Hội nghị CG thảo luận về tái lập ổn định kinh tế vĩ mô

Các đối tác phát triển của Việt Nam một lần nữa khuyến nghị, Việt Nam cần tái lập ổn định kinh tế vĩ mô và cam kết mạnh mẽ, minh bạch hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
“Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ người nghèo, bảo vệ sản xuất và duy trì đà tăng trưởng hợp lý là nhiệm vụ, không chỉ là của năm nay, mà của cả giai đoạn 5 năm tới. Vì thế, Nghị quyết 11/NQ-CP sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngay cả trong năm 2012, cố gắng thực hiện lạm phát một con số thì mới đạt được ổn định kinh tế vĩ mô. Các năm 2013, 2014 sẽ đưa lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Nếu không làm được vậy sẽ khó ổn định kinh tế vĩ mô”.
Phát biểu tại hội nghị giữa kì Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), diễn ra vào thượng tuần tháng 6 vừa rồi tại Hà Tĩnh, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mặc dù đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, một hệ thống chính sách mà theo cách nói của bà là rất “tuyệt vời”, song vẫn không khỏi quan ngại khi những dấu hiệu bất ổn vĩ mô vẫn tiềm ẩn: lạm phát sau 5 tháng lên tới 12,07%, nhập siêu lớn (6,6 tỷ USD, bằng 19% kim ngạch xuất khẩu)…
“Việt Nam cần giải quyết có hiệu quả các vấn đề về cơ cấu kinh tế, tính bất ổn của kinh tế vĩ mô, để tạo ra môi trường cho tăng trưởng về lâu dài. Lạm phát có tác động tiêu cực, vì vậy quan trọng lúc này là phải kiểm soát lạm phát, đồng thời có một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, hiệu quả, tránh tình trạng người dân tái nghèo…”, bà Kwakwa nói.
Cùng chung nỗi lo, ông Benedict Bingham, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, một lần nữa khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tập trung hơn cho tái lập ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây là yếu tố quan trọng, nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững cho giai đoạn phát triển tiếp theo.“Mặc dù Chính phủ đã có những tiến bộ rất đáng hoan nghênh trong ổn định thị trường ngoại hối, thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng lạm phát vẫn còn đang ở xu hướng tăng lên. Lạm phát cơ bản cũng đang tăng lên và có khả năng tăng cao hơn nữa trước khi bắt đầu giảm vào cuối năm nay”, ông Benedict nói và nhắc tới tình hình về tiền đồng một lần nữa sẽ phải chịu áp lực trong bối cảnh không chắc chắn, liệu Chính phủ có muốn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, cam kết cũng cố tài khóa, và vẫn còn mối quan ngại về sức khỏe của khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp.
Thực tế, sau gần 4 tháng triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, các kết quả ban đầu đã được ghi nhận, rõ nét nhất là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm (chỉ còn 2,21% so với 3,32% trong tháng 4-PV), thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và chợ đen… Cùng với đó, trên nhiều mặt, như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển dịch vụ…đều đạt kết quả khả quan.
Không những vậy, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định cho dù đã chậm lại do bị ảnh hưởng của việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,6 %; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,6%; dịch vụ tăng 6,3%.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt nam Nguyễn Văn Bình đều khẳng định Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã bước đầu phát huy tác dụng.
Đồng quan điểm với các đánh giá, cũng như nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt nam trong thời gian qua, song các đối tác phát triển của Việt Nam cũng cho rằng, điều quan trọng là phải làm sao duy trì ổn định và bền vững kết quả đã đạt được. “không nên nóng vội nới lỏng chính sách, phải kiên trì thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP”, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nói.
Trong khi đó các vị đại sứ Anh, Austraylia, EU…, khi phát biểu tại Hội nghị thậm chí còn cho rằng, Nghị quyết 11/NQ-CP cần phải thực hiện dài hơn, cho tới hết năm 2012, để đảm bảo chắc chắn rằng, nền kinh tế ổn định trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khi trao đổi với báo giới trước thềm hội nghị CG cho rằng, Việt Nam chỉ nên nới lỏng chính sách khi lạm phát ở mức 1 con số, không còn chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do, và dự trữ ngoại hối đảm bảo cho khoảng 2,5 tháng nhập khẩu.
Hơn thế, điều mà các đối tác phát triển của Việt Nam trông chờ, đó là một cam kết mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ trong việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, trong việc tránh sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp thị trường, cũng như trong việc minh bạch hóa các thông tin kinh tế vĩ mô, như ngân sách, nợ công, nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Điều này, theo các đối tác phát triển, là để cũng cố niềm tin của các nhà đầu tư, vốn ít nhiều bị giảm sút trong thời gian qua.
Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên báo Đầu tư về việc giải ngân vốn ODA, bà Victoria Kwakwa cho rằng: “Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, cần đảm bảo rằng, các dự án nhận tài trợ khi gửi lên Ban giám đốc của chúng tôi phê duyệt phải sẵn sàng ở trạng thái có thể chuyển sang giai đoạn thực hiện. Phải chuẩn bị dự án thật kỹ. Một vấn đề nữa là năng lực của các địa phương còn hạn chế, do vậy, giải pháp là tăng cường làm việc với Trung ương và cả địa phương để tăng cường năng lực cho họ. Chuyện hài hòa hóa thủ tục, quy trình, đặc biệt trong thủ tục quản lý tài chính và đấu thầu mua sắm, cũng cần được cải thiện. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều, vì vậy, cả hai bên, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, đều phải cố gắng hết sức để cải thiện tỷ lệ giải ngân”.
Khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ trong ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các nhà tài trợ rằng, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ được thực hiện quyết liệt cho tới khi kinh tế vĩ mô ổn định trở lại.
Dương Thanh Tùng- Báo Đầu tư