Đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác, hoạt động đo lường có vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và quản lý các hoạt động đo lường, các nước trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển từ lâu đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và ban hành hệ thống văn bản pháp luật cần thiết, đồng bộ để điều chỉnh những vấn đề cơ bản của đo lường.
Ở Việt Nam, ngay từ khi mới giành được độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 08/SL ngày 20/1/1950 quy định công tác đo lường và dùng hệ Mét làm đơn vị đo cho hoạt động đo lường ở Việt Nam; nhà nước ta đã quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Sau mấy chục năm nỗ lực xây dựng, hệ thống đo lường của nước ta đã hình thành, phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống văn bản đo lường hình thành, ngày càng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản cụ thể:
- Nghị định 186-CP ngày 26/12/1964 về “Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”;
- Nghị định số 216/CP ngày 25/9/1974 ban hành “Điều lệ quản lý đo lường”;
- Nghị định số 217-CP ngày 25/9/1974 ban hành “Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh” và hàng chục văn bản cấp Bộ, ngành hướng dẫn chi tiết thi hành các văn bản nêu trên.
- Ngày 6/7/1990 Hội đồng nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Đo lường. Đây là lần đầu tiên công tác đo lường được quy định trong một văn bản có tính pháp lý cao là Pháp lệnh Đo lường (giai đoạn trước chỉ là Nghị định của Chính phủ).
- Ngày 13/4/1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 115/HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh Đo lường năm 1999. Nhiều văn bản cấp Bộ, ngành hướng dẫn chi tiết thi hành nghị định này cũng đã được ban hành.
Những văn bản pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển các hoạt động đo lường, về cơ bản, phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của nước ta trong giai đoạn này. Gần đây nhất Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Đo lường có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2012,
khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Đo lường năm 1999, là
văn bản có hiệu lực cao nhất về đo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện lĩnh vực đo lường
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Trên cơ sở nền tảng pháp lý đo lường của Việt Nam đã tạo tiền đề cho các hoạt động đo lường ngày một phát triển, được thế giới công nhận. Chúng ta tham gia Chương trình Đo lường Châu Á-Thái Bình Dương (APMP) năm 1992. Năm 1994, Việt Nam tham gia tổ chức đo lường pháp quyền lớn nhất thế giới (OIML)với tư cách là thành viên thông tấn và năm 2003 là thành viên chính thức. Năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của diễn đàn đo lường pháp quyền châu Á – Thái Bình Dương (APLMF). Năm 2003, Việt Nam tham gia Hội nghị toàn thể về Cân – Đo (CGPM) của công ước Mét với tư cách là một thành viên hợp tác. Việc tham gia CGPM và chủ trì nhiều lĩnh vực chuẩn đo lường trong khuôn khổ các chương trình so sánh vòng của APMP đã tạo điều kiện để Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về đo lường CIPM-MRA năm 2004. Việt Nam đang thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia dựa trên cơ sở đảm bảo hệ thống chuẩn này được dẫn xuất từ hệ thống chuẩn đo lường quốc tế.
Quá trình hình thành hệ thống văn bản pháp luật về đo lường từ văn bản đầu tiên: Sắc lệnh đo lường 08/SL ngày 20/01/1950 đã 62 năm, trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm nhưng đến nay đo lường nước ta đã đề cập và giải quyết được các vấn đề cơ bản: Đơn vị đo lường và chuẩn đo lường; Kiểm định phương tiện đo; Hiệu chuẩn phương tiện đo; Phép đo và hàng đóng gói sẵn; Sản xuất, sửa chữa, buôn bán, xuất nhập khẩu phương tiện đo; Thanh tra về đo lường. Để cho hệ thống văn bản đo lường thực sự phát huy nâng cao vai trò của đo lường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các nhà quản lý mỗi người dân phải thực hiện nghiêm luật và các văn bản hướng dẫn quy định về đo lường: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau về vai trò, vị trí của đo lường và pháp luật về đo lường đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là người tiêu dùng để bản thân mỗi người có ý thức tự tìm hiểu nhằm có kiến thức bảo vệ quyền lợi cho mình và mọi người; cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo cán bộ, tăng cường tiềm lực về con người, kỹ thuật, thiết bị chuẩn để có thể tiếp cận ngay đến các lĩnh vực đo mới; mở rộng khả năng kiểm định đối với các lĩnh vực đo, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp đảm bảo được đo lường chính xác trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Trọng Hòa