Bước sang thời đại kinh tế tri thức, cùng với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thì việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến vào mọi quá trình sản xuất là yêu cầu đặt ra bức thiết đối với đất nước cũng như từng địa phương. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiến, phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi lực lượng trong xã hội để không ngừng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhanh chóng hội nhập với thế giới, ngày 14/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 165/2006/QĐ/TTg về tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong toàn quốc. Hội thi nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân trên mọi lĩnh vực của sản xuất đời sống, với phương châm: Năng suất, chất lượng, hiệu quả, rút ngắn các quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Hội thi được tổ chức hai năm một lần. Chính phủ cũng đã giao cho Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật (LHHKHKT) Việt Nam, Bộ khoa học và Công nghê, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp, chỉ đạo, tổ chức trên phạm vi cả nước. Hội thi sáng tạo kỹ thuật đã được tất cả các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thành công, hội tụ được nhiều tài năng quần chúng.
Thực hiện sự chỉ đạo của LHHKHKT Việt Nam, Bộ khoa học và Công nghệ những năm trước đây và đặc biệt là từ khi có Quyết định của Chính phủ, của UBND tỉnh, LHHKHKT, Sở khoa học và Công nghệ, Liên đoàn lao động và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tổ chức Hội thi, tạo được phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sâu rộng trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Qua 5 lần tổ chức, Hội thi thực sự là phong trào thi đua lao động sáng tạo, thu hút được nhiều cán bộ, quần chúng nhân dân tham gia, góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế, quản lý xã hội. Nhiều công trình sáng tạo, đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn được ứng dụng vào sản xuất, đời sống đem lại doanh thu, thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý của các ngành, các cấp chính quyền.
Nhiều đề tài được ứng dụng đã đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp như: "
Nghiên cứu, chế biến thuốc Hoàn Xích Hương"
của bác sỹ Trần Xuân Dâng chuyển giao cho Công ty Dược và thiết bị y tế Hà Tĩnh để sản xuất thuốc chữa bệnh U xơ tuyến tiền liệt, có hiệu quả, được bán rộng rãi trên thị trường cả nước;
"Nghiên cứu sản xuất viên nén bao phim IBUPROPHEN 400mg đạt tiêu chuẩn về độ hoà tan theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam III"
, của dược sỹ Võ Đức Nhân, Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế Hà Tĩnh;
"Nghiên cứu sản xuất Dolomite thay vôi sản xuất lạc"
của anh Đặng Tuấn Dũng, công nhân Xí nghiệp Hoá chất Thạch Hà, đã sản xuất thành công sản phẩm giàu vi lượng, thay vôi bón cho lạc, góp phần nâng cao năng xuất, sản lượng; "
Công nghệ sản xuất Zicon 65% Zr0
2
có hàm lượng tạp chất Ti0
2
và Fe
2
0
3
" của kỹ sư Nguyễn Hoành Sơn và các tác giả thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh có giá trị thực tiễn, được ứng dụng vào sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế cao cho Tổng công ty, đề tài này đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ IX về lĩnh vực công nghiệp, là một trong năm giải nhất của quốc gia.Giải pháp
"Cải tiến tủ cấp đông tiếp xúc thành tủ lưỡng chức năng đông lạnh"
của kỹ sư Nguyễn Mạnh Tường, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh, thực hiện việc tiết kiện điện năng và các chi phí sản xuất, ước tính trên 800 triệu đồng mỗi năm; Giải pháp
"Cải tiến tay bấm hàn cơ động"
của tác giả Trần Hữu Lượng, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, Thị trấn huyện Cẩm Xuyên tiết kiệm được sức lao động và chi phí sản xuất.
Không chỉ có lợi ích về kinh tế, các sáng kiến kinh nghiệm, các công trình, sản phẩm của ý tưởng sáng tạo đưa lại lợi ích to lớn về mặt xã hội thuộc lĩnh vực giáo dục, tin học … như đề tài
"Ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác quản lý bảo hiểm xã hội"
của tác giả Nguyễn Đình Vân thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng triển khai, ứng dụng trong toàn quốc. Sáng kiến
"Bộ thí nghiệm quang học phản xạ, khúc xạ toàn phần và tán sắc ánh sáng"
của thầy giáo Phan Đình Thành, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao và được cấp bằng lao động sáng tạo, được Bộ giáo dục và Đào tạo ứng dụng để sản xuất đồ dùng giảng dạy trong các trường THPT. Trong hội thi sáng tạo kỹ thuật huyện Cẩm Xuyên năm 2009 vừa qua, nông dân Bùi Văn Võm với sáng kiến bàn trượt cắt rạ đã đạt giải nhất Hội thi, từ ý tưởng sáng tạo này hàng ngàn chiếc bàn trượt đã được sản xuất phục vụ bà con nông dân trong tỉnh …
Nhìn một cách tổng thể qua 5 lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh, những kết quả đạt được vượt ra ngoài sự mong đợi. Hội thi đã khơi dậy được sự sáng tạo vô tận trong các tầng lớp nhân dân, thu hút được nhiều thành phần tham gia, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong quần chúng, trong đó các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, tham gia với nhiều đề tài, giải pháp có tính mới, sáng tạo, có khả năng ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Hội thi sáng tạo kỹ thuật là sân chơi hấp dẫn, cơ hội thuận lợi, kích thích tiềm năng sáng tạo không ngừng, vô tận trong mỗi con người.
Tuy nhiên qua 5 lần tổ chức, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh còn bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế trong khâu tuyên truyền, phát động, tổ chức, chỉ đạo, sự phối hợp liên ngành … nên một số ngành, một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến hoạt động này. Số lượng các công trình, giải pháp, sản phẩm của ý tưởng sáng tạo chưa nhiều, tính hiệu quả và khả năng ứng dụng chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chưa thực sự chú ý đúng mức đến hoạt động này. Nhiều huyện, thành phố, thị xã như huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thị xã Hồng Lĩnh, Thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội thi kịp thời, đúng quy trình, có nhiều công trình, sản phẩm có chất lượng nhưng cũng có một số huyện chưa thực sự quân tâm, ngoài cuộc. Một số ngành như giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn … phát động và tổ chức Hội thi khá thành công song cũng có những ngành chưa có giải tham gia. Một hạn chế đáng nhắc đến là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa chú ý nhiều đến hoạt động sáng tạo kỹ thuật trong đơn vị mình. Việc ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các đề tài, giải pháp đã thực hiện thành công trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp.
Hưởng ứng phát động Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI (2010 - 2011) các ngành, các cấp từ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, đang triển khai thực hiện. Để đảm bảo ý nghĩa của Hội thi và mục đích hoạt động sáng tạo kỹ thuật hướng tới, ngoài sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cần có sự phối hợp tuyên truyền, chỉ đạo, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tổ chức để hội thi không dừng lại ở phần hội, phần thi thố tài năng mà phải thực sự tạo được phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân hướng tới mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ nhận thức đến hành động, sáng tạo để phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh của từng cơ sở sản xuất, từng doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả vì sự nghiệp phát triển bền vững của chính đơn vị mình cũng như vì sự phồn vinh, giàu mạnh của quê hương.
Ths. Nguyễn Xuân Thiều - PCTTT Liên Hiệp các Hội KHKT Hà Tĩnh