Hành trình xây dựng Nông thôn mới ở Gia Phố

Gia Phố, Hương Khê (Hà Tĩnh) là một trong 11 xã của cả nước được Ban chỉ đạo Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Sau gần hai năm thực hiện, kinh tế xã hội của xã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao.
Đến Gia Phố vào những ngày cuối tháng ba, sau hai năm Gia Phố trở thành xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của trung ương. Thời gian chưa phải là nhiều nhưng những đổi thay của vùng quê khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng: những con đường trước đây thường bị ngập lụt, lầy lội nay đã được bê tông hoá khang trang; nhiều ngôi nhà, quán hàng, hội quán thôn mọc lên làm nên một diện mạo nông thôn hoàn toàn khác. Các dịch vụ thương mại kèm theo các làng nghề làm bún, bánh đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân... So với yêu cầu và cũng là mục tiêu xây dựng nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện vẫn còn khoảng cách nhưng kết quả bước đầu mà Gia Phố đã đạt được cho thấy xã đã chọn đúng khâu đột phá là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ một xã thuần nông, người dân làm ruộng, làm nghề rừng nay đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ thương mại cộng với hình thành làng nghề, các mô hình hợp tác xã, các tổ hợp kinh doanh tạo nên sự đa dạng về phát triển kinh tế. Sự thay đổi này không chỉ ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy. Một xã nông thôn miền núi không thể khá giả bền vững bằng sản xuất nông nghiệp thuần tuý mà phải đa dạng hoá ngành nghề, mỗi người dân phải biết một nghề.
Gia Phố là địa bàn xã miền núi, diện tích tự nhiên 1.161 ha,  xã có  1.445 hộ dân với 6.196 nhân khẩu, đa số là dân theo đạo Thiên chúa (80%) sống  tập trung ở hai xứ Thịnh Lạc và Ninh Cường. Để xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, Gia Phố chú trọng phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã chung tay xây dựng quê hương. Trong gần hai năm xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được trên 52 tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng, doanh nghiệp trong và ngoài xã đóng góp 2 tỷ đồng, số còn lại được huy động từ các nguồn khác. Từ một xã thuần nông, Gia Phố đã chuyển sang đa dạng hoá ngành nghề, hiện nay lao động làm nông nghiệp chỉ chiếm 42%, còn lại lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 26%, lao động dịch vụ thương mại 32%. Xã Gia Phố có hai doanh nghiệp tư nhân là: Doanh nghiệp vật liệu xây dựng Khánh Trang và doanh nghiệp vận tải Quyết Thắng, hàng năm đóng góp cho địa phương hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho trên 100 lao động trong xã. Gia Phố còn có 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và hợp tác xã điện cùng 22 tổ hợp có quy mô vừa và nhỏ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Gia Phố, ông Nguyễn Văn Cầm cho biết: "Sau đợt tham quan các xã nông thôn mới ở các tỉnh phía Nam, nhận thức của lãnh đạo cũng như người dân thay đổi rõ ràng về xây dựng nông thôn mới. Xã đã chuyển nhanh từ một xã thuần nông-lâm nghiệp sang hướng đa dạng hoá các ngành nghề, dịch vụ". Hiện nay, công việc xây dựng nông thôn mới ở Gia Phố đang tiếp tục được tiến hành khẩn trương với mục tiêu đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá nông thôn về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển dịch vụ, cũng cố, nâng cấp hạ tầng, từng bước chỉnh trang cảnh quan làng xóm...
Một điều nhận thấy rất rõ nét trong quá trình trình xây dựng nông thôn mới ở đây chính là sự tự giác, tự nguyện hiến đất, hiến vườn, cây cối, hoa màu, các công trình trên đất của người dân Gia Phố. Theo thống kê của xã đã có hơn 200 gia đình sinh sống hai bên các trục đường chính và các gia đình nằm trong diện quy hoạch cải tạo vườn, làng nghề đã hiến đất, công trình để cho xã mở đường rộng thêm. Riêng ở thôn Phố Thượng, Phố Hạ thuộc xứ Thịnh Lạc có đường mở rộng với chiều dài gần 3km đã có hơn 100 hộ hiến 7.000m2 đất cùng hàng vạn cây ăn quả, hoa màu trên đất trị giá hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Trọng Kỷ ở thôn Phố Thượng, một trong những gia đình hiến 300m 2 đất cùng hoa màu trên đất, tổng trị giá trên 70 triệu đồng vui vẻ nói: "Khi xã có chủ trương mở đường rộng hơn, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất bởi có đường đi qua đây thì vườn nhà tôi đẹp hơn, giá trị hơn, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của chính quyền để mở mang đường làng ngõ xóm rộng, đẹp". Không chỉ người dân ở xứ Thịnh Lạc mà 130 hộ dân ở xứ Ninh Cường đã hiến trên 5.200 m 2 đất để quy hoạch làng nghề, làm đường giao thông với số tiền ước tính gần 1 tỷ đồng. Việc tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hoa màu để làm các công trình và đóng góp ngày công, tiền của nhân dân thuộc hai xứ Thịnh Lạc và Ninh Cường trở thành sự tự giác mà mỗi giáo dân đều thực hiện như một nghĩa vụ để xây dựng quê hương. Nét mới trong phong trào hiến đất làm đường ở Gia Phố là có sự vào cuộc chung tay của các chức sắc tôn giáo. Trong quá trình triển khai dự án, các linh mục đã đứng ra vận đồng bà con giáo dân thực hiện chủ trương của chính quyền, đồng thời các linh mục ở Gia Phố cũng có nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp với chính quyền địa phương cùng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền Gia Phố tổ chức các buổi họp dân đến từng thôn, công khai minh bạch kế hoạch trước nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia. Khi dân bàn xong, xã chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Đồng thời cả hệ thống chính trị cùng các ban hành giáo tuyên truyền nhân dân cùng thực hiện các chủ trương đã bàn định. “Biết lắng nghe ý kiến và ghi nhận những nguyện vọng của người dân, bên cạnh đó tiến hành công khai bàn bạc với nhân dân những việc làm cụ thể thì việc xây dựng nông thôn mới mới có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Cầm nói. Hiện nay, Gia Phố triển khai quy hoạch vùng sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung 15 ha tại vùng Phổ Hương, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất lúa chất lượng cao 20 ha tại đồng cải tạo và quy hoạch sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày 20 ha ở đồng Vườn Hoang.
Nhờ chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Gia Phố liên tục đạt từ 12 đến 15%/năm. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế trong thu nhập chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp từ 22% (năm 2006) lên 62% (năm 2010). Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 12,9 triệu đồng /người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%./.

Ngô Tuấn