Cô bé hạt tiêu với những giải thưởng lớn

Sinh ra tại vùng đất nổi tiếng cả nước với giống bưởi Phúc Trạch, cô bé với biệt danh “hạt tiêu”, nhỏ nhắn, dễ thương này ngay từ lớp 11 đã có những sáng kiến vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa.
Với ước mơ giản dị nhưng khiến người nghe phải toát mồ hôi khi Vân mong muốn Bưởi Phúc Trạch đưa đi xuất khẩu. Để biến ước mơ thành hiện thực, Vân bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và cho ra ngay dự án “Cơ sở Trầm – Bưởi Phúc Trạch”. Theo như Vân lí giải “Không nơi nào có bưởi ngon như bưởi Phúc Trạch, có cây gió trầm Hương giá trị kinh tế lên tới hàng trăm triệu. Thế nhưng không hề có một cơ sở chế biến tại gia? Trong lúc đó hàng trăm hộ dân sống nhờ vào những sản phẩm nông sản trên”. Ước muốn có một cơ sở sản xuất đã được em cho ra hẳn một dự án bằng văn bản.
Ngay khi biết có cuộc thi “Khởi nghiệp” do VTV3 tổ chức, Vân lên mạng tìm hiểu thể lệ, khi thấy dự án của mình đáp ứng yêu cầu em liền gửi ra Hà Nội dự thi. Có tất cả 200 dự án, Vân lọt vào tốp 8 và tiếp tục vào vòng chung kết. “Hồi đó, em là thành viên nhỏ tuổi nhất còn đang học THPT. Tham gia dự thi với em là các cô chú, anh chị sinh viên ĐH, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu. Khi được xứng lên ngôi vị thứ 3, em mừng vô kể”.
Cũng từ đây, bước ngoặc cuộc đời Vân chuyển sang một trang mới. Từ một cô học trò với ước mơ trở thành cô giáo làng dạy văn đã không còn nữa khi cái máu làm kinh tế ngày một thấm vào da thịt. Giờ em đã thành cô sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Vinh và ước mơ thành nhà kinh tế trong tương lai vẫn đang được Vân hâm nóng.
Với đam mê khoa học, luôn sáng tạo trong ý tưởng. Chính vì thế, năm 2008 Vân tiếp tục tham dự cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp Toàn quốc” và đạt giải nhì với dự án “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ Trầm Hương”. Những ý tưởng đầy tính sáng tạo trong dự án của Vân đã được ban giám khảo đánh giá rất cao. Trong việc dám đưa ra ý kiến và định hướng cho các doanh nghiệp. “Để nó trở thành một ngành sản xuất hàng hóa đặc thù của Việt Nam thì các nhà doanh nghiệp phải có tính định hướng, quy hoạch và bao tiêu sản phẩm vì cây trầm Hương là do người nông dân sản xuất ra”, Vân khẳng định lại một lần nữa.
Sau khi dự án của Vân được nhân giải thưởng. Công ty Secoin ở Hà Nội đã nhận đỡ đầu. Trong dự án này Vân đã đề xuất số vốn lên đến 1 tỷ đồng, nhưng trải qua nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn một của dự án là phát triển vùng nguyên liệu, đưa chính sách về với người nông dân, để làm được điều này cần số vốn 200 - 300 triệu đồng. Giai đoạn tiếp theo là hoàn thiện công nghệ và tiếp cận thị trường nước ngoài. Hiện, Vân được Doanh nhân Phạm Thị Loan, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á nhận bảo trợ và đào tạo.
Tuy nhiên, không ai ngờ cô bé có tầm nhìn tương lai Lê Thị Cẩm Vân lại sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ đều làm ruộng. Thấy được nỗi vất vả của người nông dân, Vân chỉ mong muốn mình sẽ đóng góp gì đó để mở ra một bước phát triển mới cho vùng quê nghèo. Nỗi băn khoăn lớn nhất của Vân là “Những ý tưởng trên vẫn đang nằm trong văn bản. Còn để có một cơ sơ sản xuất tại gia thì vẫn chỉ là mơ ước!”.
Được mệnh danh cô bé của những giải thưởng, của các dự án nghiên cứu. Chưa bằng lòng với những gì mình có, em vẫn đang say sưa nghiên cứu và cho ra đời những dự án mới . Hiện Vân đang gửi công trình tham gia giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ” và giải thưởng Vifotec 2009 – 2010. Sở hữu những thành tích dày cộm từ cấp trường đến toàn quốc nhưng em vẫn rất khiêm tốn “Những gì em đang có mới chỉ là niềm vui của một đứa trẻ bắt đầu biết nói mà thôi!”, Vân nói.
Những thành tích của Lê Thị Cẩm Vân:
- Năm 2005 đạt giải 3 cuộc thi “Khởi nghiệp” của VTV3.
- Năm 2007 đạt giải nhì nghiên cứu khoa học cấp trường với chủ đề “Giải pháp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghệ An”. Được chọn làm bài nội san cho khoa Kinh tế “xót xa quê mẹ”.
- Năm 2008 đạt giải nhì cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp Toàn quốc”. Đạt danh hiệu “Sao tháng giêng” do sinh viên Trường ĐH Vinh trao tặng
- Năm 2009 tham gia hội nghị NCKH cấp tỉnh với đề tài “Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ Trầm hương tại Hương Khê – Hà Tĩnh”. Được nhận bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH của Trường ĐH Vinh.
- Năm 2009 gửi công trình tham gia giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ” và giải thưởng Vifotec 2009 -2010.
- Năm 2009, 1/10 sinh viên cả nước tham dự Hội nghị doanh nhân tiêu biểu Toàn quốc và được nhận biểu tượng “Đồng tiền vàng”.
Trương Hoa