Để có một vị trí nâng Hà Tĩnh lên đứng tốp đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, điều phải khẳng định là môi trường đầu tư. Về phương diện này Hà Tĩnh có đủ tiềm năng và vị thế đắc địa.
Vị trí địa lý để kết nối huyết mạch với khối 8 tỉnh 3 nước Việt – Lào – Thái Lan thông qua đường 8 (Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), đường 12 (qua Cửa khẩu ChaLoo), nối cảng biển nước sâu Vũng Áng, cảng Sơn Dương trong tương lai – Đây là tiền đồn mở ra Đại Dương đã và đang diễn tiến theo một lộ trình mạch lạc hơn bao giờ hết. Cử ly, vận phí (nếu tính từ vùng Đông bắc Thái Lan về Vũng Áng) chỉ bằng 1/3 so với cảng Thái Lan.
Từ vị thế, tiềm năng này đã hình thành các khu kinh tế trọng điểm, các khu Công nghiệp, các khu kinh tế động lực như: Mỏ sắt Thạch Khê có trử lượng trên 500 triệu tấn với hàm lượng gần 60%. Mỏ sắt Vũ Quang có trữ lượng hàng triệu tấn. Khu kinh tế phi thuế quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – là đối trọng phía Tây, được xây dựng quy mô và cơ chế đặc thù theo quyết định của Thủ tướng chính phủ đang từng bước hình thành quy hoạch, mời gọi đầu tư để sớm biến nơi đây thành khu kinh tế động lực, đóng vai trò chính yếu trong kết nối với hành lang Đông Tây.
Điển hình là khu kinh tế và cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương là trung tâm luyện cán thép quốc gia và là trung tâm công nghiệp Bắc trung bộ. Hai cảng biển này đủ điều kiện tiếp nhận các hạm tàu từ 5 vạn tấn hiện nay và 30 – 40 vạn tấn tại cảng Sơn Dương trong một tương lai gần. Dư địa đầu tư của các khu kinh tế, khu công nghiệp khác như: Gia Lách, Hạ Vàng, Thạch Hà và các khu kinh tế, các điểm nhấn cho đô thị phía Bắc, phía Nam Hà Tĩnh chỉ mới khỏa lấp một phần nhỏ luôn luôn sẵn sàng trải thảm đỏ mong đợi các nhà đầu tư đến tìm vận hội làm ăn. Các đơn vị này sẽ mềm hóa, cởi mở, tạo sự hanh thông về thủ tục hành chính đối với các doanh nhân, doanh nghiệp thực sự mặn mà muốn đặt nền móng lâu dài...
Là một phóng viên được cơ quan Báo Đầu Tư giao trọng trách theo dõi và thu thập, cân đối thông tin tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tôi có dịp đi nhiều, nghe nhiều kể cả những lời so sánh, khen chê từ các lãnh đạo đứng đầu các tỉnh đến cán bộ, nhân dân nói về Hà Tĩnh. Xin dẫn lời của một vị lãnh đạo tỉnh đầu cầu phía Nam than phiền: “Trong khi Hà Tĩnh thu hút hàng chục tỷ vốn FDI thì chúng tôi dường như vẫn bằng không. Dự án xây dựng nhà máy bia chỉ có 15 triệu USD, đã hơn 6 năm rồi vẫn trầy trật, không thực hiện được. Tại tỉnh đầu cầu phía Bắc một số quan chức lại cho rằng: Kíp lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhiệt tình, năng động đến quyết liệt và mềm hóa trong “quan hệ đa chiều” nên lôi kéo được nhiều nguồn vốn đầu tư. Tất cả những ý kiến trên chỉ mới đúng vài, ba phần. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước không bao giờ nghĩ như thế. Tiêu chí của họ là bỏ tiền vào nơi mà họ sẽ hái ra tiền. Bởi hoạt động đầu tư không phải sự “tế bần” để thương cảm với một vùng quê nghèo, hoặc một sự chạy chọt, chia chác giữa các nhóm lợi ích. Giá như cảng Cửa Lò được thay vì cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương thì chắc rằng khu vực này đã “cất cánh” từ lâu. Và giá như mỏ sắt Thạch Khê ở một vị trí vùng sâu, vùng xa của một tỉnh nào đó kề cạnh thì biết đâu mọi sự đã diễn ra tốt đẹp thăng hoa từ nhiều năm trước. Tóm lại, điều tôi muốn nói là: Hà Tĩnh có đầy đủ các yếu tố về môi trường đầu tư: Tài nguyên, vị thế, tiềm năng và lòng dân để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Và tất nhiên phải kể đến sự nhiệt tâm, năng nổ của đội ngũ cán bộ đương nhiệm, các cấp tại địa phương đã quyết liệt trong hoạt động xúc tiến đầu tư và đặc biệt là Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị làm yên lòng dân, thỏa lòng dân trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) – lập các khu tái định cư (TĐC) tại cả vùng dự án để bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.
Đến nay không chỉ người Hà Tĩnh mà cả nước đã đánh giá cao hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Là một tỉnh được liệt vào diện nghèo, nguồn thu chỉ bằng một phần nhỏ của chi, lại là tỉnh có xuất phát điểm thấp... Vậy mà vài năm qua bỗng “chễm chệ ngồi lên chiếu trên”, ngang hàng với các bậc đàn anh trong lĩnh vực thu hút FDI - Sự kiện này được coi là một kỳ tích.
Xin dẫn trình những số liệu sống động tại các vùng kinh tế động lực: Cho đến giờ này, khu kinh tế Vũng Áng – Sơn Dương đã thu hút trên 70 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có 30 dự án đi vào hoạt động) với tổng nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn FDI lên tới trên 20 ngàn tỷ đồng. Trong đó tập đoàn FOMORSA đầu tư cho giai đoạn 1 xây hệ thống và cảng biển Sơn Dương và nhà máy luyện cán thép với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD (Riêng nhà máy cán thép cả 2 giai đoạn là 15 triệu tấn/ năm với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD); Tập đoàn TATA (Ấn Độ) đầu tư trong lĩnh vực cán phôi thép với tổng mức 4,5 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn/ năm; Dự án khu sinh thái nghỉ dưỡng Tàu Voi đầu tư 96 triệu USD; dự án kho xăng dầu và khí hóa lỏng của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nhằm cung cấp nhiên liệu cho khu vực BTB và các nước lân bang).
Công ty cổ phần thép Hà Tĩnh trong tương lai sẽ đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép liên hợp với công suất 4 triệu tấn/ năm. Tập đoàn Vạn Lợi với tổng mức đầu tư gần 2 ngàn tỷ VNĐ cho nhà máy luyện, cán thép 500 ngàn tấn/ năm (giai đoạn 2) Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư 4 nhà máy với tổng công suất 4.800MW, dự kiến đến quý III – 2010 sẽ đi vào hoạt động. Như vậy sản lượng thép của các nhà đầu tư kể trên theo lộ trình cam kết sẽ đạt tới 23,5 triệu tấn/ năm (trong những năm tiếp theo). Đó là chưa kể đến nhà máy lọc hóa dầu của tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) đã lập xong FS (dự án khả thi) vào Vũng Áng công suất 16 triệu tấn/ năm với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, hiện đang được chính phủ và các bộ ngành xem xét phê duyệt để cấp phép.
Hàng loạt dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang triển khai trên toàn tỉnh như: Xây mới Trường ĐH Hà Tĩnh, khách sạn và siêu thị BMC, nhà mày bia Toàn cầu, hoàn thành thủy lợi Đò Điệm (Thạch Hà), nhà máy bia Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ với công suất 50 tiệu lít/năm, nhà máy Dệt Hồng Lĩnh do Tổng công ty Dệt may Việt Nam làm chủ Đầu tư với mức 450 tỷ VNĐ.
Các dự án xây dựng khu đô thị phía Nam, phía Bắc Thành Phố Hà Tĩnh từng bước được hình thành. Theo đó năm 2010 ngành Giao thông sẽ triển khai dự án nâng cấp đường 8 từ Thị xã Hồng Lĩnh đến Cửa khẩu Cầu Treo với chiều rộng nền đường khoảng 35m. Đặc biệt dự án Đại thủy nông Ngàn Trươi – Cẩm Trang (tại huyện Vũ Quang) với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đang gấp rút thi công - Đây là dự án góp phần chủ đạo trong sự nghiệp “tam nông” của Hà Tĩnh
Trong lịch sử tỉnh nhà, chưa bao giờ Hà Tĩnh lập kỳ tích về thu hút Đầu tư trong và ngoài nước như ba năm qua. Đường hướng để đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông, pha ngư trở thành một tỉnh đi lên bằng con đường Công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch theo định hướng của Chính phủ: Hà Tĩnh là trung tâm luyện, cán thép Quốc gia, là trung tâm Công nghiệp Bắc trung bộ.
Mục tiêu định hướng rất mạch lạc, rõ ràng, tuy nhiên Hà Tĩnh còn phải nỗ lực phấn đấu vượt qua không ít thử thách, cam go.
Trong bối cảnh kinh tế chỉ mới chớm phục hồi, còn trăm ngàn điều phải đối mặt, cọ xát. Cuộc chiến GPMB, lập vùng TĐC cho nhân dân trong các vùng dự án chỉ mới là sự khởi đầu. Vấn đề trở nên bức thiết là tỉnh nhà phải bằng mọi giải pháp đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động có hàm lượng trí tuệ, lao động phổ thông đến hàng chục vạn người cho các dự án trọng điểm, các khu kinh tế và các hoạt động phụ trợ, thương mại, dịch vụ khác ...
Bức tranh đầu tư của Hà Tĩnh đã và đang hiện rõ cả một diện mạo tươi sáng. Dư địa để thu hút đầu tư tại Hà Tĩnh chưa được khỏa lấp đầy. Khoảng trống đó sẽ thay vì thông điệp gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước hãy hướng về vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế Hà Tĩnh.
Năm Canh Dần 2010 – Năm giao thoa để bước sang một thập niên mới – Mở đầu cho năm con hổ chắc chắn sẽ có nhiều biến động đổi thay lớn về đời sống kinh tế, chính trị - xã hội quốc gia và cũng là quỹ thời gian quý báu, kỳ vọng để Hà Tĩnh bứt phá, vượt lên từ nền tảng đã định hình, nhằm khắc họa và làm bừng sáng bức tranh đầu tư, sánh vai cùng các địa phương đứng tốp đầu cả nước về lĩnh vực này./.
Dương Thanh Tùng