Là một cơ quan chuyên ngành, Viện Nghiên cứu Rau quả (NCRQ) đã và đang triển khai có hệ thống một số nội dung nghiên cứu về cây bưởi Phúc Trạch như: bình tuyển, lưu giữ cây đầu dòng; đặc điểm nông sinh học, nghiên cứu ảnh hưởng các yếu tố thời tiết, ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật (bón phân, cắt tỉa, sử dụng chất điều tiết sinh trưởng, khoang vỏ, tưới nước và thụ phấn bổ sung,…) đến năng suất, phẩm chất bưởi Phúc Trạch. Có thể tóm tắt một số kết quả nổi bật như sau:
Trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu các giải pháp KHCN và kinh tế, xã hội phát triển cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa" do Bộ NN và PTNT quản lý, Viện tiến hành tuyển chọn lại cây giống bưởi Phúc Trạch. Sau 3 năm (2002 – 2004) theo dõi và đánh giá năng suất, chất lượng của 30 cây được tuyển chọn từ hội thi cây giống bưởi Phúc Trạch năm 2002, Viện đã bình tuyển được 10 cây giống ưu tú có năng suất cao, ổn định, mang đầy đủ các đặc trưng của giống bưởi đặc sản (khối lượng quả từ 807 đến 1.327 gam ; số hạt/quả từ 37 đến 140 ; tỷ lệ phần ăn được từ 45 % đến 58% ; độ Brix từ 10% đến 11,5%,..). Những cây giống này đủ tiêu chuẩn làm cây đầu dòng/giống gốc làm thực liệu cho nhân giống phục vụ sản xuất, cải tiến năng suất, chất lượng của các vùng bưởi hiện đang trong tình trạng thoái hoá.
Nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thời tiết đến ra hoa, đậu quả, Viện đã tiến hành theo dõi một số thời kỳ vật hậu của bưởi Phúc Trạch, thu thập, phân tích các đặc trưng thời tiết của huyện Hương Khê trong 10 năm (1997 – 2007), kết hợp với việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như
Lgtag
; Tanytalk đo ngay tại vườn. Kết quả cho thấy điều kiện thời tiết ở Hương Khê rất bất lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả của cây bưởi Phúc Trạch. Để đánh giá đúng ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đến khả năng ra hoa, đậu quả của bưởi Phúc Trạch Viện đang tiếp tục có những nghiên cứu tiếp theo.
Song song với các nội dung trên, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được Viện triển khai nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất bưởi Phúc Trạch (kỹ thuật bón phân, cắt tỉa, sử dụng chất điều tiết sinh trưởng, khoang vỏ, tưới nước và thụ phấn bổ sung,..). Nổi bật trong các nghiên cứu trên là thụ phấn bổ sung, sau 2 năm nghiên cứu (2006 và 2007), kết quả thí nghiệm chỉ ra rằng: tỷ lệ đậu quả của công thức thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch bằng phấn hoa được lấy của cùng giống bưởi Phúc Trạch không có sự sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê so với đối chứng không thụ phấn bổ sung. Thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch bằng phấn hoa của cây bưởi trồng bằng phương thức gieo hạt (bưởi chua) có tác rụng rõ rệt trong việc nâng cao tỷ lệ đậu quả qua đó nâng cao năng suất (cao gấp 6 đến 8 lần so với đối chứng), đặc biệt trong những năm điều kiện thời tiết bất thuận. Một số chỉ tiêu cơ bản về phẩm chất quả như số hạt/quả, tỷ lệ phần ăn được, hàm lượng đường, chất khô, vitaminC được khẳng định là không có sự sai khác giữa công thức thụ phấn và đối chứng.
Để có những kết luận chính xác, Viện đang tiếp tục triển khai một số nội dung nghiên cứu nhằm tìm nguyên nhân gây mất mùa bưởi Phúc Trạch một cách có cơ sở khoa học cũng như xây dựng được quy trình kỹ thuật khắc phục. Đặc biệt Viện đang phối hợp với sở KH&CN Hà Tĩnh triển khai dự án “
Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển bền vững cây bưởi Phúc Trạch tại vùng bưởi tập trung ở xã Hương Trạch – Hương Khê – Hà Tĩnh”
do UBND tỉnh Hà Tĩnh quản lý, Sở KH&CN Hà Tĩnh chủ trì, Viện là đơn vị chuyển giao công nghệ. Năm 2009 cây bưởi Phúc Trạch bị mất mùa nhưng mô hình được áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật của Viện vẫn cho tỷ lệ đậu quả khá tốt (bình quân 50 quả/cây 8 tuổi).
Trong những năm qua Viện Nghiên cứu Rau quả luôn phối hợp tốt với các đơn vị chức năng của tỉnh Hà Tĩnh trong việc nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân mất mùa của bưởi Phúc Trạch và biện pháp khắc phục. Mặc dù chưa chỉ ra được nguyên nhân cụ thể của hiện tượng mất mùa cũng như cần phải hoàn thiện thêm các biện pháp kỹ thuật canh tác nhưng những kết quả đạt được bước đầu có khả năng khắc phục hiện tượng mất mùa trắng của cây bưởi Phúc Trạch. Kết quả nghiên cứu này giúp mang lại niềm tin cho người trồng bưởi trong thời điểm hiện tại cũng như góp phần phát triển cây bưởi Phúc Trạch một cách hiệu quả, bền vững trong tương lai./.
TS.Ngô Hồng Bình
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả