Hiến pháp mới, khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển tất yếu  dựa vào khoa học và công nghệ.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiệm vụ của khoa học, kĩ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kĩ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (1). Điều đó có nghĩa, nhiệm vụ phát triển khoa học, kĩ thuật là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà khoa học có vai trò tạo ra tri thức và phổ biến tri thức cho nhân dân và nhân dân cũng cần tích cực học hỏi, sống, làm việc một cách khoa học để đưa đất nước đi lên, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thấm nhuần những lời dạy sâu sắc đó của Người, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, định hướng phát triển chiến lược, quan trọng cho nền khoa học - công nghệ nước nhà,

Các quan điểm, chủ trương, chính sách về KH&CN được thể hiện trong Hiến pháp : Nội dung có liên quan về khoa học và công nghệ trong Hiến pháp năm 1992 được quy định tại Điều 37, Điều 38 (Chương III). Các nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện và nâng cao vị thế, vai trò, mục tiêu phát triển cũng như các chế định về chính sách khoa học và công nghệ, trách nhiệm của nhà nước trong phát triển khoa học và công nghệ; Quyền con người trong nghiên cứu khoa học, công nghệ; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, MTTQ Việt Nam.

Cùng với xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (Điều 61), tại Điều 62, Chương III, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.”

Hiến pháp 2013 đã đưa vai trò của khoa học và công nghệ từ vị thế giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước (Hiến pháp 1992) lên vị trí Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước . Vai trò “quốc sách hàng đầu” về phát triển khoa học và công nghệ được nâng lên đặt ngang tầm với giáo dục và đào tạo, phù hợp với định hướng cơ bản và những giải pháp chủ yếu nêu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”.

Quyền con người trong nghiên cứu khoa học, công nghệ: Con người được tự do nghiên cứu khoa học, tự do tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra các phát minh, sáng chế, sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất…tạo ra các sản phẩm công nghệ, công trình khoa học. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”. Để khẳng định rõ các quan điểm tự do sáng tạo trong lĩnh vực cơ bản đó, Hiến pháp sửa đổi quy định: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”(Điều 40).

Ngoài ra, vai trò khoa học và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả. Hiến pháp đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng… Hiến pháp ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người (Điều 43); đồng thời, quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Hiến pháp cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).

Với vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến Pháp 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể phát triển các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳng định “Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.78.

Nguyễn Văn Thanh