Hà Tĩnh là một trong những địa phương điển hình với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như Bưởi Phúc Trạch, Cam Bù Hương Sơn. Cam Bù là giống cây ăn quả đặc sản, được Bộ NN-PTNT công nhận là loại cây ăn quả chất lượng cao và được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gen.
Là giống cây bản địa, có từ lâu đời trên vùng đất Hương Sơn, phụ thuộc nhiều vào chất đất và các yếu tố vi lượng trong đất, cũng như đặc điểm về khí hậu, địa lý, Cam Bù Hương Sơn khi chín có mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt, có màu đỏ da cam, nhiều nước, tép quả và nước quả có màu hồng.
Cam Bù là giống chín muộn, thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Vì vậy, đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho người nông dân huyện Hương Sơn trước đây cũng như hiện nay.
Xác định được những tiềm năng, lợi thế của cây Cam Bù trong việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã có chiến lược cụ thể phát triển cây Cam Bù trong thời gian tới. Ngày 7/5/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1235/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các loại cây trồng vật nuôi chủ yếu tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Theo đó, kế hoạch sản xuất cây Cam Bù trong thời gian tới sẽ là: phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Bù lên 1.177 ha vào năm 2020 ở 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang. Tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển các trang trại sản xuất cam Bù có quy mô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, những năm vừa qua, bà con nông dân Hương Sơn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là nguy cơ thoái hoá giống, sâu bệnh, thiên tai,... đặc biệt là bệnh vàng lá greening đã làm cho diện tích trồng bị thu hẹp. Là đặc sản quê hương, nhưng người dân nơi đây vẫn đang bế tắc trong quy trình sản xuất. Mặc dù đã có các chính sách phát triển nhưng hiện nay hình thức trồng cam vẫn theo quy mô hộ gia đình, canh tác theo phong tục tập quán, kinh nghiệm dân gian mà chưa có quy trình kỹ thuật cụ thể.
Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề hết sức khó khăn. Hiện tại, nguồn tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là do các lái thương nên mặc dù năng suất cao nhưng lợi nhuận thu lại thì không đúng với giá trị thực của Cam Bù Hương Sơn, dẫn đến thiệt thòi cho người nông dân trồng cam. Trên thực tế, Cam Bù Hương Sơn là đặc sản được nhiều người biết đến nhưng lại chưa được quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa được quản lý, danh tiếng của Cam Bù ảnh hưởng chưa rộng.
Để bảo tồn nguồn gen cần có những chính sách cụ thể, quy hoạch mở rộng quy mô vùng trồng Cam, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất. Song song với việc đó cần xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho đặc sản Cam Bù Hương Sơn là việc làm cấp thiết, nhằm khẳng định thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Sở KH&CN Hà Tĩnh đã trình Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ Dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cam Bù Hương Sơn cho sản phẩm cam quả của huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh”. Như tên gọi, mục tiêu của dự án là tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Cam Bù Hương Sơn” cho sản phẩm cam quả của huyện Hương Sơn. Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cam Bù Hương Sơn”; đồng thời đề xuất nội dung, phương pháp tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu công nghiệp cho sản phẩm ”Cam Bù Hương Sơn” thông qua việc xây dựng quy chế tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận (NHCN); Bảo vệ quyền và nâng cao năng lực về quản lý NHCN; Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất “Cam Bù Hương Sơn”.
Dự án cũng sẽ nghiên cứu thí điểm mở rộng thị trường sản phẩm Cam Bù Hương Sơn, công bố chất lượng, đăng ký mã vạch, mã số để có thể đem Cam bù Hương Sơn vào các siêu thị lớn trên toàn quốc, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Để bảo hộ, phát triển và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Cam Bù thành công, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện của các ngành, các cấp thì việc người dân trồng cam nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển đặc sản của địa phương là hết sức cần thiết và củng là nhu cầu chính đáng trong việc phát triển tài sản tri thức truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó các hộ sản xuất cần thống nhất tự quản lý sản phẩm của mình, bảo vệ lợi ích, uy tín đặc sản địa phương thông qua tham gia thành lập các tổ chức như Hội, hiệp hội sản xuất, HTX,… nhằm thống nhất trong việc quản lý và phát triển sản phẩm đặc sản của quê hương./.
Chí Dũng