Kể từ Đại hội XVI, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã xác định mục tiêu phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp và dịch vụ phát triển. Trong những năm qua, tỉnh nhà đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Sản xuất công nghiệp có bước chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu sản xuất nội ngành. Tiềm năng lợi thế được khai thác ngày càng hiệu quả; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, trong đó có những dự án quy mô lớn như: Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I... Để từng bước xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp nặng của khu vực và cả nước, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và thu được kết quả khả quan. Đến nay đã có hơn 90 dự án đăng ký đầu tư với các ngành chủ lực là gang thép, nhiệt điện, cảng biển, du lịch sinh thái...; tổng số vốn đăng ký hơn 200 ngàn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh như: khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, luyện kim, cơ khí chế tạo, lọc hóa dầu, cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, dịch vụ cảng và kho bãi. Mở rộng và phát triển hệ thống thương mại, du lịch, dịch vụ, đồng thời đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; đảm bảo sự tăng trưởng hợp lý, bền vững.
Thời gian tới tỉnh nhà còn rất nhiều việc phải làm: Về kinh tế đối ngoại phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiên cứu để ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiệm kỳ tới, Hà Tĩnh đề ra mục tiêu thu hút trên 10 tỷ USD các dự án FDI. Để đạt được mục tiêu đó đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương về tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác trên nền tảng pháp luật với các nước, các tổ chức, các tập đoàn kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu; xây dựng chiến lược về quan hệ kinh tế với các nước; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, theo đó là quảng bá về tiềm năng, lợi thế và kinh doanh ra ngoài tỉnh và nước ngoài; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức, ở nhiều nơi. Tích cực vận động con em Hà Tĩnh ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài về đầu tư phát triển quê hương.
Về chính sách tam nông, bảo đảm sự ổn định an ninh lương thực, Hà Tĩnh hiện có trên 84% dân số sống ở vùng nông nghiệp, nông thôn, những năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực này và đạt được kết quả thiết thực. Nhiệm kỳ tới Hà Tĩnh xác định đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Nghị Quyết 08 – NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI). Đại Hôi Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 sẽ bàn nhiều về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa có kỹ thuật, năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, bền vững. Hình thành và quy hoạch các vùng chuyên canh và nhân nhanh các giống lúa chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, bán công nghiệp. Quy hoạch, đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn gia súc theo hướng hiện đại; áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học. Tăng cường năng lực hệ thống thú y, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân có ý thức tự vươn lên, gắn với đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Đại Hội đảng nhiệm kỳ này đã đi sâu về lĩnh vực mở hướng ra đại dương phát huy và khai thác ưu thế lý tưởng của tỉnh nhà. Là tỉnh có bờ biển chạy dọc từ đầu tỉnh theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 137 km. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế biển, như phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, diêm nghiệp, du lịch biển, cảng biển... Đặc biệt từ khi có nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển đến năm 2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã có kết luận số 10-KL/TU về phát triển kinh tế biển Hà Tĩnh đến năm 2020. Xác định vị trí, vai trò và tiềm năng kinh tế biển, tỉnh đã định rõ phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế biển đến năm 2020 là:
Khai thác có hiệu quả tài nguyên tiềm năng du lịch, kinh tế hàng hải, giao thông biển... gắn với giữ gìn, bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển lâu dài. Sử dụng các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng về biển để khuyến khích, thu hút và kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Xây dựng vùng ven biển thực sự năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, các ngành kinh tế biển và ven biển gồm: khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản; kinh tế hàng hải và giao thông biển; du lịch đô thị ven biển; khai thác nuôi trồng và chế biến thủy sản sẽ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hải, bao gồm vận tải biển, cảng biển, đóng tàu sửa chữa tàu thuyền. Khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Vũng Áng. Mở rộng và nâng cấp nhà máy đóng tàu, thuyền Bến Thủy, xúc tiến xây dựng Nhà máy đóng tàu biển tại khu Kinh tế Vũng Áng, kết hợp sản xuất vỏ container. Trong tương lai nhu cầu về vận tải biển sẽ rất lớn, đặc biệt là vận tải than cho nhà máy nhiệt điện, khai thác mỏ sắt và vận tải sắt thép... vì vậy phải xây dựng đội tàu lớn có trọng tải từ 10.000 DWT trở lên để đảm nhận một phần khối lượng vận tải nội địa và tham gia vận tải xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Việc xây dựng tuyến hành lang đường bộ ven biển kết hợp với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng theo quy hoạch chung của Chính phủ cũng được Hà Tĩnh hết sức quan tâm. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu du lịch biển hiện có; xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp nhằm thu hút và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiến hành tổ chức sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, trong đó cần chú trọng việc tìm kiếm, mở rộng ngư trường, đổi mới phương tiện, kỹ thuật đánh bắt tiên tiến; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ; tổ chức các hình thức liên doanh, liên kết trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Quy hoạch bố trí lại cư dân ven biển, tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, khắc phục tình trạng thuần ngư, thuần nông; có cơ chế chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cải thiện đời sống nhân dân.
Các giải pháp đã đề ra, nếu thực hiện tốt, chắc chắn từ nay đến năm 2020 Hà Tĩnh sẽ vững vàng đi lên bằng con đường công nghiệp, dịch vụ cộng với việc khai thác tiềm năng biển, chắc chắn kinh tế xã hội địa phương sẽ được nâng lên một tầm cao mới./.
Dương Thanh Tùng - Báo Đầu tư