Công tác quản lý nhà nước và thực trạng về đo lường chất lượng xăng dầu trên địa bàn Hà Tĩnh

Trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin về những nhức nhối, vấn nạn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như các hiện tượng gian lận đo lường để móc túi người tiêu dùng, xăng rởm, xăng gây cháy nổ… đã gây bức xúc trong dư luận và hoang mang cho người tiêu dùng. Nhận thức được điều đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Tĩnh trong hoạt động của mình luôn lấy lĩnh vực về đo lường, chất lượng xăng dầu là mối quan tâm đặc biệt hàng đầu với phương châm quản lý là kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật với tăng cường hoạt động kiểm tra nhà nước.
Về lĩnh vực đo lường, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã chấp hành tốt việc kiểm định các cột đo xăng dầu, qua các đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện rất ít đơn vị sử dụng cột đo chưa kiểm định hoặc hết hiệu lực kiểm định.
Từ năm 2008 - 2011 nhờ làm tốt công tác thẩm định cột đo trước khi lắp đặt nên đã ngăn chặn được việc các cửa hàng xăng dầu đưa vào sử dụng các loại cột đo quá cũ hoặc không phù hợp với mẫu được Tổng cục TC-ĐL-CL phê duyệt, qua đó so với thời gian trước đây chất lượng kỹ thuật các cột đo xăng dầu sử dụng trên địa bàn đã được cải thiện rất rõ rệt. Hiện nay, để phù hợp với Luật Đo lường quy định về thẩm định phương tiện đo đã bãi bỏ nhưng hoạt động này trong thời gian qua đã tạo ra được nhận thức, nề nếp tốt cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư cột đo đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về đo lường
Tuy vậy, khoảng thời gian trước đây chưa thực hiện kiểm soát cột đo khi lắp đặt, do điều kiện kinh tế khó khăn nên không ít cửa hàng đã đầu tư các loại cột đo cũ, chất lượng kém để sử dụng, đến nay các cột đo đó đã xuống cấp lại hoạt động với tần suất lớn nên rất dễ dẫn đến sai hỏng. Trong thời gian tới cơ quan nhà nước cần có biện pháp để loại bỏ các cột đo này vì mặc dù sử dụng cột đo sai hỏng không phải là gian lận nhưng gây thiệt hại cho khách hàng.
Trong hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đã phát hiện nhiều vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: thay đổi đặc tính đo lường của cột đo để gian lận; sử dụng cột đo có sai số vượt quá quy định cho phép; độ chính xác không ổn định và không đảm bảo các yêu cầu quy định về kỹ thuật cột đo. Với công tác xử lý sai phạm đảm bảo tính nghiêm minh nên trong thời gian qua vi phạm về đo lường xăng dầu trên địa bàn có thể nói đã được giảm thiểu một cách đáng kể.
Tuy nhiên, với sự phát triển về công nghệ điện tử thì cách thức gian lận đo lường các cột đo xăng dầu được thực hiện một cách tinh vi và rất khó phát hiện thậm chí khi bị phát hiện thì các cơ quan chức năng cũng rất khó có cơ sở khoa học để xác định bản chất của hành vi vi phạm. Để làm rõ có thể lấy ví dụ: trên IC điều khiển mạch điện tử cột đo được sử dụng song song 2 phần mềm, một chương trình đúng và một chương trình để gian lận, việc chuyển đổi sử dụng 2 chương trình này rất đơn giản và nhanh chóng. Khi bị nghi ngờ có dấu hiệu gian lận thì cơ quan nhà nước cũng khó xác định được vì ở nước ta hiện nay chưa có thiết bị nào đọc được phần mềm đã lập trên IC chương trình.
Để hạn đảm bảo về đo lường, nhà nước đã có văn bản quy định các cơ sở bán lẻ xăng dầu phải có bộ bình đong đối chứng (loại 1; 2; 5 và 10 lít) đặt ở vị trí công khai trước cửa hàng để khách có thể kiểm tra sai số bán hàng đồng thời để cửa hàng có thể thường xuyên tự kiểm tra độ chính xác cột đo của mình. Qua đôn đốc, hướng dẫn hầu hết các cửa hàng trên địa bàn đã có bộ bình đong này nhưng nhiều cửa hàng chưa chấp hành việc đặt ở vị trí công khai để khách hàng được biết.
Về lĩnh vực chất lượng, Chi cục đã hướng dẫn các cửa hàng ghi trên cột đo về chủng loại xăng dầu bán ra theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đồng thời yêu cầu các cửa hàng thực hiện việc lưu hồ sơ chất lượng, lấy mẫu, lưu mẫu xăng dầu ở mỗi đợt nhập hàng nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra và đối chứng chất lượng xăng dầu trong mua bán giữa nhà phân phối và đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay nhiều cửa hàng chưa quan tâm thực hiện các quy định này mặc dù đây vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình.
Qua một số kênh thông tin vẫn tồn tại một số cửa hàng gian lận về chất lượng theo các phương thức như: thêm vào xăng loại xăng có trị số ốc-tan thấp với giá rẻ hơn; pha dầu hỏa vào dầu điezen; bán dầu điezen 0,25S nhưng trên biển hiệu lại ghi là 0,05S có giá cao hơn …. Nhận định là như vậy, nhưng hiện nay cơ quan quản lý ở tỉnh ta chưa đủ điều kiện để kiểm tra, kiểm soát vấn đề này vì không có thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu tại hiện trường nên công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng xăng dầu không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Để hạn chế có hiệu quả những thực trạng, tồn tại nêu trên, theo chúng tôi trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm thực hiện một số nội dung sau :
Triển khai thực hiện Luật Đo lường để phân cấp QLNN về đo lường ở các cấp tỉnh, huyện, xã trong đó đưa ra cụ thể trách nhiệm cụ thể của từng cấp đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; tăng cường học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin với các địa phương khác và cơ quan trung ương để có những phương án hữu hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường sự phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về đo lường, chất lượng cho các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Có thể nói, hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu chi phí lớn, lợi nhuận không cao nên rất dễ nảy sinh tâm lý gian lận về đo lường chất lượng. Vì thế, những vấn nạn, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước nói chung thì Hà Tĩnh cũng không phải là ngoại lệ. Để làm tốt công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước, việc phát hiện, phản ánh kịp thời của người dân và công tác truyền thông trong việc tuyên truyền về các hành vi vi phạm của các nhà cung cấp xăng dầu là điều hết sức quan trọng./.

Trần Hải Bình-Chi cục TC-ĐL-CL