Đầu tư, phát triển cụm công nghiệp góp phần phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững

Trong những năm qua, nhận thức được vai trò quan trọng của việc đầu tư phát triển công nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 07/5/2002 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước, đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra động lực phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, thì phát triển các cụm công nghiệp cũng được chú trọng, nhằm thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm số lượng lớn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 455,80 ha, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 959,17 tỷ đồng; ngân sách các cấp đã bố trí gần 90 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỷ thuật cho một số cụm công nghiệp . Chỉ tính riêng trong 2 năm (2011-2012) đã thành lập, mở rộng được 4 cụm công nghiệp, phê duyêt quy hoạch chi tiết cho 2 cụm công nghiệp và đầu tư hạ tầng là 46,73 tỷ đồng (trong khi giai đoạn 2002-2009 là 38,66 tỷ đồng). Từng bước cải thiện hạ tầng, tạo mặt bằng thu hút được 74 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.731 tỷ đồng, trong đó có 58 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư là 578,25 tỷ đồng, 6 dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng với tổng vốn đăng ký hơn 464 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế: thực hiện chưa đúng quy hoạch và chồng chéo, vi phạm quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ; phê duyệt quy hoạch chi tiết nhiều trong khi nhu cầu đầu tư chưa cao, nên nhiều cụm công nghiệp chậm được triển khai, tỷ lệ lấp đầy thấp; các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào còn chắp vá, thiếu đồng bộ, các công trình xử lý ô nhiễm môi trường hầu như không có nên mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp chưa cao; một số cụm công nghiệp gắn với làng nghề còn tình trạng vừa sản xuất trong cụm công nghiệp, vừa sản xuất trong khu dân cư. Một số cụm công nghiệp khi quy hoạch có sự chuyển đổi về mục đích sử dụng đất công nghiệp, phá vỡ quy hoạch chi tiết. Một số cụm công nghiệp và dự án đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không triển khai đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Theo đánh giá của Sở Công Thương có tình trạng trên là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn bởi giá đền bù thường xuyên thay đổi, nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp lớn nhưng ngân sách còn hạn chế khiến cho việc triển khai chậm và thiếu đồng bộ nên không thu hút được các nhà đầu tư; các quy định về quản lý cụm còn thiếu và bất cập, nhiều địa phương chưa thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc bộ phận quản lý cụm công nghiệp nên gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn tìm hiểu, đầu tư; quy định cụ thể mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong các cụm công nghiệp còn thấp hoặc chưa được hỗ trợ nên chưa kích thích, động viên các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất  đầu tư …
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2010-2015 là “ đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển”, đồng thời đến“năm 2015 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GDP chiếm 41,6%”.Như vậy, xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Định hướng đến năm 2015 là: Phát triển các cụm công nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “đến năm 2015 trở thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển”.Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, phấn đấu đến 2015 mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 2 - 3 cụm công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới cần phải tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:
- Về quy hoạch: Tiến hành xây dựng Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.Đây là căn cứ để thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; xây dựng kế hoạch và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp từ các nguồn vốn, trong đó có nguồn ngân sách trung ương; làm cơ sở để thành lập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố tùy thuộc vào mức độ phát triển từng địa phương.
- Về đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp: Tập trung làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để mời gọi, thu hút nhà đầu tư. Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó tập trung là phát triển hạ tầng giao thông và xử lý chất thải. Kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, kém hiệu quả.
Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng: h àng năm ưu tiên bố trí ngân sách địa phương từ 3 – 5% trên tổng vốn xây dựng cơ bản để hỗ trợ đền bù giải tỏa, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào (điện, giao thông, cấp thoát nước,…) kịp thời, đồng bộ với tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào cụm công nghiệp của nhà đầu tư; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong cụm công nghiệp.
- Về cơ chế chính sách: Xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vào các cụm công nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, và từ quỹ khuyến công (quốc gia và địa phương) để hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
- Về mô hình quản lý cụm công nghiệp: Triển khai thực hiện mô hình quản lý cụm công nghiệp theo các điều kiện đã được quy định tại Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 11/7/2011 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Việc đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp đã góp phần thu hút vốn đầu tư vào địa bàn, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo chiều hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Nguyễn Đức Hà