Đức Thọ tạo bước đột phá trong phát triển CN – TTCN

Để tạo bước đột phá, huyện Đức Thọ đã ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN. Sau 5 năm thực hiện, bức tranh CN – TTCN ở Đức Thọ chuyển dần sang gam màu sáng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Trước đây, sự phát triển về CN – TTCN ở Đức Thọ hết sức nhỏ lẻ, chỉ đơn thuần là cơ sở sản xuất tại gia với ngành nghề đơn giản như: thủ công, cơ khí, chế biến gỗ, đan lát, bún bánh… mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Điều đó trước hết là do các chủ DN không coi trọng đầu tư về công nghệ, trình độ kỹ thuật lại hạn chế nên sản phẩm chỉ quanh quẩn tiêu thụ trên địa bàn huyện. Nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn cầm chừng, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2005, toàn huyện có 31 DN, 2 HTX và gần 2.500 hộ sản xuất TTCN nhưng sau đó đã có 10 DN tự giải thể vì thua lỗ. Một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như nghề mộc ở xã Thái Yên, làng nghề đan lát, đóng thuyền ở xã Trường Sơn, bánh bún ở Đức Yên hay nấu rượu Đức Lâm, Đức Thanh đều thiếu chỗ đứng trên thị trường và bị mai một dần…
Với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa các vùng miền, nhưng CN – TTCN ở Đức Thọ lại phát triển chậm, hiệu quả thấp, nguyên nhân chính là do chưa biết khai thác và phát huy tiềm năng nội lực; hạn chế về tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất; chưa nhân rộng được nhiều mô hình điển hình… trong sản xuất kinh doanh.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, BCH đảng bộ huyện Đức Thọ đã ra Nghị quyết 01-NQ/HU ngày 28-11-2005 về tăng cường sự lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển CN- TTCN, doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2005-2010.
Từ bức tranh với gam màu xám, sau 5 năm thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết, đến nay, toàn huyện đã có 102 doanh nghiệp và 5 HTX, tăng 487 % so với năm 2005. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng cơ bản chiếm gần 15%, doanh nghiệp kinh doanh TM-DV và vận tải chiếm gần 47%, doanh nghiệp TTCN – chế biến nông lâm sản chiếm 38%. Kết quả trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng trong CN – TTCN bình quân đạt từ 18-23% (mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 14-15% vào năm 2010). Riêng 9 tháng đầu năm 2011, giá trị CN – TTCN hơn 200 tỷ đồng đạt 55% so với kế hoạch năm.
Sự năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã mang lại những con số trên. Điển hình như Công ty Gỗ Phượng Nguyên Bắc Miền Trung đầu tư gần 100 tỷ đồng chế biến gỗ xuất khẩu. Sau 3 năm đi vào hoạt động công ty đã nộp vào ngân sách hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Sông La sản xuất gạch Tuynen giải quyết việc làm cho gần 150 lao động, nộp ngân sách hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một số HTX như rượu Thanh Lạng, Văn Lâm và HTX mây tre đan Ngọc Lâm đều cho ra đời những sản phẩm chất lượng có uy tín trên thị trường trong tỉnh….
Nhìn chung hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn huyện Đức Thọ phát triển khá đa dạng; quy mô có sự thay đổi với nhiều thành phần kinh tế như dịch vụ vận tải, phân bón, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp… góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Kết quả trên thật đáng mừng nhưng vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng lợi thế của huyện. Hiện Đức Thọ đang tiếp tục thúc đẩy phát triển CN – TTCN cho giai đoạn tiếp theo 2011 - 2015. Trong đó sẽ ưu tiên cho ngành nghề mộc cao cấp, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, đan lát mây tre….và du nhập nghề mới phù hợp và hiệu quả; chú trọng phát triển các doanh nghiệp về lĩnh vực kinh doanh thương mại du lịch trên địa bàn.
Từ bài học kinh nghiệm huyện sẽ từng bước tháo gỡ những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 01. Mặt khác làm tốt công tác quy hoạch các cụm, điểm CN - TTCN, trong đó có quy hoạch về sản xuất nguyên vật liệu để cung cấp cho các cơ sở sản xuất; tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ kỷ thuật cho người lao động. Có chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, xây dựng phương án khôi phục các làng nghề truyền thống đang dần bị mai một và tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

PV