Góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp đó là việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay với 3 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp đã có 135 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó đã có 77 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Cùng với sự phát triển các khu, cụm công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỷ thuật như cảng biển, hệ thống đường, điện, nước, thông tin liên lạc... tại các khu vực này cũng phát triển theo, thêm vào đó là đã hình thành được một đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật lao động cao.
Tuy nhiên, hiện nay các khu, cụm công nghiệp khi được xây dựng và đi vào hoạt động đã bộc lộ những hạn chế đối với môi trường, cụ thể:
- Về nước thải:
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp chưa chú trọng đầu tư các hệ thống xử lý môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải. Có cơ sở sản xuất đầu tư hệ thống xử lý nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả; ý thức của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao; chưa có các chế tài đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ đang sản xuất trong làng nghề chuyển ra cụm công nghiệp…. Các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên xả thải trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
- Về không khí:
Bên cạnh một số dự án hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại thì phần lớn là sử dụng công nghệ lạc hậu nên trong quá trình đốt nhiên liệu tạo năng lượng cho hoạt động sản xuất như than, dầu FO, sự rò rỉ trong quá trình sản xuất như phun sơn, đánh bóng sản phẩm gỗ, khí thải từ lò đúc...
gây ô nhiễm môi trường không khí
. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Nồng độ bụi tại hầu hết các điểm quan trắc xung quanh các khu, điểm, cụm công nghiệp đều vượt ngưỡng quy định, thậm chí một số điểm còn vượt tới 3 - 4 lần”.
- Về chất thải rắn và chất thải nguy hại:
Hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đã phát sinh một lượng không nhỏ chất thải rắn và chất thải nguy hại. Đối với loại chất thải này hầu hết các cơ sở sản xuất đã quan tâm đến vấn đề thu gom và phân loại, lưu giữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tỷ lệ chất thải nguy hại ít như nước thải lẫn dầu mỡ, giẻ lau nhiễm dầu, bóng đèn huỳnh quang, pin, bình ắc-quy... đã để lẫn với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, do hầu hết các khu, cụm công nghiệp chưa có điểm tập trung thu gom và chưa có bãi chôn lấp chất thải nguy hại nên việc thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp. Như Công ty TNHH VLXD Trung Nam các chất thải rắn hiện nay đang để một góc do không cho chỗ tập kết xử lý.
Thực trạng các vấn đề ô nhiễm nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Tuy nhiên nguyên nhân nổi cộm là hiện nay đa số các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phát triển không đồng bộ với các điều kiện kỷ thuật về môi trường; việc áp dụng sản xuất sạch hơn và công nghệ thân thiện môi trường tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế nên kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải.
Khắc phục những hạn chế này, đồng nghĩa với việc phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây sẽ là nhiệm vụ khó thực hiện, nhất là với các cụm đang có nhiều dự án hoạt động vì nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế; việc yêu cầu các nhà đầu tư đang triển khai dự án đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng theo cam kết gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cụ thể, thiếu phương án khả thi. Bên cạnh đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại do việc đầu tư hạ tầng cần số vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài và khả năng sinh lợi thấp... dẫn đến một "vòng luẩn quẩn" của sự phát triển thiếu bền vững.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp:
Thứ nhất,
đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước đối với hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, trong đó cần chú trọng tuyên truyền việc thực hiện Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Thứ hai,
tăng cường công tác xã hội hoá đối với các hoạt động đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong đó cần xác định lộ trình, chủ đầu tư, nguồn vốn trong từng giai đoạn cụ thể; đặc biệt là xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng, trong đó có chính sách xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp.
Thứ ba,
trong quá trình quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp cần bố trí các khu chức năng phải hợp lý, khoa học, giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xunh quanh; tỷ lệ diện tích trồng cây xanh trong các khu, cụm công nghiệp tối thiểu phải bằng 10% tổng diện tích khu, cụm công nghiệp.
Thứ tư,
Các cơ sở sản xuất đầu tư vào khu, cụm công nghiệp cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh được phê duyệt hoặc xác nhận đăng ký và phải thực hiện nghiêm túc. Bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động làm việc trong cơ sở sản xuất.
Thứ năm,
có các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động và khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm thực hiện tốt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Thứ sáu,
tăng cường, phối hợp giữa các ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp...
Nguyễn Đức Hà - Sở Công thương Hà Tĩnh