Trong điều kiện khoa học- công nghệ phát triển như vũ bão cũng như quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia thì chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề có ý nghĩa quyết định thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với Việt Nam chúng ta, nền kinh tế đang còn ở trình độ phát triển thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Do vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thúc đẩy kinh tế phát triển lại càng đặc biệt quan trọng. Cũng chính vì vậy mà có thể nói rằng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải đặt lên vị trí hàng đầu.
Trường Đại học Hà Tĩnh ra đời trong bối cảnh chung của thế giới, của đất nước và của tỉnh Hà Tĩnh với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những thử thách, khó khăn. Hiện tại cả nước có trên 350 trường đại học và cao đẳng, riêng 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã có gần 20 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 5 trường đại học. Sự hiện diện của Trường Đại học Hà Tĩnh trong điều kiện đó buộc chúng ta không có con đường nào khác là phải kiên quyết nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là con đường sống còn trước mắt cũng như lâu dài.
Vậy chất lượng đào tạo là gì? Có nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu khác nhau. Song, hiểu một cách khái quát nhất thì: Chất lượng chính là sự đáp ứng nhu cầu hay là sự thõa mãn nhu cầu người sử dụng với các mục đích khác nhau. Trong lĩnh vực đào tạo, chất lượng đào tạo có nghĩa là sinh viên ra trường có kiến thức, kĩ năng, phương pháp làm việc tốt, đảm đương được công việc, năng động sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn mà mình được đào tạo, đồng thời có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường công việc.
Hiện tại trường Đại học Hà Tĩnh đang đào tạo 43 mã ngành hệ chính qui, trong đó có 14 mã ngành đại học, 22 mã ngành cao đẳng, 7 mã ngành trung cấp chuyên nghiệp. Qui mô đào tạo hiện nay gần 8.000 học sinh, sinh viên, trong đó có 2.260 sinh viên đại học. Trường cũng đang liên kết với một số trường Đại học lớn trong nước để đào tạo sau đại học. Tuy vậy, với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh, đòi hỏi phải có một số lượng lớn cán bộ quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh có trình độ cao, một đội ngũ kỹ sư trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp (điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, khai thác mỏ, xây dựng…) , công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực khác mà hiện tại các trường Đại học khác và trường Đại học Hà Tĩnh chưa thể đáp ứng được cho tỉnh Hà Tĩnh. Điều đó đặt ra vấn đề là phải xây dựng mới các chuyên ngành đào tạo cần thiết.
Hơn 2 năm đi vào hoạt động là một thời gian rất ngắn, đang là giai đoạn khởi đầu của đào tạo đại học. Tuy vậy, trường Đại học Hà Tĩnh luôn xác định rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, quá trình đào tạo ở trường đại học cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp đồng bộ, song ở đây chúng tôi xin nêu một số giải pháp cơ bản mà nhà trường đang thực hiện:
Thứ nhất:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy
.
Đây là công việc quan trọng bậc nhất, bao gồm các nội dung sau:
-
Nâng cao trình độ chuyên môn sâu.
-
Nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết thực tiễn và vận dụng vào giảng dạy.
-
Nâng cao trình độ sử dụng phương tiện hiện đại, vận dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
-
Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học (cả lý luận cơ bản và ứng dụng).
-
Nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm tiếp cận thông tin, kiến thức và công nghệ mới.
-
Vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến sáng tạo nhằm truyền đạt tốt nhất kiến thức và kỹ năng cho sinh viên.
Để thực hiện được những điều trên, bên cạnh sự nỗ lực tạo điều kiện về vật chất và tinh thần của nhà trường như: cử đi học dài hạn, ngắn hạn, hỗ trợ kinh phí, giám sát kiểm tra thực hiện … thì mỗi giáo viên phải có lòng yêu nghề sâu sắc, tinh thần tự lực, tự giác cao độ vì sự phát triển của bản thân và của nhà trường.
Với số lượng gần 70% giáo viên có trình độ trên đại học, đó là niềm tự hào của Trường Đại học Hà Tĩnh. Tuy nhiên, còn chưa thể đáp ứng với yêu cầu, bởi số lượng giáo viên có trình tiến sỹ trở lên chỉ có khoảng 5% và cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Chính vì thế, phương hướng phát triển lâu dài của nhà trường là cần phải tăng cường số lượng giáo viên có trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ; chuẩn bị giáo viên cho những chuyên ngành đào tạo trong tương lai bằng cách tích cực cử giáo viên đi đào tạo trong và ngoài nước, có chế độ khuyến khích người đi học.
Thứ hai:
Xây dựng hệ thống bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo đầy đủ
Thông qua việc biên soạn bài giảng, giáo trình, tài liệu mà trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao. Đồng thời giáo viên cũng đảm bảo được những kiến thức cơ bản, chuẩn mực trong quá trình truyền đạt cho sinh viên. Hơn nữa hệ thống bài giảng, giáo trình, tài liệu sẽ là những tài liệu tốt cho sinh viên trong quá trình tự nghiên cứu tự học ở nhà, kể cả khi đã ra trường. Trong 2 năm vừa qua, các khoa, bộ môn đã biên soạn 60 bộ giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo.
Thứ ba:
Tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật phục vụ cho việc dạy và học
Xác định đây là một trong những yếu tố hỗ trợ cho dạy và học có hiệu quả nên mặc dù trong điều kiện khó khăn, trường đã từng bước trang bị hệ thống phương tiện giảng dạy tốt, có chất lượng như: hệ thống máy chiếu, phòng học đa năng chất lượng cao, các phòng học thực hành chuyên môn, hệ thống sách, báo, tạp chí trong thư viện,…
Tuy vậy, có một thực tế là nhiều giáo viên không sử dụng thành thạo các phương tiện giảng dạy hiện đại đó, do vậy hiệu quả không cao, thậm chí làm cho giờ lên lớp của giáo viên hết sức nhàm chán. Để khắc phục tình trạng này nhà trường đã tổ chức các lớp huấn luyện giáo viên sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại ngay ở từng bộ môn, từng khoa, tổ chức hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trách nhiệm của giáo viên là phải biết sử dụng tốt các phương tiện đó. Song, dẫu sao nó chỉ là phương tiện hỗ trợ, con người vẫn là yếu tố quyết định.
Thứ tư:
Đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn nghiên cứu khoa học với giảng dạy và học tập, gắn học với hành, tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên
Cách thức của đổi mới phương pháp giảng dạy là lấy người học làm trung tâm, lôi kéo học sinh cùng hoạt động học tập trong giờ lên lớp, tạo cho học sinh tính chủ động, tư duy, sáng tạo, độc lập, tránh tình trạng đọc chép. Vì vậy, các khoa, bộ môn, các giáo viên giúp sinh viên tổ chức hoạt động khoa học, sinh hoạt chuyên đề gắn liền với nội dung học tập dưới các hình thức sinh động, từ đó cũng cố và mở rộng các kiến thức đã học trên lớp. Thông qua các buổi đi thực tế, thực hành ngoại khóa sinh viên sẽ nắm vững kiến thức hơn, tự tin hơn và ít bỡ ngỡ hơn khi ra trường.
Thứ năm
:
Mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học trong và ngoài
nước
nhằm học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, hợp tác, liên kết đào tạo
Thứ sáu:
Xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả
bao gồm:
- Xây dựng một hệ thống văn bản quản lý hoàn chỉnh, trong đó qui định rõ những nguyên tắc, những chuẩn mực cho cả người dạy và người học.
- Tổ chức thực hiện quá trình dạy và học một cách nghiêm túc, chặt chẽ và bài bản.
- Giám sát, đánh giá quá trình dạy và học theo đúng quy trình và chuẩn mực.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm bảo đảm thông tin kịp thời, bộ máy quản lý gọn nhẹ.
Thực hiện tốt qui trình trên đòi hỏi có sự phối hợp tốt của tất cả các bộ phận, các khâu quản lý, đồng thời cũng đòi hỏi tính công khai và nghiêm túc.
Nâng cao chất lượng đào tạo là một yêu cầu bức bách, nhưng cũng là một quá trình lâu dài đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố, không dễ gì có thể thực hiện được một cách chóng vánh. Trong quá trình đó con người bao giờ cũng có vai trò quyết định.
Trước những đòi hỏi của nhu cầu xã hội nói chung và của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực đào tạo của hiện tại và tương lai, để tồn tại, phát triển và tự khẳng định mình lâu dài, trường Đại học Hà Tĩnh chỉ có một con đường duy nhất là ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Uy tín, thương hiệu của Trường Đại học Hà Tĩnh chính là chất lượng, phải là chất lượng và chỉ có thể là chất lượng đào tạo./.
GS.TS Nguyễn Văn Đính
Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh