Hà Tĩnh hoàn tất triển khai hệ thống văn phòng điện tửhỗ trợ công tác cài cách hành chính tại các sở ban ngành, huyện thị

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành đã trở thành nhu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính (CCHC) là giải pháp đột phá, mang lại hiệu quả rõ rệt .
Tại Hà Tĩnh, từ năm 2009, thực hiện công văn số 307/UBND-CNTT ngày 16/2/2009 về việc triển khai công tác quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng; Công văn số 724/UBND ngày 25/03/2009 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai phần mềm Văn phòng điện tử di động, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh – trực tiếp là Trung tâm CNTT và Truyền thông - đã chuyển giao phần mềm Văn phòng điện tử di động Mobil Office (MO) cho các sở, ban, ngành, huyện, thị/thành phố, góp phần thúc đẩy CCHC theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Qua hơn 02 năm triển khai, đến nay, 100% các Sở, ban, ngành và 12/12 huyện thị/thành phố đã thực hiện ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử MO và phát huy hiệu quả.
Phần mềm “Văn phòng điện tử di động – Mobile Office” là hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành trên môi trường mạng với nhiều tính năng đa dạng. Phần mềm tăng cường hiệu quả công việc hành chính trong các cơ quan, đơn vị, góp phần tăng cường sức mạnh của người quản lý. Bằng cách giao việc và thu hồi các ý kiến xử lý qua mạng, liên kết nhiều người cùng tham gia vào một công việc trong các luồng, phần mềm giúp giảm thiểu thời gian chờ nhau do lệch quỹ thời gian trong xử lý công việc. Các luồng công việc được thể hiện qua những sơ đồ dễ quan sát, trên sơ đồ đó tiến độ xử lý công việc được biểu thị qua các biểu tượng có màu giúp các nhà quản lý bất cứ lúc nào cũng có thể biết chính xác tiến độ xử lý công việc và kiểm soát đựơc trách nhiệm của mỗi người.
Với MO, tất cả các giao dịch thực hiện đều qua các văn bản điện tử và được quản lý tập trung trên mạng, không phải cài đặt tại các máy tính cá nhân của người dùng. Với khả năng quản lý tốt công việc qua văn bản, xác nhận trách nhiệm cá nhân, MO hỗ trợ mạnh mẽ cho quản lý chất lượng theo mô hình ISO và triển khai Chính Phủ điện tử. Thông tin điều hành tác nghiệp được tổ chức quản lý khoa học, chặt chẽ và minh bạch; thông tin được truyền đạt chính xác với độ an toàn cao; tìm kiếm thông tin được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng.
Phần mềm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc ứng dụng CNTT hỗ trợ công việc của mình. Tiết kiệm thời gian hội họp do các ý kiến đã được trao đổi và tổng hợp trực tuyến trên hệ thống. Tạo lập bộ cơ sở dữ liệu văn bản riêng của ngành, đơn vị mình hỗ trợ công tác quản lý, hoạt động chuyên môn của cán bộ, là cơ sở để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh.
Một số Sở Ban ngành, huyện thị đã đưa MO vào sử dụng sớm và điều hành hoàn toàn trên mạng đạt hiệu quả cao như Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở giao thông, Sở Công thương, Thanh tra Tỉnh, UBND Thành phố Hà Tĩnh,… các Sở ban ngành, huyện thị khác cũng đã bắt đầu ứng dụng tốt. Một số huyện năm 2011 mới bắt đầu cài đặt, tập huấn và ứng dụng như Kỳ Anh, Lộc Hà, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ.
Ngoài ra, phần mềm này cũng đã được áp dụng trong quản lý điều hành cho một số cơ quan, đoàn thể khác như Dự án CBRIP Hà Tĩnh, Chi cục Quản lý thị trường, Liên đoàn lao động tỉnh …
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn có một số khó khăn trong triển khai ứng dụng. Đó là:
Một số cơ quan vẫn chưa quyết tâm trong việc đưa ứng dụng CNTT vào phục vụ công tác điều hành tác nghiệp. Đặc biệt, có những cơ quan, mặc dù đã cài đặt phần mềm văn phòng điện tử nhưng lãnh đạo vẫn điều hành công việc theo phương thức truyền thống, không điều hành trên phần mềm nên việc vận hành hệ thống này không có hiệu quả.
Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT tại các sở ban ngành, huyện thị/thành đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống máy chủ phần lớn được trang bị theo Đề án 112 (từ năm 2005) đến nay hầu hết đã hỏng hoặc chạy không ổn định. Dịch vụ cung cấp mạng ADSL chưa tốt, chất lượng đường truyền chưa cao. Các chương trình, quy trình đảm bảo an toàn và an ninh thông tin chống truy cập trái phép chưa được quan tâm. Các phần mềm diệt virus có bản quyền cho máy chủ và các máy trạm hầu như không được trang bị. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai vận hành, ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử ở một số cơ quan.
Thời gian tới, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, bảo trì các đơn vị đang sử dụng, nâng cấp phiên bản mới, hỗ trợ triển khai chương trình cho các Sở ban ngành tới các đơn vị trực thuộc, các UBND huyện, thị, thành phố mở rộng đầu mối xuống các phường, xã. Đồng thời sẽ xây dựng đề án thực hiện kết nối liên thông MO giữa các Sở, ban, ngành, huyện thị để phục vụ công tác trao đổi thông tin, gửi và nhận công văn giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.
Để tiếp tục triển khai tốt chương trình liên thông văn phòng điện tử, các cấp các ngành cần tiếp tục cho triển khai các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong việc áp dụng mô hình Văn phòng điện tử phục vụ điều hành, tác nghiệp; Ban hành và thực hiện tốt quy chế ứng dụng Văn phòng điện tử trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Có kế hoạch nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cùng với an toàn, an ninh thông tin, hệ thống chống sét, chống nhiễu, cài đặt các chương trình phòng chống Virus có bản quyền cho hệ thống máy chủ, máy trạm.
Trước xu thế hội nhập và phát triển của khoa học kỹ thuật, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp minh bạch, công khai và tạo sự đột phá, hiệu quả trong cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành là một vấn đề hết sức cấp thiết và cần được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển, đưa Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại./.
Ths. Phạm Văn Báu - Sở TT&TT Hà Tĩnh