Chuyền máu hoàn hồi: Giải pháp tối ưu để cứu sống người bệnh

Trong các ca cấp cứu, nhiều bệnh nhân bị mất máu nặng cần phải chuyền máu kịp thời, tuy nhiên với điều kiện các cơ sở y tế chưa xây dựng được kho máu dự trữ để có thể chuyền ngay thì chuyền máu hoàn hồi là một giải pháp tối ưu để cứu sống người bệnh.
Chuyền máu hoàn hồi là dùng chính lượng máu mà bệnh nhân mất đi để chuyền trở lại cho chính họ. Lượng máu này thường chảy vào ổ bụng sau các tai biến như chửa ngoài tử cung bị vỡ, vỡ gan, vỡ lách không có chấn thương kết hợp… Trong các trường hợp này, việc chuyền máu là hết sức quan trọng và cần thiết vì lượng máu mất đi thường rất lớn, bệnh nhân có thể trụy mạch, shock, nếu không có lượng máu bù vào cơ thể bệnh nhân tử vong rất nhanh.
Thế nhưng làm sao để có thể chuyền máu một cách an toàn, kịp thời cứu sống người bệnh, khi mà các điều kiện còn thiếu là một trăn trở của các y, bác sĩ tuyến huyện. Xuất phát từ những đam mê và trăn trở nghề nghiệp, nhóm điều dưỡng Trần Thị Huệ - Nguyễn Trà Mi (Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ) đã tìm ra giải pháp tối ưu để chuyền máu hoàn hồi bằng chai thủy tinh. Qua nghiên cứu, phân tích, áp dụng giải pháp đã thử nghiệm thành công nhiều năm tại đơn vị, cứu sống được hàng chục bệnh nhân. So với ngân hàng máu sống thì sử dụng chai thủy tinh để chuyền máu hoàn hồi đã giải quyết được vấn đề thời gian, chủ động trong điều trị cấp cứu bởi việc huy động máu mất thời gian liên lạc, chờ đợi người cho máu đến làm các xét nghiệm cần thiết trong khi bệnh nhân cần được chuyền máu kịp thời. Mặt khác tận dụng máu của chính cơ thể bệnh nhân có lợi là chắc chắn đảm bảo được sự hòa hợp với cơ thể người bệnh cũng là một đặc tính ưu việt của phương pháp này.
Để thực hiện được quá trình chuyền máu hoàn hồi theo phương pháp này vật liệu cũng rất đơn giản, dễ tìm đó là các vỏ chai thủy tinh đựng các loại dung dịch chuyền sau khi đã được xử lý tiệt trùng theo tám công đoạn. Đầu tiên là việc thu gom vỏ chai thủy tinh đựng dung dịch thông thường như Polymina, Vitaplex…chuyển đến khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, tại đây tất cả vỏ chai được ngâm trong dung dịch khử khuẩn Cloramin B 0,5% với thời gian 15-30 phút; tiếp đó được rửa sạch dưới vòi nước chảy với bàn chải mềm, lau sạch nhãn vỏ bên ngoài; tráng lại bằng nước sạch, lau khô, để ráo và cho vào hộp hấp trong vòng 30 phút với nhiệt độ đạt 121 0 C, áp suất đạt 106KPA. Sau khi hấp các hộp được đưa đến bảo quản tại tủ đựng dụng cụ vô khuẩn, phòng có tia cực tím và được đưa ra sử dụng khi cần. Để đảm bảo an toàn thời gian bảo quản hộp hấp không quá 48 giờ, trước khi cho máu vào chai phải được tráng lại bằng dung dịch Natriclorid 0,9%. Khi áp dụng, máu được lọc qua 8 lớp gạc vô khuẩn và pha loãng với dung dịch Natriclorid 0,9% với tỉ lệ 1:1 và được chuyền trở lại vào cơ thể người bệnh theo quy trình chuyền máu.
Điều dưỡng Trần Thị Huệ cho biết, giải pháp hết sức đơn giản nhưng khi ứng dụng cần phải thận trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Việc chuyền máu phải được thực hiện kịp thời, nhanh chóng bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối và có một ê kíp làm việc thành thạo. Bên cạnh đó các dụng cụ đựng máu chuyền phải được đảm bảo vô khuẩn, chất liệu chắc chắn không có phản ứng xảy ra với các thành phần của máu.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, sáng kiến hữu ích này đã được đưa vào áp dụng trong ba năm qua mang lại kết quả rất khả quan. Ngoài việc giúp tiết kiệm được chi phí thì giải pháp đã tạo sự chủ động trong cứu chữa bệnh cho nhân dân trong điều kiện chưa có kho máu dự trữ. Theo thống kê, theo dõi đã có nhiều ca điều trị được áp dụng chuyền máu hoàn hồi sử dụng vỏ chai thủy tinh trong đó có 27/30 ca bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ, 7/10 ca bệnh nhân vỡ lách, đụng dập lách. Đặc biệt trong tổng số 34 ca tiến hành chuyền máu hoàn hồi thì 100% số ca mang lại kết quả tốt, không có bệnh nhân mắc nhiễm trùng huyết, không có bệnh nhân tử vong, số ngày điều trị trung bình là 7,8 ngày/bệnh nhân.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, chưa xây dựng được kho máu dự trữ, sử dụng vỏ chai thủy tinh để chuyền máu hoàn hồi được xem là biện pháp tối ưu, đảm bảo cung cấp lượng máu kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Bên cạnh đó với điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì chuyền máu hoàn hồi giúp giảm được chi phí trong khám, chữa bệnh. Từ nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả, công trình "Sử dụng vỏ chai thủy tinh trong chuyền máu hoàn hồi" của nhóm điều dưỡng Trần Thị Huệ và Nguyễn Trà Mi đã được Hội đồng giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013) đánh giá cao và xét chọn trao giải Ba lĩnh vực Y dược. Thành tích này là kết quả của niềm đam mê, tìm tòi sáng tạo và hơn hết là tình cảm, trách nhiệm của những cán bộ ngày đêm hết lòng vì sức khỏe nhân dân.