Công nghệ thông tin Hà Tĩnh, 10 năm phát triển và hội nhập

5 nhiệm vụ nhằm đâỷ mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 58/CT-TW, ngày 17/10/2000 là: Ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNTT trong toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT; đẩy mạnh việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT; đẩy nhanh việc xây dựng mạng thông tin; tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước về CNTT.
Sau 10 năm, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; sự cố gắng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự nỗ lực của Cơ quan chuyên trách, những chuyển biến tích cực về ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ qua những kết quả đáng mừng:
Về tạo lập môi trường, chính sách, tăng cường công tác QLNN cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT : Đây là vấn đề quan trọng, luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Từ năm 2001- 2003, tỉnh đã thành lập Ban điều hành đề án 112 trong các cơ quan nhà nước; Ban Chỉ đạo đề án ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng; đồng thời thành lập các Trung tâm CNTT ở Sở KHCN, VP UBND tỉnh và Phòng CNTT ở VP Tỉnh ủy. Năm 2004, cơ quan chuyên trách CNTT (Sở Bưu chính Viễn thông, nay là Sở Thông tin và Truyền thông) ra đời, đánh dấu một bước chuyển biến mới và cũng từ đó nhiều vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài được cơ quan chuyên trách chủ trì tham mưu để tỉnh ban hành: Chỉ thị số 60 CT/TU ngày 3/10/2005 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo ứng dụng phát triển CNTT giai đoạn 2005-2010 và những năm tiếp theo; Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 01/03/2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNTT; Quyết định số 3401/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 phê duyệt Quy hoạch BCVT 2006- 2010 định hướng 2020; cũng năm 2006, tỉnh và Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) ký văn bản phối hợp phát triển toàn diện về BCVT, CNTT trên địa bàn. Từ đó, nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể triển khai ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ mà chỉ thị 58 CT/TW đặt ra. Tháng 11/2010, UBND đã tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58CT/TW của Bộ chính trị và Chỉ thị 60CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Sau tổng kết, CNTT có nhiều hướng phát triển tốt hơn, đặc biệt là việc xây dựng nền công nghiệp CNTT và hình thành Chính phủ điện tử trên địa bàn của tỉnh.
Về phát triển hạ tầng CNTT-TT : Nhìn lại 10 năm qua, so với những ngày đầu tách tỉnh đến nay hạ tầng CNTT đã có bước nhảy vọt: mạng truyền dẫn cáp quang đã tới 248/262 phường xã; cả tỉnh có trên 1.000 trạm BTS với 5 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, phủ sóng thông tin di động đến hầu hết các khu dân cư; mật độ điện thoại cố định 12 máy/100 dân; 41% nhân dân dùng di động; 100% phường xã có internet, mật độ 2,7 thuê bao ADSL/100 dân. Các cơ quan Đảng, Đoàn thể và Chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện đều sử dụng máy tính, mạng LAN, Internet trong công việc. 88,2% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 72% CBCC cấp huyện được trang bị máy tính, kết nối mạng LAN và Internet. Tại các cơ quan cấp xã có 1.321 máy tính, trung bình đạt 5 máy/cơ sở, trong đó có 125 xã, phường, thị trấn có kết nối internet. Đặc biệt, trong cộng đồng dân cư đã có trên 22.000 máy tính phục vụ học tập, nghiên cứu, đạt mật độ 6,8 máy/100 hộ gia đình.Cơ bản hạ tầng thông tin chung của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân
Về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể và sản xuất kinh doanh : Trong các cơ quan Đảng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06, phát triển tới Đảng ủy các xã phường, thị trấn, ứng dụng đồng bộ 5 phần mềm và CSDL chuyên dụng, là khối các cơ quan đi đầu trong ứng dụng phần mềm nguồn mở nhằm tiết kiệm các chi phí mua bản quyền. Trong cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện : 100% các đơn vị đã ứng dụng đồng bộ, hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý tài chính; 8 5 % s , ban , ngành, 6 0% đơn vị cấp huyện đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều tác nghiệp trực tuyến (Văn phòng điện tử di động) , số đơn vị còn lại hiện đang triển khai; 100% đơn vị sử dụng hộp th ư điện tử phụ c vụ trao đổi tài liệu, hồ sơ , văn bản; một số địa phương, đơn vị đang triển khai “một cửa điện tử” (UBND TP Hà Tĩnh, Sở KHĐT, Sở TT và TT…). Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã đưa vào hoạt động với 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Khối doanh nghiệp đã tích cực chủ động đầu tư, ứng dụng, một số đầu tư ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả thiết thực như Tổng công ty Khoáng sản và thương mại, Công ty Xăng dầu, Công Ty Điện lực, Công ty CP sách và thiết bị trường học…. Những đơn vị này đã ứng dụng đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý điều hành trực tuyến, quản lý SXKD, quản lý tài chính và cập nhật bán hàng trực tuyến,… Sàn dao dịch điện tử đã được hình thành, bước đầu có ứng dụng về thương mại điện tử.
Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT : Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, hệ thống đào tạo, quy mô được tăng cường, chất lượng đào tạo đã có nhiều thay đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế, các trường phổ thông đưa tin học vào giảng dạy chính khoá. Việc phát triển nguồn nhân lực được thực hiện thường xuyên bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung chính từ 3 kênh cơ bản: Từ các chương trình dự án theo kế hoạch hàng năm; đào tạo theo các ngành dọc từ trung ương đến địa phương và nguồn đào tạo từ các trường và trong xã hội. Trường Đại học Hà Tĩnh đã có khả năng đào tạo 50 cử nhân CNTT/năm. Đến nay, đã phổ cập tin học đến 98% can bộ CCVC cấp tỉnh, 84% CBCC cấp huyện và gần 27% cán bộ cấp xã, phường (riêng năm 2010 đào tạo tập huấn cho trên 600 lượt CBCC từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn). 100% sở, ban, ngành, cấp huyện có cán bộ được đào tạo về quản trị mạng và lãnh đạo được bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo CNTT – CIO theo quy định tại NĐ64/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Về phát triển Công nghiệp CNTT : Những năm qua, các văn bản chỉ đạo về phát triển lĩnh vực này đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ về CNTT đã có những bước tăng trưởng đáng kế, cả về số lượng, quy mô cũng như là doanh thu. Tuy nhiên, đó cũng mới là các bước chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới 2011-2015. Đặc biệt ngày 17/2/2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 391/QĐ-UBND về phát triển Công nghiệp CNTT trên địa bàn cho đến năm 2025, trong đó mục tiêu đặt ra là năm 2025 phát triển ngành công nghiệp này thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm từ 8-10% GDP của tỉnh.
Nhìn lại 10 năm qua, CNTT Hà Tĩnh thực sự đã có nhiều đổi mới và tiến bộ vượt bậc, sẵn sàng cho qúa trình phát triển, hội nhập của tỉnh nhà. Mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh năm 2010 và Trang thông tin điện tử được xếp thứ hàng khá so với các tỉnh thành trong cả nước và điều quan trọng hơn là nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của CNTT-TT; sự tiện ích mà CNTT mang lại đã thực sự thấm dần trong cán bộ, nhân dân và hầu hết các tầng lớp trong xã hội, đó là động lực quan trọng để tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp, xã hội hóa quá trình đầu tư để tiếp tục phát triển mạnh hơn, nhanh và bền vững hơn, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cũng qua những kết quả, thành tựu trên đã khẳng định: Chỉ thị 58 CT/TW của Bộ Chính trị thực sự là động lực để phát triển toàn diện về CNTT-TT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH quê hương, đất nước, vì vậy thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nội dung còn mang đầy đủ tính thời sự của Chỉ thị, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Đề án sớm đưa Việt nam thành quốc gia mạnh về CNTT./.

Nguyễn Đình Phú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông