Hội làm vườn huyện Hương Sơn đồng hành giúp hội viên làm giàu

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân huyện Hương Sơn đã từng bước được nâng lên nhờ những đóng góp quan trọng của hàng trăm mô hình trang trại, gia trại. Thành công đó có sự đóng góp tích cực của Hội làm vườn huyện trong việc tư vấn, du nhập, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Đặng Xuân Đàn – PCT Thường trực Hộicho biết: Thời gian gần đây mặc dù điều kiện thời tiết ngày càng bất thuận: Lũ lụt, nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra, giá cả thị trường liên tục biến động, nhưng nhờ sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các chi hội cơ sở và các hội viên trong việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông - lâm - ngư nghiệp vườn đồi - vườn nhà, xây dựng kinh tế hộ, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất ngày càng được chú trọng. Thông qua các hội nghị, hội thảo đầu bờ, các buổi tập huấn, tham quan, phát các loại tài liệu, tờ rơi về xây dựng các mô hình điểm... chính vì thế các hội viên ngày càng nắm vững kiến thức về KHKT và ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Theo chân những người làm công tác Hội, chúng tôi đến trang trại ông Nguyễn Văn Hợi – xóm 6 xã Sơn Trường. Hơn 4 ha cây lâm nghiệp, trên 400 gốc cam các loại trĩu quả đang chờ đến ngày thu hoạch, 15 con hươu nhung chuẩn bị mùa cắt lộc mới cùng đàn gia cầm hàng trăm con. Truyền thống là gia đình thuần nông cùng với bản tính cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm cùng với chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc giao đất giao rừng cho nhân dân. Từ 4ha đồi núi ban đầu của dự án trồng rừng Việt Đức vào năm 1999, với những khó khăn ban đầu về đồng vốn, sự nghèo nàn về kiến thức khoa học kỹ thuật, nhưng nhờ được tham gia những lớp tập huấn do các Hội tổ chức cùng với những kinh nghiệm học hỏi của những người đi trước đã trang bị cho ông Hợi những kiến thức cơ bản, đặc biệt là cách trồng cây cam bù truyền thống và nuôi hươu sinh sản, lấy nhung. 5 năm trở lại đây mỗi năm trừ chi phí đầu tư gia đình ông Hợi còn thu về khoảng 150 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Hợi còn vận động các hội viên thành lập hợp tác xã Cam Nhung nhằm phát huy sức mạnh tập thể để sản xuất hàng hoá mở rộng thị trường tiêu thụ.
Rời Sơn Trường, chúng tôi đến trang trại của anh Nguyễn Xuân Linh ở Sơn Mai. Hiện nay anh đã trồng được gần 500 gốc cam bù và các loại cây ăn quả khác trên sườn đồi, ven chân đồi gần 2ha là đồng cỏ đủ nuôi hàng trăm con bò và hàng ngàn m 2 mặt nước để nuôi cá... Đất không phụ công người, mỗi năm gia đình anh Linh thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Hội làm vườn huyện Hương Sơn, đến nay, toàn huyện đã có 265 chi hội làm vườn, hội viên 15.350 sở hữu 275 trang trại và gia trại có diện tích từ 2ha trở lên. Nhiều mô hình làm kinh tế VACR cho thu nhập cao, trong đó có 70 mô hình cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng, 20 mô hình thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài trồng cây ăn quả, chăn nuôi cũng là thế mạnh đang được bà con nông dân phát huy. Hiện, toàn huyện Hương Sơn có 21.000 con hươu,  29 ngàn con lợn, 32,6 ngàn con bò (lai chiếm 40%) và trên 13 ngàn con dê.
Trong niềm vui sau mỗi lần thu hoạch, các hội viên nông dân ở Hương Sơn thầm cảm ơn Hội làm vườn đã đưa tiến bộ KHKT đến với các hộ làm vườn, giúp họ vươn lên chiến thắng đói nghèo.

Tùng Sơn