Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, trong năm 2011 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Trung tâm) đã không ngừng nâng cao sáng kiến, tìm kiếm, tiếp thu các tiến bộ KHCN tiên tiến nhằm chuyển giao cho các đối tác và người dân, mở nhiều lớp đào tạo, tư vấn chuyển giao thành công nhiều tiến bộ KHCN, tạo niềm tin và kéo họ lại gần hơn với những thành quả trong lĩnh vực KHCN. Đồng thời chú trọng nâng cao tính chuyên môn cho cán bộ, tăng nguồn thu, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ CNVC của Trung tâm.
Về lĩnh vực hợp tác quốc tế trong những năm qua nói chung, năm 2011 nói riêng đã thu được nhiều kết quả khả quan: Hoàn thành việc chuyển giao xây dựng mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp và lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho 2 tỉnh Bolykhamxay và Khammuon; xây dựng được 2 nhà lưới ươm cây diện tích 400m2/ 01 nhà; chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây dó trầm và cây lâm nghiệp cho đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật; lắp đặt thành công 22 bộ pin năng lượng mặt trời cho hai tỉnh, đào tạo quy trình kỹ thuật để các cán bộ kỹ thuật của bạn có thể tiếp tục lắp đặt và duy tu, bảo dưỡng. Ghi nhận những kết quả trên Trung tâm đã được Bộ KHCN Việt Nam, Bộ KHCN Lào và 2 tỉnh Bolykhamxay, Khammuon đánh giá cao, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa 2 nước và các tỉnh có chung đường biên giới với Hà Tĩnh.
Trong chương trình ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi: Đã đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật về công nghệ nuôi ong, trồng và sơ chế dược liệu, 15 cán bộ kỹ thuật về trồng các giống lạc mới, nuôi nhím; mở 10lớptập huấn về kỹ thuật nuôi ong, nuôi nhím, kỹ thuật trồng lạc, trồng cây dược liệu cho trên 500 lượt bà con nông dân các huyện Hương Sơn, Đức Thọ. Các quy trình kỹ thuật và các giống cây trồng, vật nuôi được đưa vào tập huấn, ứng dụng đều là những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua các buổi tập huấn kỹ thuật đã giúp bà con nắm vững quy trình kỹ thuật để trồng và nuôi các đối tượng cây con giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Tiếp tục đào tạo, chuyển giao quy trình công nghệ trồng hoa thương phẩm cho bà con nông dân các xã Thạch Môn, Thạch Linh tạo cho họ tiếp cận nghề mới trên quê hương của mình và hiện nay bà con nông dân ở Thạch Môn (thành phố Hà Tĩnh) đã có thể làm chủ được quy trình kỹ thuật trồng một số loài hoa, xác định được giống tốt, tự liên hệ mua về gieo trồng, chăm sóc để phát triển kinh tế gia đình, mở ra hướng phát triển nền nông nghiệp ven đô.
Một trong những lĩnh vực rất được Trung tâm chú trọng và cũng là thế mạnh hiện nay đó là ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn, phục tráng và sản xuất một số giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh tại phòng nuôi cấy mô. Trong năm 2011, Trung tâm tiếp tục sản xuất được nhiều loại giống cây tốt, sạch bệnh phục vụ sản xuất như: hoa cúc, đồng tiền, chuối... Công nghệ vi sinh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là chế phẩm ủ phân bón vi sinh, chế phẩm xử lý mùi hôi chuồng trại HT-mic, chế phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản HT-Bio... các loại chế phẩm này đã góp phần quan trọng trong việc xử lý rác sinh hoạt, tận dụng và sử dụng hiệu quả các loại phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo nguồn thu cho nông dân.
Đào tạo nghề cho bà con nông dân là một trong những hoạt động mới của đơn vị trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ với Sở LĐTB&XH thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho nông dân. Trong năm 2011, Trung tâm đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề sản xuất phân ủ hữu cơ vi sinh và 1 lớp đào tạo nghề chế biến nước mắm ứng dụng công nghệ mới trong tích hợp năng lượng mặt trời nhằm rút ngắn thời gian muối và tăng chất lượng sản phẩm cho 175 người dân tham gia. Các học viên sau khi tham gia các lớp đào tạo đã có trình độ nghề sơ cấp, góp phần tăng hiệu quả sản xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình phối hợp với dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh (IMPP), Trung tâm đã tổ chức được 49 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng cho người dân trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đặc biệt là các giải pháp sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu với 1.960 lượt người. Tổ chức 45 lớp tập huấn kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt với 1.485 lượt nông dân tham gia.
Chương trình tư vấn Logo, nhãn mác, công bố chất lượng, đăng ký mã vạch nhằm góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, xúc tiến thị trường tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của Hà Tĩnh như: lạc, đậu, gạo, mật ong, rượu... trong năm 2011 đã tư vấn cho các sản phẩm rượu Trung Thu (Thạch Ngọc), gạo Cẩm Thành; gạo Đức Thanh; lạc, gạo, đậu Đức Đồng; lạc Sơn Hà; mật ong Sơn Mai; mật ong Thạch Xuân; tăm đũa tre Trung Thành (Thạch Kênh); nấm Ngọc Tài (Thạch Ngọc); Đậu Sơn An...
Đồng thời tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ cho 4 mô hình trồng hoa tại các xã Thạch Long, Xuân Lộc, Kỳ Hoa, Tượng Sơn; 1 mô hình nuôi vịt tại Cẩm Thành; 1 mô hình nuôi kỳ nhông trên cát tại Cẩm Hòa. Việc xây dựng mô hình theo kiểu "cầm tay, chỉ việc" đã giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật.
Có thể nói việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và dịch vụ về đào tạo chuyển giao kỹ thuật, công nghệ đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, phát triển ngành nghề mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, trình độ chuyên môn cán bộ kỹ thuật của Trung tâm ngày càng được nâng lên, tạo việc làm cho nhân viên, nâng nguồn thu cho đơn vị năm sau cao hơn năm trước, xác lập hướng đi hoàn thiện trong tương lai.
Phan Trọng Bình - GĐ Trung tâm ƯDTBKHCN