Trường Chính trị Trần Phú có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính quyền và các đoàn thể nhân dân về lý luận chính trị - hành chính, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ công tác Xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, ...
Những năm qua, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh sớm có chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút nhân tài. Nhiều loại hình, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, qui mô và ngành đào tạo ngày càng phong phú và đa dạng. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nói chung, có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; trình độ mọi mặt được nâng lên, nhất là trình độ nhận thức lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đa số cán bộ cấp cơ sở được đào tạo cơ bản cả lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành qua thực tiễn. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt, năng động, sáng tạo trong công việc và khả năng hoàn thành chức trách nhiệm vụ.
Từ năm 1995 đến 2010, nhà trường đã tổ chức 12 loại hình đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo cán bộ, với 1124 học viên, trong đó 44 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 15 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, 2 lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính, 4 lớp chỉ huy quân sự xã phường, 2 lớp trung cấp công an, 1 lớp trung cấp hành chính văn phòng, 3 lớp đại học và hàng chục lớp tập huấn ngắn ngày khác.
Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị Trần Phú chưa ngang tầm yêu cầu phát triển chung của tỉnh nhà, cả về chất lượng và số lượng, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo chưa mấy đổi mới.
Đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vẫn còn hạn chế, năng lực xử lý các tình huống còn lúng túng, thiếu kiến thức và trình độ thực thi công việc. Nhiều cán bộ xã, phường chưa cập nhật được kiến thức mới, nhất là kiến thức về kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội, quản lý xã hội, kinh tế và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, ...
Hơn lúc nào hết, đứng trước đòi hỏi của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, trong đó công tác đào tạo cán bộ cấp cơ sở có ý nghĩa đặc biệt. Trường Chính trị Trần Phú đang tập trung cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên của nhà trường.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là sản phẩm của nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó nhà trường và đội ngũ giảng viên là yếu tố trung tâm của quá trình tạo ra chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Nội dung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là tiến hành đổi mới toàn bộ quá trình đào tạo bồi dưỡng nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên. Trước hết đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực quản lý và kỹ năng nghiệp vụ tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ở địa phương, cơ sở.
Theo yêu cầu đó, nhà trường cần tập trung xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới căn bản nội dung; bám sát mục tiêu, yêu cầu công tác của cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp cơ sở, theo phương châm đào tạo, bồi dưỡng những gì mà cán bộ cơ sở cần, chứ không phải những gì mà nhà trường có, đổi mới phưong thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng “cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn”, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, các chế độ chính sách hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như cho cán bộ giảng dạy.
Các giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị Trần Phú. Trước hết là đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất. Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở thực hiện “đào tạo cơ bản” và “bồi dưỡng theo chức danh” bảo đảm cơ bản và thiết thực. Theo đó hệ thống chương trình gồm đào tạo và bồi dưỡng. Bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng chức năng, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, bồi dưỡng lý luận chính trị quản lý nhà nước, để thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ công chức.
Thứ hai là tiếp tục đổi mới, phương pháp giảng dạy và học tập lấy hoạt động của người học làm trung tâm tăng cường đối thoại, làm bài tập tình huống, thực hành lãnh đạo, quản lý trang bị cho người học vừa nắm được lý luận cơ bản vừa nắm vững kỹ năng thực hành.
Thứ ba là tăng cường sự lãnh đạo, của các cấp uỷ, quản lý của nhà nước và sự quan tâm cuả lãnh đạo địa phương đối với công tác đào tạo trong việc xây dựng đội ngủ giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường cũng như tiểu chuẩn văn bằng chính sách, chế độ học tập, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức… đi đào tạo bồi dưỡng.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ tự thân và nhà trường, đồng thời là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và có tính cấp bách hiện nay, góp phần quan trọng cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh nhà.
Nguyễn Công Tú -
TUV, Hiệu trưởng trường Chính trị Trần Phú