Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiện nay, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho các doanh nghiệp những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường…
Thực tế cho thấy, công nghệ là một sản phẩm của con người và nó cũng tuân theo quy luật chu trình sống của sản phẩm. Tức là nó được sinh ra, phát triển và cuối cùng là suy vong. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu không có những hoạt động nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… sẽ trở nên lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến bị đào thải, làm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bị đe doạ. Đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, về mặt lợi ích thương mại, nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế vững vàng trên thị trường cạnh tranh.
Hà Tĩnh như một công trường lớn. Hầu như ngày nào tỉnh nhà cũng được đầu tư, nâng cấp để từng bước khẳng định mình, vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại và phát triển. Hàng nghìn dự án lớn, nhỏ đã được triển khai, ghi dấu là những dự án, công trình trọng điểm như: KTT Vũng Áng (Kỳ Anh); dự án Mỏ sắt Thạch Khê; KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn); dự án Ngàn Trươi- Cẩm Trang… Theo đó, các nhà sản xuất cũng không ngừng thay đổi chiến lược hoạt động, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, ưu tiên nhất là vấn đề về đổi mới công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ thuộc các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, cái khó của các doanh nghiệp (cả nhà nước lẫn tư nhân) đều vẫn chưa chủ động huy động được nguồn vốn từ các kênh khác nhau để đầu tư cho khoa học và công nghệ mà lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Nhìn chung doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ do yếu về năng lực tài chính nên sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ cộng với tay nghề công nhân; số doanh nghiệp tạo ra sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy được vai trò của đổi mới và cải tiến công nghệ đối với sản xuất. Mặt khác, lực lượng lao động trong doanh nghiệp có trình độ công nghệ còn ở mức trung bình, đạt khoảng 32%, còn lại phần lớn là lao động phổ thông. Có những ông chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo có hệ thống về những kiến thức quản lý kinh tế, tin học; trình độ tay nghề của công nhân lao động còn ở mức thấp. Đó là nguyên nhân khiến hiệu suất lao động của rất nhiều doanh nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp.
Như là một “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cùng với việc ưu tiên bố trí ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới, nâng cao trình độ; không ngừng du nhập những công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước áp dụng vào sản xuất. Nhờ thực hiện chính sách này, ngành KHCN đã hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới có hiệu quả một số công nghệ như: sản xuất hạt nhựa đa chủng loại, công nghệ sản xuất phôi thép đen, lưới B40 và dây thép gai, công nghệ composite sản xuất các vật liệu mới, công nghệ sản xuất gạch bằng lò đứng liên tục,.... Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình hợp tác KH&CN, nhiều công nghệ mới được du nhập như: công nghệ sản xuất hoa phong lan, công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc, công nghệ nhân giống bò từ Thái Lan, công nghệ sản xuất ống betong, sản xuất gạch không nung. Gắn liền đó là việc tham gia các hội chợ công nghệ trong và ngoài nước, nhằm tạo điều kiện để các DN quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường thế giới; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá (đến tháng 9/2010 có 120 đối tượng SHTT được cấp bằng bảo hộ); xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2000; xây dựng các chính sách nhằm phát triển xuất khẩu…
Mặc dù số doanh nghiệp có khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ còn hạn chế nhưng có thể coi đây là những tín hiệu tích cực của các DN trong quá trình tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Và cũng là hướng đi cần thiết để các DN có thể vươn tới sự bền vững.
Nguyễn Oanh