Điểm diện trí thức Hà Tĩnh rong cách mạng tháng tám 1945

Trước mỗi biến động của thời cuộc, trí thức luôn là bộ phận nhạy cảm, và trong những tình thế nghiêm trọng, khẩn trương của đất nước, họ không bao giờ vắng mặt và đi sau.
Giới trí thức con em Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng vậy. Từ cao trào cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật đến Tổng khởi nghĩa và buổi đầu xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, dù ở đâu, địa vị xã hội thế nào, trí thức đều tích cực tham gia, ủng hộ cách mạng và có những đóng góp với quê hương đất nước.
Thời kỳ này, lực lượng trí thức Hà Tĩnh khá đông đảo, nhiều người có học vị cao và có uy tín lớn, nhưng sống và làm việc xa quê, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong nước, một số người ở nước ngoài.
Trí thức trong tỉnh gồm 2 bộ phận:
Một là, lớp học sinh cựu học có nhiều vị là nhà khoa bảng tiếng tăm: Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, các tiến sỹ Nguyễn Xuân Đản, Nguyễn Mai, Nguyễn Văn Trình, các phó bảng Hà Văn Đại, Nguyễn Xuân Đàm, các cử nhân Hoàng Xuân Viên, Kiều Hữu Hỷ, Phạm Xuân Chính, Phạm Lê Duyên... và rất nhiều người là Tú tài, là học trò nhất, nhị, tam trường cùng đông đảo nho sĩ ở nông thôn. Các nhà khoa bảng không chỉ tinh thông Hán học, nhiều người còn giỏi Tây học như các cụ Hoàng Giáp Niêm, Nghè Đản, Phó bảng Đại... Cụ Võ Liêm Sơn là cử nhân Hán học lại có bằng thành chung. Cụ Lê Thước tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Đông Dương, đồng thời là Giải nguyên Hán học. Cụ cũng là người sành sỏi sản xuất nông nghiệp. Còn cụ Phó bảng Đại thì giỏi khoa pháp lý và cụ Nghè Đản khá tinh về hội họa, điêu khắc, âm nhạc, bóng bàn, cưỡi ngựa, đi xe đạp... Rất nhiều vị hiểu biết sâu về văn học, sử học... Những biệt tài này sẽ được phát huy trong quá trình làm việc sau này.
Hầu hết trí thức Nho học, trong đó nhiều vị là quan to của triều đình Huế (1) đều hưởng ứng, ủng hộ, phần lớn trực tiếp tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa và công tác trong bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân ở xã, huyện, tỉnh, liên khu. Hai vị có danh vọng lớn, cụ Nguyễn Khắc Niêm và cụ Nguyễn Mai, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Việt Bắc tham gia công việc của Chính Phủ, nhưng các cụ tuổi cao, sức khỏe sút kém nên xin ở lại địa phương. Cụ Hoàng giáp Niêm được bầu vào Hội đồng nhân dân (HĐND) xã, Ủy ban phòng thủ huyện Hương Sơn, HĐND tỉnh, và Ủy ban Mặt trận Liên Việt LK4. Cụ Nghè Mai tham gia Hội Văn hóa cứu quốc huyện Nghi Xuân cùng với cụ Cử Phạm Xuân Chính. Cụ Nghè Nguyễn Văn Trình được cử làm Chủ tịch Liên Việt tỉnh; cụ Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm làm Chủ tịch Hội giúp binh sĩ nạn, rồi Chủ tịch Liên Việt huyện Can Lộc. Cụ Tú Phạm Khắc Khoan làm Chủ tịch Liên Việt Đức Thọ. Còn cụ Nghè Đản tham gia phong trào "diệt giặc dốt" ở xã... Về công tác chính quyền có cụ Cử Hoàng Xuân Viên là Ủy viên UBHC - KC huyện Đức Thọ, rồi Ủy viên UBHC tỉnh; cụ Hà Văn Đại là Chánh án Tòa án Hà Tĩnh, sau ra làm việc ở Bộ Tư pháp; cụ Giải Lê Thước là nhà giáo nhưng lại được chọn cử làm Trưởng ban di dân khẩn hoang LK4 theo sở trường. Về sau cụ ra công tác trong ngành Bảo tàng, Bộ Văn hóa có nhiều đóng góp xuất sắc. Các cụ Cử Kiều Hữu Hỷ, Phạm Lê Duyện, các cụ Tú Phạm Khắc Khoan, Phan Thúc Dĩnh... về sau ra Hà Nội, đều tham gia dịch các tác phẩm văn học cổ.
Hai là lớp trí thức tân học khá đông đảo, song hiếm người có học vị cao (Cử nhân, Cao đẳng); người đỗ Tú tài (Trung học) cũng không nhiều lắm; hầu hết chỉ có bằng Thành chung hoặc đang học bậc Cao đẳng tiểu học. Tuy nhiên trong số này nhiều người có kiến thức sâu rộng về các môn khoa học xã hội, nhất là về văn chương, lịch sử như Lê Văn Nựu, Lê Văn Kỳ, Trần Quốc Nghệ, Lê Duy Khang, Nguyễn Đổng Chi v.v... Nhiều người giỏi Pháp ngữ, thạo Anh ngữ, Nhật ngữ, Hoa ngữ, Hán - Nôm...
Lớp trí thức này gồm các nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp (Nguyễn Trọng Nhạ, Trần Hữu Chương, Lê Viết Lượng, Nguyễn Tạo, Ngô Đức Đệ, Trần Hậu Toàn v.v...); các viên chức công sở Pháp và Nam triều, có người đã từng làm quan (cụ Nguyễn Quát làm tri phủ, sau là giáo viên trung học, Phó trưởng ty Giáo dục; cụ Nguyễn Đức Trà làm Tri huyện, sau được cử vào Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh), các nhà giáo trong đó nhiều người có tiếng tăm (Đỗ Đức Chước, Trần Hậu Toàn, Lê Thoan, Lê Văn Nựu, Bùi Trương Chính, Lê Khả Kế v.v...); các văn nghệ sĩ (các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Nguyên Kỳ, các nhà thơ Thái Can, Quỳnh Dao, các nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Hòa, Lê Văn Nựu... cùng rất nhiều văn nghệ sỹ trẻ: Xuân Tửu, Xuân Thiểu, Lương Sĩ Cầm, Cẩm Lai, Hoàng Trinh, Lê Quốc Hoài, Trần Hữu Thưởng v.v...); thời gian này còn có nhiều sinh viên đại học, cao đẳng, nhiều học sinh trung học... về quê nghỉ hè rồi ở lại tham gia Tổng khởi nghĩa.
Sau khi cướp chính quyền, các trí thức nguyên là cán bộ cách mạng, cán bộ Việt Minh, đều tham gia lãnh đạo chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến huyện (Trần Hữu Duyệt, Lê Lộc, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Hậu Toàn, Hà Xuân Trường, Lê Duy Khang, Nghiêm Sỹ Thưởng, Trịnh Khánh v.v...). Một số người lần lượt được điều động đi nhận công tác khác (Nguyễn Tạo, Lê Viết Lượng, Phan Đăng Tài (2) , Lê Bình, Nguyễn Đổng Chi, Trần Hữu Chương, Nguyễn Chung Anh, Đặng Đôn Giá v.v...). Các trí thức là nhân sỹ cũng được mời tham gia các ban lãnh đạo chính quyền, Mặt trận từ xã đến tỉnh (ngoài các trí thức cựu học đã nói ở trên, còn có nhiều trí thức tân học: Nguyễn Đức Trà, Nguyễn Huy Tần, Lê Thoan...).
Hầu hết các trí thức khác đều gia nhập các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh. Riêng Trí thức hoạt động Văn Hóa, văn nghệ được tập hợp vào Hội văn hóa cứu quốc (VHCQ) Hà Tĩnh, buổi đầu có 40 hội viên sáng lập do ông Lê Văn Nựu làm Chủ tịch. Các Chi hội VHCQ cũng được thành lập ở Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân... Thu hút thêm khá nhiều hội viên mới.
Từ 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, rồi mở rộng chiến tranh ra Nam Trung Bộ, và đến 19-12-1946 thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Lực lượng trí thức trong tỉnh lại theo nhu cầu mới và sắp xếp lại.
Sinh viên, học sinh ngay sau ngày khai giảng năm học mới đã trở lại các trường đại học, trung học. Lớp thanh niên này về sau nhiều người trở thành những trí thức có học vị, học hàm cao, có trình độ chuyên môn xuất sắc trong các ngành học khoa học.
Một bộ phận trí thức được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, trở thành công chức Nhà nước.
Đông đảo các nhà giáo cũ và thanh niên trí thức tự nguyện tham gia phong trào diệt dốt hoặc giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học (buổi đầu không có phụ cấp) trong đó có rất nhiều thầy dạy giỏi và tận tâm (Ngụy Cao Hiền, Đào Văn Thuần, Nghiêm Trúc, Nguyễn Quát, Nguyễn Uyển, Nguyễn Tùy, Hoàng Văn Thuần, Hoàng Văn Huyền, Hoàng Dung, Hoàng Vỵ, Hà Huy Kham, Trần Quốc Nghệ, Đinh Hữu Vu, Vũ Khánh, Lê Hiệu, Hoàng Khắc Niêm v.v...).
Một bộ phận trí thức gia nhập quân đội. Có những người là công chức, giáo viên, học sinh vẫn tình nguyện nhập ngũ. Đặc biệt, có Đội thiếu niên, học sinh trường trung học Trần Phú cũng lên đường Nam tiến. Nhiều trí thức đã hy sinh ngoài mặt trận (các liệt sỹ Lê Bình, Hoàng Vy, Hà Huy Kham, Ngụy Trường Sinh v.v...). Nhiều người trở thành sỹ quan cao cấp (Nguyễn Đức Sao (tức Hoàng Minh Phương), Trần Công Mân, Phan Khắc Hy, Lương Sỹ Pháp, Xuân Thiều và Lương Sỹ Cầm (nhà Văn) v.v...
Trí thức quê Hà Tĩnh sinh sống và làm việc ở các nơi trong nước và ở nước ngoài rất nhiều người có học vấn cao. Một số người từng là nhà hoạt động cách mạng lâu năm; một số người khác từng là quan nam triều, là viên chức, sỹ quan trong chính quyền, quân đội thuộc địa của Pháp, và phần lớn là nhà giáo, thầy thuốc, văn nghệ sỹ, nhà báo... Cao trào cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật do Việt Minh lãnh đạo rồi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945) đã thu hút hầu hết mọi trí thức hoạt động yêu nước.
Ở đây chỉ điểm qua mấy nét về những thành phần trong lực lượng trí thức này và nêu lên một số người tiêu biểu...
Trước tiên cũng nhắc đến những trí thức là nhà cách mạng, đảng viên cộng sản kỳ cựu: Đặng Văn Cáp, Nguyễn Tạo, Võ Oanh, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh...
Lương y Đặng Văn Cáp là một trí thức cựu học, hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc, về nước với Bác Hồ và làm việc bên cạnh Bác ở chiến khu cũng như khi về Hà Nội... Nguyễn Tạo vượt ngục ra và công tác ở Hà Nội, được cử về tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Nghệ Tĩnh, rồi về làm Giám đốc Tự vệ cục Nam bộ.
Ba vị hoạt động ở Nam Kỳ thì Võ Oanh, Hà Huy Giáp (xứ ủy viên) cùng bị bắt đày ra Côn Đảo cho đến tháng 8/1945 mới được tha. Sau đó Võ Oanh lại bị bắt đày ra Côn Đảo, Năm 1949 về Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, báo chí, năm 1966 ra vùng giải phóng, được bầu vào Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Còn Hà Huy Giáp về làm việc ở miền Nam đến 1949, được điều động ra Hà Nội làm phó trưởng Ban tuyên huấn Trung ương Đảng.
Trần Ngọc Danh (em trai Trần Phú) cũng là xứ ủy viên, ở tù ra, làm việc một thời gian ngắn rồi được cử sang công tác ở Pháp.
Hai cán bộ Hà Tĩnh được điều động vào Nam trước Cách mạng tháng Tám: Lý Chính Thắng (tức nhà giáo Nguyễn Đức Huỳnh) vào làm ở Sở Công chính, hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn, là Chủ tịch Tổng công hội Nam bộ. Quân Pháp trở lại, ông chỉ huy tự vệ công nhân ở mặt trận đông thành phố, bị thương và hy sinh. Lê Bình cũng là nhà giáo, vào Sài Gòn làm Trưởng Quốc gia tự vệ cục quận Tân Bình rồi làm Giám đốc Quốc gia tự vệ cục tỉnh Cần Thơ, cũng hy sinh trong trận đánh quân Pháp ở đồn Cái Răng.
Ở Trung Bộ có hai vị nhân sỹ quê ở Hà Tĩnh: Cụ Võ Liêm Sơn cùng con trai Võ Giới Sơn là ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng (UBNDCM) tỉnh. Cụ Võ được mời làm cố vấn của Ủy ban. Quân Pháp đánh ra, vây bắt Ủy ban nhân dân, cụ đi thuyền ra Huế báo cáo tình hình với UBNDCM Trung Bộ, rồi về Hà Tĩnh hoạt động, còn Võ Giới Sơn bị giặc sát hại. Ông Phạm Khắc Hòe, 20 năm làm quan, từ Thương tá, Quản đạo đến Ngự tiền văn phòng đổng lý, được nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt gợi ý, đã góp phần quan trọng vận động vua Bảo Đại thoái vị. Sau ông bị Pháp bắt giam dụ dỗ ra làm việc với chúng, nhưng ông đã lên chiến khu Việt Bắc, đi theo cụ Hồ. Em ông là Phạm Khắc Quán được cử làm ủy viên UBNDCM Lâm Viên.
Một vị trí thức khác, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, tham gia Việt Minh ở Huế, được cử làm Giám đốc y tế Trung bộ... Cũng cần nhắc đến hai thành niên Hà Tĩnh đang ở Huế lúc ấy: Một là Nguyễn Từ Chi, con trai Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, vừa học xong Tú tài, đã xung phong tòng quân, về sau là nhà dân tộc học uyên bác. Hai là Hoàng Xuân Bình, em giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nguyên là sinh viên Y khoa Hà Nội, tham gia Việt Minh, vào học trường võ bị thanh niên tiền tuyến (do Phan Anh, Tạ Quang Bửu mở), về sau làm phụ tá của Hoàng thân Xuphanuvông(Lào).
Phần lớn Trí thức quê Hà Tĩnh đều ở Hà Nội và các tỉnh phía ngoài. Nhiều người có tiếng tăm lớn như nhà giáo, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, luật sư Phan Anh, các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận...
Cụ Hoàng Ngọc Phách dạy học, làm Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ Bắc Ninh, sau cách mạng làm Giám đốc giáo dục khu XII, Giám đốc trường Cao đẳng sư phạm trung ương rồi về làm việc ở Ban tu thư Bộ giáo dục.
Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh đều là Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim. GS Hoàng để lại chương trình trung học dạy học bằng tiếng Việt, sau được sử dụng trong các trường của chế độ mới. Luật sư Phan cùng GS Tạ Quang Bửu tổ chức trường võ bị Thanh niên tiền tuyến ở Huế mà các học sinh tốt nghiệp đều trở thành sĩ quan Nam tiến của Quân đội ta. Sau cách mạng, cụ Hoàng tham gia đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Việt Pháp Đà Lạt, rồi sang Pháp nghiên cứu khoa học. Ông Phan làm Chủ tịch Ủy ban kiến thiết quốc gia... và Bộ trưởng nhiều bộ khác nhau trong chính phủ  VNDCCH.
Huy Cận, Xuân Diệu đều là cán bộ Việt Minh, hoạt động trong Đảng dân chủ. Xuân Diệu là đại biểu Quốc hội khóa 1, làm việc trong lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật...; Huy Cận được cử đi dự Quốc dân đại hội Tân Trào và được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau 2/9/1945 là Chính phủ cách mạng lâm thời). Ông liên tục là bộ trưởng, thứ trưởng nhiều bộ, nhưng hoạt động chủ yếu là trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Đông đảo trí thức, từ các cán bộ Việt Minh (Phan Mỹ, Phạm Khắc Quảng, Lê Khắc Thiền...) đến các viên chức, sĩ quan dưới chế độ cũ (Nghiêm Sĩ Sành, Lê Trần Đức, Phan Tử Lăng v.v...), cùng nhiều người làm văn hóa nghệ thuật, báo chí (nhà nghiên cứu văn học Hà Huy Thái, nhạc sĩ Lê Đóa, họa sĩ Trịnh Vân, Nghệ sĩ sân khấu Đào Mộng Long, nhà thơ nhà báo Quỳnh Dao, nhà báo Trần Kim Xuyến v.v...) đều tham gia công tác cách mạng.
Cử nhân luật Phan Mỹ, các bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Lê Khắc Thiền..., hoạt động trong phong trào sinh viên. Phan Mỹ bị Nhật bắt, được thả, lên Việt Bắc, sau làm thư ký Ủy ban bảo vệ Hà Nội, Chánh văn phòng phủ Chủ tịch... Các Bác sĩ Quảng, Thiền đều là sinh viên mới tốt nghiệp, và đều là ủy viên Ban chấp hành Tổng hội. Bác sĩ Quảng ở lại Hà Nội, là cơ sở kháng chiến nội thành, sau làm Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc thành phố. BS Thiền cùng với ông Nguyễn Tạo về Nghệ Tĩnh, tham gia lập khu du kích Tràng Sim (Hương Sơn) rồi lại cùng ông Tạo vào Nam công tác.
Ông Nghiêm Sĩ Sành là Thanh tra ngành Hỏa xa Đông dương, trưởng ga Hà Nội, sau cách mạng là cán bộ Nha giám đốc Hỏa xa Việt Nam, giáo viên các trường trung cấp và Cao đẳng đường sắt Việt Nam. Ông Lê Trần Đức là viên chức tòa thượng thẩm Hà Nội, sau làm việc trong ngành Ngân hàng rồi ở hội Đông y, có công lập khoa Nhi, Viện y học dân tộc. Thiếu úy Phan Tử Lăng, sĩ quan trong quân đội thuộc địa Pháp, sau gia nhập Vệ quốc đoàn, là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong số trí thức hoạt động văn hóa, báo chí có ba liệt sĩ hy sinh trước, sau cách mạng Tháng Tám: Họa sĩ Trịnh Vân, tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, minh họa cho báo Tri Tân, tham gia Việt Minh từ 1943. Tháng 9/1944, ông được mời lên trang trí Tòa sứ Lai Châu, nhận và hoàn thành trách nhiệm đưa thư của ông Nguyễn Lương Bằng cho cán bộ ở nhà tù Sơn La. Sau đó ông sang Vân Nam, bị bọn Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh đẩy xuống vực... Nhà thơ Quỳnh Dao, tên khai sinh là Đinh Nho Diệm, cũng là cán bộ Việt Minh, bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, vượt ngục ra 3/1945) hoạt động ở Tuyên Quang bị máy bay Pháp sát hại năm 1947. Và nhà báo Trần Kim Xuyến là cán bộ Thông tấn xã Việt Nam từ ngày đầu thành lập, cũng bị quân Pháp sát hại ở Hà Đông năm 1947...
Cũng cần nói đến một số trí thức yêu nước, cách mạng nổi tiếng người Hà Tĩnh làm việc, hoạt động ở nước ngoài... Ở Pháp có Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS, TS y khoa Hoàng Xuân Mẫn, Luật sư Phan Nhuận, GS Hoàng Xuân Nhị, Luật sư Hoàng Quốc Tân v.v...
GS.TS Hoàng Xuân Mẫn là Chủ tịch đầu tiên Hội Việt kiều yêu nước ở Pháp. BS Nguyễn Khắc Viện, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, hoạt động trong giới Việt Kiều có nhiều công lao. Luật sư Phan Nhuận, làm phiên dịch cho Hồ Chủ tịch khi người sang Pháp năm 1946. Về sau, ông dịch tập thơ "Nhật ký trong tù" sang tiếng Pháp. Cùng về nước tham gia kháng chiến năm 1946, có GS Hoàng Xuân Nhị làm ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ, Tổng biên tập tờ báo tiếng Pháp "tiếng nói bưng biền" (Lavoix du Maquis), và LS Hoàng Quốc Tân (đảng viên ĐCS Pháp, là thành ủy viên Sài Gòn phụ trách công tác vận động trí thức).
Cuối cùng xin nói về Anh hùng Liệt sĩ Lê Thiệu Huy, con trai GS Lê Thước, người đã làm nên kỳ tích chưa có tiền lệ trong lịch sử đại học các nước: Đỗ ba bằng Cử nhân khoa học loại ưu năm 1939, lúc 20 tuổi. Ông được Hồ Chủ tịch cử làm tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào. Năm 1946, mặt trận Thakhẹt vỡ, ông ngồi cùng thuyền với Hoàng thân Xuphanuvông, vượt sông Mêkông, trúng đạn của quân Pháp hy sinh. Lúc đó ông mới 27 tuổi.
Bài viết này chỉ có thể ghi lại vài nét về đội ngũ trí thức Hà Tĩnh thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 và điểm diện một số ít gương mặt tiêu biểu. Nhưng cũng đủ để tỏ lòng kính phục và biết ơn của chúng ta hôm nay với tất cả những trí thức lớp cha anh trong cơn bão cách mạng dành độc lập dân tộc thời kỳ ấy.

Thái Kim Đỉnh - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian