Trong 4 vấn đề trên, luật chơi về An toàn thực phẩm là vấn đề luôn được chính quyền, xã hội đặc biệt quan tâm, vừa để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo chất lượng nông sản và tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức và cá nhân sản xuất để đáp ứng được vấn đề này sẽ phải vừa cải thiện kỹ thuật canh tác để nâng cao sản xuất, bảo vệ môi trường và tài nguyên, vừa phải ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, bảo đảm nông sản luôn an toàn, vệ sinh. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sơ lược giới thiệu về GAP và VietGAP để bạn đọc tham khảo thêm.
GAP ( viết tắt của các chữ tiếng Anh: Good agricultural Practices)- Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, không phải là qui trình sản xuất mà chỉ nêu lên các nguyên tắc và hành động đúng mà nhà sản xuất, sơ chế phải áp dụng để loại trừ các mối nguy có thể xảy ra từ khi bắt đầu sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ
. Các mối nguy đó bao gồm các mối nguy về hoá học (Kim loại nặng, thuốc BVTV và nitrats), vi sinh vật ( E. Coli, Sanmonella, Colifom...) và vật lý có thể nhiễm vào sản phẩm từ đất trồng, nước tưới phân bón, thuốc BVTV ... và có thể xẩy ra trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế. Nói một cách khác GAP là 1 bộ hồ sơ trình bày công nghệ sản xuất của nông trại đồng thời cũng là một bộ hồ sơ ghi chép chi tiết những hoạt động của nông trại
ASEAN GAP đã được công bố vào tháng 11 năm 2006 là một chương trình GAP chính thức cho các nước thành viên của ASEAN.
Trên cơ sở GAP của thế giới và thực tiển sản xuất trong nước, tháng 7 năm 2008 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành qui chế chuwngs nhận qui trình thực hành nông nghiệp tốt cho rau quả, chè an toàn . VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả Việt Nam, đề ra những tiêu chuẩn để ngăn ngừa những nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, chất lương sản phẩm, môi trường và sức khoẻ người lao động, cách xử lý rau quả tươi lúc thu hoạch và sau khi thu hoạch.
VietGAP đưa ra những ứng dụng tiêu chuẩn không những cho tổ chức và cá nhân sản xuất trong giai đoạn canh tác ở vườn trại, mà còn cho cả các công ty hoặc tổ hợp chế biến, bao bì và đóng gói. Mục đích then chốt của quy trình là tạo sự dễ dàng thuận lợi trong việc xuất nhập rau quả tươi của Việt Nam đối với các thành viên trong và ngoài khu vực ASEAN. Theo quyết định 99/2008/QĐ- BNN thì VietGAP có thể được tóm tắt và cụ thể hoá như sau:
- Đáp ứng điều kiện sản xuất sơ chế an toàn: cán bộ ký thuật, người lao động, qui trình sản xuất, sơ chế an toàn, đất trồng, nước tưới, nước rửa, nhà xưởng, dụng cụ sơ chế, đồng thời Ghi chép lập hồ sơ về điều kiện sản xuất sơ chế...
- Áp dụng qui trình sản xuất an toàn: Sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới và các biện pháp kỹ thuật khác đúng theo qui định đồng thời ghi chép về sử dụng giống, thuốc BVTV, phân bón...
- Áp dụng qui trình sơ chế an toàn: Thời điểm thu hoạch, sử dụng nước rửa hoá chất, dụng cụ bảo quản, bao gói, phương tiện vận chuyển theo đúng qui định đồng thời ghi chép về thời đểm thu hoạch, chủng loại, khối lượng sản phẩm, nơi bán hàng...
Sản xuất theo hướng GAP là xu thế tất yếu của ngành trồng trọt. Nhà sản xuất tuân thủ GAP chắc chắn sản phẩm của họ sẽ đảm bảo vệ sinh an tòan thực phẩm. Sản phẩm sản xuất và sơ chế theo GAP sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng sản phẩm đó có vệ sinh an toàn thực phẩm hơn các sản phẩm khác chưa được công bố./.
Nguyễn Thị Hồng Việt - P.GĐ Trung tâm KN-KL Hà Tĩnh