Trong những năm gần đây bằng sự năng động, sáng tạo của người nuôi cùng với những tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh nghề nuôi thuỷ sản bằng lồng bè ở tỉnh ta có bước phát triển khá, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng trăm hộ gia đình. Tuy nhiên, sự phát triển nhìn chung còn mang tính tự phát, thiết kế lồng nuôi không đúng kỹ thuật, kỹ thuật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh chưa có kinh nghiệm, nên hiệu quả ở một số hộ nuôi còn chưa cao. Để nuôi thuỷ sản bằng lồng bè trên sông, hồ, đập lớn một cách có hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật khi thiết kế lồng nuôi:
1. Hệ thống khung lồng bằng gỗ
2.
a. Vật liệu: Các loại vật liệu cần thiết để thiết kế lồng nuôi, gồm:
- Thanh gỗ kích thước 10 x 12 cm, có chiều dài 3 - 6m (gỗ thuộc nhóm 2 hoặc 3).
- Đinh ốc dài 10- 20cm.
- Ống thép Φ 27.
- Phao bằng thùng phuy 100 - 200 lít và dây thép, dây cước hoặc dây thừng.
- Lưới bằng sợi cước PE 210/9 hoặc sợi tổng hợp 380/23 hoặc lưới dệt 210/14 - 210/16 với kích cỡ mắt lưới (2a) là 5 - 50 mm.
- Ván gỗ có kích cỡ 2x20 cm.
b. Thiết kế lồng nuôi:
- Khung lồng: Các thanh gỗ được liên kết kép với nhau bằng đinh ốc tạo thành khung lồng hình chữ nhật kép kích thước 7,5m x 11m, gồm 2 dãy mỗi dãy 3 ô lồng, mỗi ô kích thước 3m x 3m.
- Khung căng lưới: Khung căng lưới có thể làm bằng ống thép hoặc bằng gỗ, tre thành hình lập phương (hình hộp) có kích thước 3m x 3m x 3m để mắc lưới lồng nuôi. Các mặt bên của lồng nuôi có thể hàn ống thép song song để đảm bảo khung lồng chắc chắn. Phía đáy của khung căng áo lưới được cố định bằng các tảng đá lớn hoặc bằng các cục bê tông (mỗi cục nặng 30 - 50kg)
- Áo lưới: Áo lưới được thiết kế dạng hình hộp lập phương 5 mặt (bốn mặt bên và một mặt đáy), kích thước 3m x 3m x 3m, ở miệng áo lưới được luồn bằng dây thừng để đính vào khung căng áo lưới. Áo lưới phải dùng bằng lưới dệt không gút chuyên dụng cho nuôi cá, mỗi ô lồng nên có nhiều áo lưới với mắt lưới khác nhau để thay đổi cho từng giai đoạn phát triển của cá.
+ Đối với nuôi nước ngọt lưới lồng làm bằng lưới dệt có kích thước 3m x 3m x 3m với kích cỡ mắt lưới (2a) là 20 - 24 mm.
+ Đối với nuôi nước mặn, lợ: Lưới lồng được làm bằng lưới sợi PE, sợi tổng hợp với kích cỡ mắt lưới tùy thuộc vào kích cỡ cá, cụ thể:
Kích cỡ cá nuôi |
Kích cỡ mắt lưới |
1 - 2 cm |
0,5cm |
5 - 10 cm |
1 cm |
15 - 20 cm |
2 cm |
> 25 cm |
4 cm |
- Phao và neo cố định lồng:
+ Phao có tác dụng giữ cho khung lồng luôn nổi trên mặt nước. Lắp phao vào khung lồng bằng cách đính chặt phía bên dưới khung lồng, đặt giữa hai thanh gỗ song song. Các phao được liên kết với khung lồng bằng dây thép, dây cước hoặc dây thừng ( mỗi khung lồng cần 18 - 20 thùng phuy 200 lít làm phao, nếu thùng phuy nhỏ hơn 200 lít thì số lượng nhiều hơn ).
+ Neo cố định lồng: Gồm 4 neo cắm ở đáy sông, hồ nối với 4 góc của khung lồng bằng dây thừng.
- Phía trên khung lồng, giữa các thanh gỗ song song lắp các tấm ván để làm lối đi lại và che nắng cho các phao.
- Trên các mặt của các ô lồng nắp lưới đậy phía trên hoặc có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn không cho cá và thức ăn trôi ra ngoài.
2. Hệ thống khung, lồng bằng thép
a. Vật liệu: Các loại vật liệu cần thiết để thiết kế lồng nuôi, gồm:
- Ống thép Φ 42, mỗi cây dài 6m.
- Phao bằng thùng phuy 100 - 200 lít và dây thép, dây cước hoặc dây thừng.
- Lưới bằng sợi cước PE 210/9 hoặc sợi tổng hợp 380/23 hoặc lưới dệt 210/14 - 210/16 với kích cỡ mắt lưới (2a) là 5 - 50 mm.
- Đinh ốc dài 10 - 20 cm, sơn chống gỉ, ván gỗ có kích cỡ 2x20 cm.
b. Thiết kế lồng nuôi: làm giống như khung lồng bằng gỗ
Sỹ Công - Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản.