Những ngày cuối năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học, cùng các bộ, ngành Trung ương long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.
Cùng với việc tổ chức đại lễ này, trên địa bàn đã diễn ra các hoạt động: Dâng hương tại khu mộ Đại thi hào; khánh thành và dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Du; Khai trương cổng thông tin điện tử "nguyendu.vn"; Hội thảo: “Dòng chảy văn hóa xứ nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào thơ mới”, gồm 40 tham luận của các nhà khoa học xã hội hàng đầu quốc gia. Đây là lễ tôn vinh vượt khỏi tầm quốc gia.
Đại lễ long trọng này không chỉ riêng Hà Tĩnh – quê hương Người mà cả dân tộc và các tổ chức quốc tế tôn vinh ngưỡng mộ danh nhân văn hóa tiêu biểu đều kính cẩn nghiêng mình trước Đại thi hàosùng kính và thiêng liêng.
Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du từng trăn trở:
…Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Không phải đợi đến 300 năm, nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân loại đã, đang và mãi mãi ghi tạc tài năng vĩ đại của thi nhân.
Sinh ra trong thời đại đau thương của lịch sử, trải nghiệm tất cả những đắng cay, chua xót của cuộc đời, thừa hưởng nền học vấn của một dòng họ nổi tiếng khoa bảng thời bấy giờ và hấp thụ
tinh
hoa
nhiều vùng văn hóa
lớn
của
đất nước như xứ Nghệ, Kinh Bắc, Thăng
L
ong
, Thái Bình, Phú Xuân… Tất cả những yếu tố đó cùng một tài năng thiên bẩm đã hun đúc nên Danh nhân văn hóa Nguyễn Du, một trái tim lớn, một trí tuệ trác việt.
Sự nghiệp sáng tác của ông với những tác phẩm nổi tiếng như “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”… và đỉnh cao là Truyện Kiều - kiệt tác rực rỡ nhất của văn học chữ Nôm đã thể hiện lòng xót thương vô hạn của thi nhân với mọi kiếp người đau khổ; sự bất bình, phẫn uất trước những thế lực tàn bạo chà đạp lên số phận con người; sự cảm phục, ngợi ca tình yêu cao đẹp, thuỷ chung; sự khát khao vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng... Cảm hứng nhân văn, khát vọng giải phóng con người cả về thể xác lẫn tâm hồn cùng với một vốn ngôn ngữ tinh tế, phong phú và sự thăng hoa của thể thơ lục bát dân tộc đã đưa Nguyễn Du lên tầm nhân loại, góp phần tôn vinh bản sắc, giá trị văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa về sau…
Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh ác liệt, nhưng cùng với quyết nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du của Hội đồng Hoà bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào trọng thể, rộng khắp, đặc biệt là ở quê hương Hà Tĩnh. Đây là một mốc son lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá, khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng và tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với danh nhân đất nước.
Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, (ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng), nhiều tài liệu quý liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã được phát hiện, sưu tầm. Tác phẩm Truyện Kiều của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, được rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã chuyển thể sinh động sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá các di sản văn hoá của dân tộc.
Đến nay Khu lưu niệm Nguyễn Du đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, với một quần thể gồm những công trình kiến trúc: nhà thờ và mộ Nguyễn Du, Nhà Bảo tàng Nguyễn Du, Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh, Nhà Tư văn, Lăng Văn sự, Đình Chợ Trổ, Nhà thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Nhà thờ và mộ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Nhà thờ và mộ Quế hiên công Nguyễn Nễ.... Các hạng mục công trình của khu lưu niệm được phân bố trong một hệ liên kết, thống nhất, tạo thành quần thể di tích, với một không gian văn hóa đẹp. Những dấu tích, tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại di tích là những tài sản có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, giúp chúng ta hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, y học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền; hiểu thêm về cuộc đời sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền cho nền văn học nước nhà. Đây là nguồn tư liệu để nghiên cứu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng và cộng đồng văn hóa làng nói chung trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Đánh giá và ghi nhận công lao to lớn của Nguyễn Du đồng thời thể hiện quan điểm tôn vinh hiền tài nguyên khí quốc gia, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu lưu niệm Nguyễn Du. Sự kiện này cũng là dịp
để một lần nữa khắc họa
lại cuộc đời và sự nghiệp của ông,
càng
tự hào hơn
về
những giá trị văn hóa mà
Nguyễn Du
và dòng họ để lại cho dân tộc và nhân loại
, đồng thời nhận thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau trong việc bảo tồn, phát huy di sản quý báu của cha ông
.
Di sản văn hoá của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt, triển khai xây dựng đề án Không gian văn hoá danh nhân và tập trung mọi nguồn lực để triển khai, xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm trọng điểm của tỉnh và của quốc gia, tương xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại thi hào.
Nhân dân Hà Tĩnh mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn, các tổ chức quốc tế cùng với nội lực của địa phương, nhanh chóng đưa quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du và nhiều danh nhân văn hoá lớn như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, quê hương của hai Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập vươn lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong cả nước.
Khu di tích được nâng lên hạng quốc gia đặc biệt và nhất là để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào vào năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập quy hoạch tổng thể và đề nghị phê duyệt và cho triển khai kịp thời một số hạng mục chính như tu bổ các di tích gốc (các lăng mộ, Nhà thờ dòng họ, Nhà thờ Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Trọng...), xây dựng Quảng trường Nguyễn Du và các công trình hạ tầng về giao thông, điện, nước...
Cùng với tranh thủ nguồn ngân sách, nguồn các dự án ODA, và nguồn tài trợ của các cá nhân, và tổ chức quốc tế, Hà Tĩnh sẽ tập trung kêu gọi nguồn xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, kiến tạo các không gian theo quy hoạch như không gian văn hóa danh nhân, không gian văn hóa Truyện Kiều; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh Nguyễn Du, Truyện Kiều; xây dựng một bản Kiều gần nguyên tác nhất có sự đồng thuận cao của xã hội.
Tất cả những nổ lực trên nhằm xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tương xứng với tầm vóc danh nhân văn hóa nhân loại.
Dương Thanh Tùng