Với quan điểm tập trung các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, đưa kinh tế- xã hội phát triển nhanh hơn so với bình quân cả nước, nhằm tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng; khai thác có hiệu quả, toàn diện, tổng hợp các vùng, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, mỗi bước phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái ... Đây là những vấn đề cốt lõi được nghị quyết nhấn mạnh.
Từ thực tiễn cho thấy, 5 năm qua (2004-2009), Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Tĩnh đã có những nỗ lực vượt bậc đạt nhiều thành tựu quan trọng đưa nghị quyết vào đời sống với chuyển biến rõ nét, toàn diện. Có được những yếu tố cơ bản "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Hà Tĩnh đang phấn đấu để từ một tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, tạo nền tảng đến năm 2015 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Việt Nam là quốc gia biển, Hà Tĩnh là địa phương có đường bờ biển dài 137 km, có 4 cửa sông lớn: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu, tạo thành mạng lưới giao thông nội địa thuận tiện. Cùng với những bãi tắm Xuân Thành, Thạch Bằng, Thiên Cầm... đã và đang được đầu tư khai thác góp phần tăng trưởng GDP của quê hương. 5/12 huyện có biển, 31 xã mép nước, số dân trên 20 vạn người (chiếm tỷ lệ 1/6). Phần diện tích lãnh hải ước khoảng 19 ngàn km
2
, với nhiều nguồn lợi hải sản, khoáng sản, là nơi sản xuất muối ... Bờ biển có độ dốc thấp, thoải dần, phần lớn là bãi cát dài, mịn, đây là những ưu thế mà biển Hà Tĩnh có được, vấn đề đặt ra là làm thế nào khai thác hợp lý để phục vụ cho mục tiêu "xóa đói giảm nghèo, vươn lên giàu mạnh, hội nhập và phát triển".
Nhìn lại lịch sử, khi thực dân Pháp xâm lược Hà Tĩnh, cùng với hướng tây biên giới, kẻ địch đã chọn hướng đông có biển để thực hiện âm mưu đó. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá tuyến biển vào các cụm dân cư rất ác liệt. Bọn gián điệp biệt kích cũng lợi dụng hướng biển để xâm nhập phá hoại hậu phương miền Bắc. Biển luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Do vậy từ xưa đến nay, biển là nơi rất nhạy cảm, phức tạp diễn ra trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh ...
Trên tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung mọi nổ lực cao nhất nhằm thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, tiêu biểu có các dự án: khu kinh tế cảng Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, dự án ngàn trươi Cẩm Trang tầm cỡ quốc gia, khu vực. Có công trình đã đưa vào khai thác sử dụng từ nhiều năm nay, có công trình ngày khánh thành không xa. Tất cả phục vụ cho CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Cùng với nổ lực thu hút đầu tư phát triển mạnh, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được tiến hành xây dựng đồng thời bằng những biện pháp, giải pháp đồng bộ, coi đó là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị, thành đã tham mưu kịp thời, đúng hướng, có hiệu quả để cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bằng nhiều việc làm cụ thể, biện pháp thích hợp. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trách nhiệm công dân được đặt lên hàng đầu với sự đổi mới sáng tạo đưa lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã có gần 30.000 dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV) được học tập, quán triệt các quy chế về biển, đảo, biên giới; Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ. Theo chức năng, nhiệm vụ, mỗi lực lượng có phương án xử lý tình huống riêng và phương án chung trong hiệp đồng làm nhiệm vụ trên các tuyến. Công tác trinh sát địa bàn đã thu thập được nhiều thông tin kịp thời, giúp lãnh đạo, chỉ huy đề ra các biện pháp xử lý nhanh gọn, hiệu quả.
Trên tinh thần Chỉ thị 04/CT- BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, DQTV, DBĐV được chăm lo xây dựng theo hướng rộng khắp, chất lượng, trong đó lấy chất lượng chính trị là chủ yếu. Xã Sơn Kim (huyện Hương Sơn) và xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) được chọn mô hình điểm xây dựng, hoạt động DQTV đã phát huy ưu điểm, đồng thời đang được đúc rút tổng kết để nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh. Những hoạt động trên đã góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh tuyến biển còn những hạn chế đó là: do lực lượng bảo vệ mỏng, phương tiện trang bị lạc hậu, khả năng đánh bắt hải sản xa bờ thấp nên địa phương chưa làm chủ, quản lý được ngư trường; việc sắp xếp, bố trí dân quân giữa thuyền và chủ gặp nhiều khó khăn; tình trạng đánh bắt hải sản bằng chất nổ, bộ kích điện chưa được ngăn chặn triệt để; buôn lậu trên biển, trao đổi hàng hóa không rõ xuất xứ chưa được kiểm soát chặt chẽ; nhìn chung trình độ văn hóa của nhiều thanh niên vùng biển còn ở mức thấp, chỉ học hết bậc trung học cơ sở (cá biệt đến tiểu học) từ đó ảnh hưởng đến nhận thức về pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để kịp thời khắc phục những khiếm khuyết trên, cần phải có một cách nhìn nhận đánh giá toàn diện, thấy được những kết quả quan trọng mà tỉnh nhà đã đạt được, từ đó tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về 2 nhiệm vụ cách mạng hiện nay. Căn cứ Chỉ thị số 04/CT- BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tăng cường xây dựng lực lượng DQTV tuyến biển có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị. Tổ chức biên chế gọn, chặt chẽ; giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự sát thực tế. Xây dựng, hoạt động của lực lượng DQTV biển phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng, bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng khác hoạt động trên biển; gắn xây dựng DQTV biển với xây dựng cơ sở vững mạnh. Hiện nay trên địa bàn tuyến biển của tỉnh có nhiều dự án, nhà máy, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn đã, đang được xây dựng, do đó, đây cũng là nơi tập trung nhân lực rất đông. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đang lựa chọn giải pháp xây dựng DQTV, DBĐV bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho các khu kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ ...
Một nội dung quan trọng nữa là Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, áp dụng chính sách ưu đãi nhiều hơn để ngư dân đóng thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, khai thác hiệu quả ngư trường. Thành lập các đoàn kinh tế quân đội trên các cảng biển, đảo để vừa làm kinh tế vừa sẵn sàng chiến đấu.
Đặt chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong một môi trường quốc phòng - an ninh bảo đảm, trật tự chính trị, an toàn xã hội ổn định, chỉ có giải quyết đúng đắn, khoa học, với tầm nhìn xa thấy rộng ..., đó là quy luật tất yếu trước tình hình hiện nay./.
Đại tá Nguyễn Đức Tới
CHỈ HUY TRƯỞNG- BỘ CHQS HÀ TĨNH