Nhằm tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ sở sử dụng phương tiện đo nhóm 2 trong việc thực hiện Luật Đo lường, và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó khẳng định vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường đối với các cơ sở sử dụng phương tiện đo khối lượng, đồng hồ đo nước lạnh, thiết bị đo trong y tế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích, sức khỏe của người dân
Từ ngày 23/6/2014 đến ngày 22/8/2014, Đoàn Thanh tra do Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục TCĐLCL tỉnh và các phòng Kinh tế (kinh tế-hạ tầng) đã tiến hành thanh tra về đo lường đối với một số phương tiện đo nhóm 2 theo Quyết định số 549 QĐ/SKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh. Kết quả đã tiến hành thanh tra được 106 cơ sở quản lý và sử dụng 27.931 phương tiện đo (PTĐ), trong đó 3.070 PTĐ khối lượng (cân ô tô, cân bàn, cân kỹ thuật, cân đồng hồ lò xo), 24.550 đồng hồ đo nước lạnh được sử dụng để đo định lượng hàng hóa trong mua bán, thanh toán và 311 thiết bị đo dùng trong y tế (Huyết áp kế, máy điện tim, máy điện não, áp kế lò xo).
Qua thực tế kiểm tra, các loại cân đồng hồ lò xo, cân bàn, cân ô tô, huyết áp kế, áp kế lò xo, máy đo điện tim, điện não đều ghi đầy đủ các thông số kỹ thuật, cấu trúc của các phương tiện đo đều bảo đảm ngăn ngừa sự can thiệp dẫn đến làm sai lệch kết quả đo (ngoại trừ cân điện tử) và các phương tiện đo đều giữ nguyên kết cấu ban đầu. Riêng việc thực hiện kiểm định định kỳ PTĐ
:
Đối với các loại cân (cân đồng hồ lò xo, cân bàn, cân kỹ thuật, cân ô tô) chỉ có 52% được thực hiện kiểm định và có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực;
68%
đồng hồ đo nước lạnh
kiểm định còn hiệu lực;
Đ
ối với huyết áp kế, áp kế lò xò, máy đo điện não, máy đo điện tim: 20%
có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực
.
Từ kết quả thanh tra cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường của một số tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định và chứng chỉ kiểm định đã hết hiệu lực còn khá cao, chiếm tới 78,7%. Điển hình là việc sử dụng 249 PTĐ dùng trong y tế nhưng không kiểm định định kỳ; 1.445 cân đồng hồ các loại không thực hiện kiểm định định kỳ nhưng vẫn sử dụng để định lượng hàng hóa cho khách hàng với các hàng hoá là nhu yếu phẩm, thực phẩm của các hộ kinh doanh tại các chợ và 7.703 đồng hồ nước đã hết hạn kiểm định đang lắp đặt cho người tiêu dùng để sử dụng mua bán, thanh toán tiền nước. Nguyên nhân việc chưa chấp hành của các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở y tế khám chữa bệnh sử dụng phương tiện đo để chẩn đoán khám chữa bệnh nhưng không thực hiện kiểm định định kỳ (các phương tiện đo chủ yếu được kiểm định lần đầu của nhà sản xuất nhưng tại thời điểm kiểm tra đã hết hiệu lực, gồm huyết áp kế, nhiệt kế y học, máy điện tim, áp kế); các hộ kinh doanh trong chợ phần lớn chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về sử dụng cân trong giao dịch mua, bán phải kiểm định hàng năm; đối với đồng hồ đo nước lạnh, sau khi kiểm tra việc quản lý và sử dụng đồng hồ nước lạnh tại đơn vị, những khó khăn, bất cập trong việc thay thế đồng hồ đo nước lạnh để kiểm định định kỳ cho thấy phần lớn đồng hồ nước lạnh được lắp đặt trong cổng hàng rào của người tiêu dùng, có cái đặt sâu đến 50cm dẫn đến việc thay thế phải mất nhiều thời gian, hơn nữa tâm lý người dân không muốn thay thế đồng hồ đã quá hạn kiểm định vì phải đào phá làm hư hỏng sân, ngõ, hàng rào.... Qua thanh tra đã xử lý vi phạm 7 cơ sở về hành vi sử dụng chứng chỉ kiểm định PTĐ hết hiệu lực đối với 5 cơ sở và 02 cơ sở sử dụng PTĐ không có chứng chỉ kiểm định theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính 22 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng nói trên và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về đo lường phù hợp với quy định của Luật đo lường đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đo lường gắn với tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ sở sử dụng phương tiện đo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đo lường; triển khai kiểm tra định kỳ theo kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đo lường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, bảo đảm công bằng xã hội. Sở Y tế, UBND các huyện cần chỉ đạo các cơ sử dụng PTĐ nhóm 2 thuộc ngành mình, địa phương mình quản lý chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đo lường.
Nguyễn Xuân Kiên - Phó chánh thanh tra KH&CN