên gia hợp tác thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu, ứng dụng dự kiến sẽ hoàn thành trên địa bàn. Đối với mỗi nhóm đối tượng cần có tiêu chí rõ ràng để xác định đúng.
Trong thời gian qua các cấp ủy, chính quyền của Hà Tĩnh đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác thu hút và trọng dụng nhân tài nói chung. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách trong đó phải kể đến Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND về Quy định tạm thời chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 64/2012/QĐ-UBND về bổ sung, thay thế một số điều của quyết định 14. Nhìn chung các chính sách trên đã phát huy hiệu quả tốt, đã thu hút được lực lượng lao động trình độ cao về lao động, cống hiện tại địa phương, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh nhà. Tuy vậy, các chính sách đang còn nặng về việc thu hút, tạo sự đãi ngộ ban đầu nhưng chưa thật sự đề cập rõ việc bố trí, sử dụng, quan tâm tạo các nguồn lực cần thiết để “nhân tài” được thu hút có đất để dụng võ, phát huy tài năng, trí tuệ của mình.
Thời gian tới, bên cạnh việc ưu đãi các điều kiện để thu hút các nhà khoa học, cần nghiên cứu bổ sung các điều kiện để họ có thể yên tâm làm việc, cống hiến tốt, tạo được một môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động khoa học. Ví dụ đối với các nhà khoa học đầu ngành có thể đảm bảo kinh phí tương đối hàng năm để họ tiến hành các hoạt động nghiên cứu; đối với các tài năng trẻ về khoa học và công nghệ có thể bố trí kinh phí để họ tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ tham gia các nhóm nghiên cứu, các hội thảo khoa học; đối với các chuyên gia hợp tác nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án trên địa bàn có thể quy định nâng mức thù lao theo mức phù hợp với tầm quan trọng và đóng góp của họ (như tại TP HCM quy định tối đa 150 triệu đồng/người/tháng); có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với các nhà khoa học, các chủ trì đề tài, dự án có kết quả nghiên cứu thành công, triển khai áp dụng tốt trong thực tiễn... Nhưng, đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, rà soát, đánh giá sự đóng góp (dựa trên kết quả), tinh thần trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi, nhằm kịp thời có sự bổ sung, thay đổi chính sách phù hợp.
Các tài liệu Tham khảo và trích dẫn:
1. Báo cáo Chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Ths. Nguyễn Thúy Hà Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học- Viện Nghiên cứu lập pháp, 2013.
2. Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về tình hình nghiên cứu khoa học, Báo điện tử chính phủ, 2013 (http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Bo-truong-Nguyen-Quan-noi-ve-tinh-hinh-nghien-cuu-khoa-hoc/177245.vgp)
3. “Cẩm nang về đo lường nguồn nhân lực KH&CN ”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), , xuất bản tại Pari, 1975
Nguyễn Văn Chung - Sở KH&CN Hà Tĩnh