Thực tiễn đã chứng minh, công tác hỗ trợ nông dân không tách rời các Phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng" do Nghị quyết Đại hội đại biểu Nông dân toàn quốc lần thứ IV đề ra, góp phần nâng cao chất lượng phong trào bằng sự gắn kết trong việc đáp ứng nhu cầu về lợi ích chính đáng của hội viên nông dân với việc xây dựng, phát triển tổ chức Hội.
Bước đầu thực hiện công tác hỗ trợ nông dân, Hội đã gặp không ít khó khăn, lúng túng do cán bộ Hội chưa quen với việc hoạch định, cũng như quản lý, điều hành các hoạt động, các dự án hỗ trợ, một số cấp uỷ chính quyền cho rằng Hội " đá lạc sân". Điều đó làm một bộ phận cán bộ, hội viên nản lòng. Song, nhận thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ hỗ trợ, Đảng đoàn, Ban Chấp hành Hội Nông dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn đổi mới cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện. Hội đề ra phương châm " mọi hoạt động tập trung về cơ sở, đến tận chi hội, hội viên", thực hiện liên kết 4 nhà "nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp" để huy động nguồn lực hỗ trợ nông dân xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Xác định cái mà nông dân cần là vốn, vật tư và kiến thức để phát triển sản xuất. Về kiến thức khoa học sản xuất, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh đã chủ động liên kết với các trường, các trung tâm, các Sở, ban, ngành để tổ chức các lớp tập huấn về khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật tại cộng đồng cho bà con nông dân. Đó là các lớp tập huấn về: kỹ thuật canh tác trên đất dốc, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến hệ thống kỹ thuật thâm canh trên cây lúa, các khoá huấn luyện về Khởi sự và quản trị doanh nghiệp... Kết quả 5 năm qua đã tập huấn được hơn 415.000 lượt người. Ngoài ra Hội còn chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chuyến học tập thực tế trong và ngoài nước cho cán bộ và hội viên nông dân để học hỏi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư; xây dựng website giới thiệu nông sản Hà Tĩnh...
Về vốn và vật tư nông nghiệp, Hội đã bám vào các văn bản liên tịch 235, 2308 về phối hợp cho vay vốn giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam với Trung ương Hội và Quỹ hỗ trợ nông dân để chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác phối hợp cho hội viên nông dân vay vốn. 5 năm qua tổng doanh số vốn vay đạt gần 3.000 tỷ đồng, có gần 113.000 hộ được vay vốn. Đến nay dư nợ các nguồn vốn do Hội phối hợp quản lý đạt hơn 1200 tỷ, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2003. Có trên 1000 hộ nông dân được hỗ trợ lãi suất mua máy cày trả chậm. Cùng với việc phối hợp cho vay vốn, Hội đã hợp đồng với các nhà máy sản xuất phân bón, thức ăn gia súc mua sản phẩm về bán cho nông dân dưới hình thức trả chậm, nhằm giúp cho bà côn nông dân sản xuất kịp thời vụ, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Số lượng phân bón Hội cung ứng 5 năm qua là 214.000 tấn, thức ăn gia súc, gia cầm 22.000 tấn. Hội mạnh dạn liên kết đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất . Kết quả, có trên 500 mô hình sản xuất kinh doanh do Hội trực tiếp đầu tư, đó là các mô hình nuôi lợn rừng, ba ba, lợn thương phẩm, cây ăn quả, lúa, vịt, bò nuôi nhốt, làng nghề tiểu thủ công nghệp…các mô hình này đạt kết quả tốt, một số đã được nhân rộng.
Cùng với việc phối hợp cho vay vốn, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, Ban Thường vụ Tỉnh hội còn phối hợp tổ chức nhiều nghiên cứu để làm cơ sở khuyến nghị chính sách và xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ nông dân, như: Phân tích cộng đồng về sinh kế của nhóm nông dân bị mất đất…, Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa, Quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Phương pháp canh tác lúa, Hệ thống thông tin 2 chiều, Sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, Các giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho 2.137 người.
Các hoạt động trên được triển khai rộng khắp các vùng miền, các cơ sở Hội, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên nông dân. Đây là một trong những cách thức thu hút tập hợp hội viên, xây dựng Hội vững mạnh, nâng cao vị thế của Hội, củng cố niềm tin của nông dân đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền.
Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh đang đặt ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2013 Hội Nông dân Hà Tĩnh là một tổ chức phát triển vững mạnh toàn diện, được Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương thừa nhận đã thành công trong việc tạo công ăn việc làm ổn định và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nông dân. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân gắn với các nội dung Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của BCH Trung ương Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh để Hội thực sự đóng vai trò là trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và nông thôn. Tuy nhiên để có nguồn lực giúp các cấp Hội hỗ trợ nông dân và chủ động tham gia vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng tôi mong rằng Trung ương và tỉnh cần có chính sách giao cho Hội một số chương trình phát triển trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Hội.
Dương Trí Thức
Hội Nông dân tỉnh