Chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động khoa học công nghệ

Là huyện “sinh sau đẻ muộn” ra đời và phát triển trong thời điểm kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, song Lộc Hà đã có nhiều chủ trương trong công tác quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất góp phần vào nâng cao hiệu quả lao động, đổi mới về tư duy lý luận kinh tế. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Ghé thăm Lộc Hà vào một ngày giữa tháng năm, những cánh đồng trải dài một màu vàng của đồng lạc, lúa sắp đến ngày thu hoạch. Nét mặt phấn khởi của bà con nhân dân báo hiệu một vụ mùa bội thu đã đến.
Những ngày này, Huyện ủy Lộc Hà đang tất bật chuẩn bị cho kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) và sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị Quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI). Dù khá bận rộn, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Lê Hồng Cơ vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi. Bên chén chè xanh, anh Cơ phấn khởi “khoe”: Những năm qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện Lộc Hà đã có nhiều bước tiến quan trọng, các đề tài, dự án KH&CN đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp luận cứ khoa học cũng như những ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Hơn 7 năm qua, “em út” Lộc Hà đã tổ chức tốt việc học tập quán triệt Nghị quyết, đồng thời lãnh đạo, triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc trong đảng, mặt trận, đoàn thể. Việc tuyên truyền, quảng bá ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn; nhiều chủ trương khuyến khích, hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sớm đi vào cuộc sống đặc biệt là lĩnh vực nông - ngư nghiệp và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên các vùng, các lĩnh vực, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt của các địa phương và trung tâm huyện lỵ đã có nhiều khởi sắc, phát triển nhiều mô hình kinh tế - văn hóa – xã hội, việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, Hội đồng Khoa học huyện Lộc Hà đã được kiện toàn tích cực tham mưu lãnh đạo huyện lựa chọn các tiến bộ khoa học, mô hình kinh tế phù hợp ứng dụng vào địa phương. Hoạt động KH&CN đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, NN&PTNT; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng; giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe; công nghệ thông tin… và có nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn huyện có 114 mô hình kinh tế với tổng diện tích trên 120 ha có hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi… Chưa kể, huyện Lộc Hà còn liên tục đạt giải cao các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của quốc gia và quốc tế trong nhiều năm liền.
Để tận mắt “mục sở thị”, chúng tôi đến Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận, xã Mai Phụ. Trên diện tích gần 32 ha, với 20 xã viên, HTX nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận ứng dụng nuôi nghêu Bến Tre thu nhập cao.
Trở về từ bãi nghêu với hơn 6 tấn nghêu sản phẩm vừa thu hoạch, Chủ nhiệm HTX Lê Xuân Hùng vừa chỉ đạo các xã viên rửa, đóng nghêu để kịp chuyển cho khách trong ngày vừa tranh thủ chia sẻ với phóng viên, HTX Hùng Thuận thành lập từ năm 2011, nuôi hàu và nghêu Bến Tre nhưng chủ yếu là nghêu. Không như các đối tượng thủy sản nuôi khác, nghêu sinh trưởng và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên . T rong nuôi nghêu, nông dân chỉ cần thả giống, san nghêu cho đều và chờ ngày thu hoạch. Người nuôi nghêu không cần cung cấp và cũng không thể cung cấp thức ăn cũng như áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh cho nghêu vì chúng sống ở bãi biển mênh mông. Do đó, việc chọn đúng con giống và quan trắc môi trường để có cơ sở so sánh các chỉ tiêu an toàn môi trường là hết sức quan trọng. Trước đây, giống nghêu cũ có tuổi thọ thấp, sức chịu đựng kém, dễ chết nên lợi nhuận của người nuôi nghêu không đáng kể. Năm 2011 huyện Lộc Hà ứng dụng chuyển giao thành công công nghệ nuôi nghêu Bến Tre trên địa bàn huyện. Anh Lê Hồng Cơ đánh giá đây là một trong những đề tài khoa học nổi bật của Lộc Hà, nghêu có tỷ lệ sống cao, chống chịu với nhiệt độ cao, thiên tai tốt. Người dân nuôi nghêu Bến Tre có lợi nhuận cao hơn hẳn.
Những năm qua, hoạt động KH&CN huyện Lộc Hà đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đã nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.

Hàn Dương