Học trò xứ Nghệ ở đất Thăng Long

Nhà Lý dựng nghiệp, dời đô ra Thăng Long, mở mang việc học… Buổi này, Thanh, Nghệ còn là đất trại xa xôi, chữ nghĩa chỉ được truyền dạy trong các chùa. Để khuyến khích việc học ở nơi biên viễn, vua Trần Thái Tông cho đặt thêm học vị Trại trạng nguyên - Trạng nguyên vùng đất trại, bên cạnh Kinh trạng nguyên - Trạng nguyên vùng kinh kỳ. Nhưng chỉ sau khoa Bính thìn (1256) lấy đỗ hai Trại trạng nguyên Trương Xán và Bạch Liêu, học vị Trại trạng nguyên bãi bỏ vì học trò đất trại đã có thể đua tài với học trò đất kinh kỳ. Đến khoa ất hợi (1275) một học trò đất trại là Đào Tiêu (quê xã Bà Hồ, huyện Chi La, nay là Yên Hồ, Đức Thọ) đã chiếm bảng Trạng nguyên, đứng trên thám hoa Quách Nhẫn, người Kinh Bắc…
Với tài học của mình, học trò xứ Nghệ (Nghệ Tĩnh) dần dần có vị trí ngày càng nổi ở kinh kỳ Thăng Long. Bài viết này chỉ nêu lên một số tên tuổi qua câu chuyện lưu truyền trong sử sách và trong dân gian, tiêu biểu cho truyền thống học hành của nhân dân xứ Nghệ.
Hồ Tôn Thốc, người xã Thổ Thành (nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, đỗ nhất giáp khoa thi đời Trần Nghệ Tông (1370-1371), lúc còn du học ở kinh kỳ chưa ai biết đến. Một hôm, có vị pháp quan họ Lê treo đèn kết hoa, mở tiệc mời các văn sỹ đến uống rượu vui chơi. Ông xin chủ nhân ra đầu bài rồi trong bữa tiệc ấy, làm luôn một trăm bài thơ. Các tân khách đều lấy làm thán phục. Từ đó, ông nổi tiếng ở kinh sư, mọi người đều tôn trọng, và ngày nào ông cũng uống rượu, làm thơ. Ông còn là nhà sử học. Trong bài tựa sách sử ký, nhà sử học Ngô Sỹ Liên viết: “Duy có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tôn Thốc làm ra, chép việc thận trọng mà có phép, bàn việc thiết đáng mà không thừa. Nhưng sau cuộc binh hoả, sách ấy không truyền lại nữa”. ( Theo Nghệ An ký )
Người học trò xứ Nghệ thứ hai thời Trần cũng là nhà văn học, nhà sử học. Đó là Sử Hy Nhan (1421) người xã Bình Lãng, huyện Phỉ Lộc (nay là xã Đức Thuận, T.X Hồng Lĩnh), đỗ Trạng nguyên đời Trần Dụ Tông (Theo Sử Công di tập , T.S Nguyễn Hoằng Nghĩa dẫn trong Quan dư tạp lục ). Ông theo học ở Thăng Long, nổi tiếng về bài phú Gươm chém rắn (Trảm xà kiếm phú) tương truyền là bài làm khi thi Đình và sách Đại Việt sử lược, được vua Trần ban khen. Người ta kể rằng: Có lần nhà vua bảo: “Nghe nói khanh làu thông sử, ta muốn nghe khanh đọc lại bộ Bắc sử”. Ông xin vâng mệnh. Vua sai quan nội giám đưa bộ sử ra, dở từng trang theo dõi. Ông đọc liên tục, trang này đến trang khác. Trước lúc tan buổi chiều, ông đã đọc xong bộ sử 27 quyển không sai sót một câu, một chữ…
Đầu đời Lê, có một bạch diện thư sinh làm nên sự nghiệp lớn. Đó là Bùi Cẩm Hổ quê xã Độ Liêu huyện Thiên Lộc (nay là xã Đậu Liêu, T.X Hồng Lĩnh). Cũng sách Nghệ An ký và một số sách khác chép: Hồi ấy, ông du học ở Kinh sư nghe chuyện một người đàn bà có chồng đi xa về, bèn nấu canh lươn cho ăn, chẳng may chồng chết nên bị buộc tội giết chồng. Biết chị kia bị oan, ông liền đến bộ Hình kêu xin cho được hiến kế tìm ra sự thật. Được bộ Hình đồng ý, ông cho người ra chợ chọn mua mấy con lươn da vàng đốm đen, khi bò thường ngóc cao đầu lên về nấu canh cho một tử tù ăn. Quả nhiên người tù ăn xong thì chết. Loài ấy không phải lươn mà là hoàng xà, có độc, chị kia không biết, mua lầm… Việc ông dũng cảm đứng ra minh oan cho người đàn bà được truyền khắp kinh thành, thấu đến Triều đình. Do đó ông được nhà vua tin dùng. Người học trò không qua con đường khoa cử ấy đã làm đến Đô đài ngự sử, Tham tri chính sự.
Một người học trò nghèo ở làng Thần Đầu, dưới chân đèo Ngang (nay là xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) là Lê Quảng Chí (1454-1533) phải vừa làm lụng kiếm sống, vừa dùi mài kinh sử, trở thành một nho sĩ có tiếng tăm ở kinh Thăng Long. Vào thi Đình, ông đỗ đầu bảng khoa thi Mậu tuất, năm Hồng Đức thứ 9 (1478). Xét văn tài thì ông xứng đáng là Trạng nguyên, nhưng thấy diện mạo xấu, nên vua Lê Thánh Tông chỉ lấy đỗ Bảng nhãn. Tuy nhiên, nhà vua rất trọng vọng, thường gọi ông bằng tiên sinh (thầy) mà không gọi khanh (nhà ngươi), và thường cùng ông đàm đạo văn chương, chính sự… Em ông là Lê Quảng Ý, noi gương anh, cũng học giỏi, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ mùi đời Cảnh Thống (1499). Về sau, dân lập đền thờ anh em ông ở quê nhà, gọi là đền “Hai quan Trạng”.
Từ ấy về sau, học trò xứ Nghệ ngày càng nổi tiếng ở kinh kỳ, có thể sánh ngang, có khi lấn át cả học trò tứ trấn.
Ở Thăng Long thường truyền lan những câu khen ngợi: “Bánh dẻo như văn Hoàng Trừng”, “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”.
Hoàng Trừng người xã Bình Lỗ, huyện La Giang (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ) nổi tiếng là danh sĩ ở kinh kỳ, đặc biệt văn chương của ông rất điêu luyện. ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Kỷ mùi đời Cảnh thống (1499).
Thời ấy, ở phố Cẩm Chi, Thăng Long bán loại bút lông thượng hảo hạng, được các nho sĩ ưa chuộng. Một người học trò huyện Thiên Lộc là Vũ Diệm, còn có tê Vũ Toại, cũng nổi tiếng kinh kỳ như vậy. Vũ Diệm/ hay Vũ Toại (1705) người xã Thổ Vượng (nay là Vượng Lộc, Can Lộc) là một trong “Tràng An tứ hổ” - Bốn học trò xuất sắc nhất ở kinh kỳ, gồm Quỳnh, Tân, Lân, Toại. Khoa Kỷ mùi đời Vĩnh Hựu (1739), Vũ Diệm, đỗ Đình nguyên tiến sĩ. Khi vào ứng chế, ông trả lời câu hỏi của vua Ý tông một cách tường tận xuất sắc. Vua định phê “đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh” (Bảng nhãn) nhưng lại ghi lầm thành “Đệ nhị giáp, đệ nhất danh” (Hoành Giáp). Ai cũng tiếc cho ông.
Xin chép thêm một giai thoại: Hồi ấy, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thường ở nhà tiếp khách thay cho ông anh Đoàn Luân. Ai được bà tiếp cũng vui lòng và coi là một vinh dự. Một hôm, “hổ” Toại rủ hai người bạn cùng đi học ở Quốc tử giám là Nhữ Đình Toản và Nguyễn Công Tái đều là học trò giỏi, đến xin yết kiến ông Đoàn Luân để lấy cớ gặp nữ sĩ. Khi ba thầy giám sinh vào nhà, bà Đoàn tỏ ra rất niềm nở, lịch sự. Lát sau, cô gái hầu bưng trầu ra mời khách, trên khay trầu có tờ hoa tiên, chữ đề rất bay bướm. Các thầy liếc mắt, thì ra đó là một vế đối rất hóc búa: Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang . “ Thiếu nữ ” vừa có nghĩa là “ cô gái ” lại có nghĩa “ gió xuân ”; “ Tân lang ” là “ chàng rể ” lại đồng âm với chữ “ tân lang ” là “ cây cau ”. Do đó có thể hiểu là Trước sân cô gái mời chàng rể hoặc Gió xuân thổi rụng cây cau trước sân .  Lối chơi chữ của bà Đoàn thật “ác”. “Hổ” Toại và hai ông bạn (sau này đều đỗ Tiến sĩ) vắt óc nghĩ, nhưng không tài nào đối được, đành ra hiệu cho nhau “tẩu vi thượng sách”, lấy cớ ông Đoàn Luân đi vắng, xin phép cáo từ!...
Thế kỷ XVIII còn có một bảng “Tràng An tứ hổ” nữa gồm Sỹ Bồi, Sỹ Bạt, Quang Hiển, Tất Đạt, trong đó ba người là học trò Thiên Lộc. Nguyễn Sỹ Bồi, Nguyễn Sỹ Bạt là cháu Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai ở phường Phù Lưu, và Trần Quang Hiển ở Bạt Trạc.
Rồi những Phạm Vĩ Khiêm “nổi tiếng hay chữ”, Nguyễn Huy Oánh “văn chương mực thước”, Nguyễn Huy Tự “thiếu niên đa tài nghệ”… được tụng truyền không chỉ ở kinh kỳ mà hầu khắp cả nước… Cuối cùng, xin nói về ba người xứ Nghệ sinh trưởng ở Thăng Long, là học trò xuất sắc lớp sau cùng của kinh kỳ. Hai chú cháu Nguyễn Du, Nguyễn Hành quê Tiên Điền, Nghi Xuân, được xếp vào bảng “An Nam ngũ tuyệt”, và đặc biệt là con gái quê Hoàn Hậu - Quỳnh Lưu Hồ Xuân Hương là nữ danh sĩ, đầu thế kỷ XIX.
Thái Kim Đỉnh - Nhà nghiên cứu địa phương học