Khảo cứu lễ hội vùng Nghi Xuân

Không thể khẳng định từ năm nào, thời nào, chỉ biết đến đầu thế kỷ XX (1900 - 1940) ở Nghi Xuân đã có nhiều loại hình lễ hội dân gian. Tuy chưa thật đầy đủ, song ít ra cũng đã có trên 25 loại hình lễ hội được các sách vở thư tịch và  truyền ngôn để lại. Có lễ hội năm 1 lần, có lễ hội 2 năm cũng có lễ hội 5, 6 năm một lần. Những lễ hội mang tính cộng đồng thì thường vào những ngày đầu năm. Còn các lễ hội khác được phân theo ngày lễ tết như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Vu lan, tết Trung thu…vv. Một số lễ hội lại theo mùa vụ, như lễ hội Hạ giá (xuống cấy) lễ Xá điền (sau vụ gặt), lễ mở cửa rừng, Hội Đánh vực v.v.

Với các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội hàng năm được tổ chức theo ngày sinh hoặc ngày mất của các vị thần. Lễ hội giỗ Mẫu mồng 3/3 (âl), giỗ ông Hoàng Mười mồng 10/10 (âl). Đặc biệt, năm trời hạn hán kéo dài có nguy cơ mất mùa thì nhân dân 8 xã trong vùng đứng ra tổ chức lễ Cầu Đảo ở đền Huyện (đền Huyện là nơi thờ Hoàng tử Lý Nhật Quang, con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ). Tương truyền khi tổ chức lễ cầu đảo thì trước đã phải có lễ rước thần rất long trọng từ đền Cương Khấu ở Cổ Đạm, Cương Gián thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí. Đền Chấn Long ở tổng Đan Hải, thờ Tam Lang Đại vương và thần đền Thượng (Tiên Cầu) thờ Tam Tọa đại vương cùng về đền Huyện mới được hành lễ. Sau khi lễ tất là trời đổ mưa cho nhà nông làm mùa, vạn vật sinh sôi phát triển.

Một số lễ hội khác thì theo tính chất ngành nghề như lễ Cầu Yên, Cầu Ngư của cư dân vùng biển. Lễ Xá tội - Vong nhân, có nơi gọi là Tế thập loại chúng sinh, ở làng Tiên Điền, lễ này phần lớn là do những gia đình làm nghề sát sinh bỏ tiền của đứng ra tổ chức để mong được xá tội sát hại súc vật. Kết thúc phần lễ có phần hội gọi là “đàn chẩn tế”. Đàn chẩn tế có nghĩa những phẩm vật trong ngày lễ người đi xem ai dành được thứ gì thì lấy thứ đó.

Cần nhiều thời gian để có những khảo cứu sát hơn về lễ hội (nguồn gốc, nội dung, hình thức tế lễ...) ở vùng Nghi Xuân, trong khuôn khổ của bài viết chúng tôi chỉ đề cập tới nội dung cơ bản của 2 lễ hội khá đặc trưng, đó là lễ hội Cầu Khoa ở xã Tiên Điền và lễ hội Khai Canh (dẫn hoa lễ phật diễn trò sĩ nông…) xã Xuân Thành.

1. Lễ Cầu Khoa.

Xã Tiên Điền trước đây có thời 3 làng: Làng Tiên Bào nay là xã Xuân Yên; làng Tiên Điền nay là xã Tiên Điền; làng Uy Viễn nay là thị trấn Nghi Xuân. Đây cũng là 3 làng có nhiều danh nhân, dòng họ khoa bảng. Họ Lê Tiên Bào, họ Nguyễn, họ Hà, họ Trần Tiên Điền, họ Đặng Uy Viễn. Ba xã này đều là vùng đất cát bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, năng suất cây trồng đất đai xấu kém. Vì thế trước đây để mưu cầu cuộc  sống ấm no các cụ đã khuyên bảo con cháu chịu khó dùi mài đèn sách để lập thân, lập nghiệp. Người học giỏi thi cử đỗ đạt thì ra làm quan, người không ra làm quan thì mở trường lớp dạy chữ, hoặc làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cũng có người làm thầy địa lý, tướng số. Nhờ vậy nhân dân trong vùng cuộc sống khá giả. Từ đó nhân dân trong làng đồng lòng đóng đậu tiền của xây dựng Văn Thánh để tôn thờ đạo học. Văn Thánh là nơi thờ đức Khổng Tử và những danh nhân khoa bảng nổi tiếng trong vùng (do Tể Tướng Nguyễn Nghiễm  - thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du lập vào khoảng năm 1732 - 1735). Đại lễ cầu khoa ở Văn Thánh thường được tổ chức vào 2 năm (năm Mão và  năm Dậu). Hàng năm chưa đến đại lễ thì quan chức và các dòng họ khoa bảng, các gia đình có con em trước khi đi học, đi thi đều thiết lễ đến Văn Thánh tế tự. Phẩm vật phải thật sự tinh cẩn. Xin đơn cử một việc nhỏ, ví như con gà dùng để thiết lễ phải được nuôi nhốt mấy ngày, trước khi hóa kiếp cho gà phải rửa đôi chân sạch sẽ, thắp hương khấn niệm mới được cắt tiết. Trước khi đến hành lễ mọi người đều phải tắm gội sạch sẽ mới được đến Văn Thánh của làng tế tự. Chính lễ có nhiều phẩm vật xôi thịt thường tế về đêm. Kết thúc phần lễ mới đến phần hội tổ chức ca hát. Ban đêm diễn trò Lưu Bình Dương Lễ ca ngợi tình bạn và tôn vinh đạo học. Ban ngày, trong nhà các cụ đàm đạo thơ văn, ngoài sân đánh cờ tướng. Lễ hội cầu khoa kéo dài 2 đến 3 ngày

2. Lễ khai canh (dẫn hoa lễ phật diễn trò sĩ nông ).

Phần lễ có phần dẫn hoa lễ phật tại chùa Đà Long (nay đã phế tích):

Hoa được làm bằng những sợi tre vót tơi mịn như bông. Sau đó đem nhuộm các loại phẩm màu rồi kết thành mâm hoa, cỡ hoa đủ các màu sắc. Cùng với hoa có các phẩm vật do dân làng làm ra chủ yếu là oản chuối, các loại hoa quả. Ban chủ lễ có bộ phận chấm điểm các cở hoa của các làng. Nội dung tế tự là ca ngợi công đức các đức phật, sinh linh, cầu mong độ trì cho dân làng thái bình, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, học hành thi cử làm ăn phát đạt.

Sau phần lễ là phần hội:

Đây là phần hết sức công phu của các làng. Mỗi làng đảm nhận công việc của một nghề (nội dung gần giống hội trình nghề của các tỉnh phía bắc).

Trước hết là chọn những người có thanh, sắc để sắm vai những chàng trai làng nghề đi hỏi vợ, thanh để hát những nội dung trình nghề, phần lớn lời ca được viết theo thể thơ Đường luật (Tứ tuyệt và bát cú). Cùng với phần học hát, học diễn còn phải chuẩn bị đạo cụ cho phần rước.

* Nông - trâu cày nghé cưỡi, sản vật tiêu biểu của nhà nông.

* Ngư -  thuyền lưới, sản vật tôm cua cá ốc, sản vật biển quê

* Công -  rìu cưa cui đục của nghề mộc

* Sĩ - bầu rượu, túi thơ, rương sách

* Thương - vải vóc, tơ lụa và sản phầm hàng mỹ nghệ

Những năm có loạn lạc thì thêm binh để động viên trai làng đi đánh giặc giữ nước. Mỗi nghề đều có một chàng trai đi hỏi vợ. Đi cùng chàng trai có cha mẹ, bà con, họ hàng, làng xóm. Một nhân vật không thể thiếu là vai hề của các chàng rể. Hội vui còn nhờ tài năng của vai hề. Sân khấu của hội được thiết kế trên 2 chòi cao để người xem xa gần đều trông thấy (1 chòi của quan xã nghe các chàng trai báo công, 1 chòi của cha con ông trưởng giả kén rể gả chồng).

Thông qua chuyện kén chồng, để các ngành nghề nói lên kết quả làm ăn của nghề mình sau một năm và tương lai phát triển như thế nào. Con gái ông trưởng giả nhận lời của chàng trai nào là do kết quả làm ăn, kết quả tốt và lời ca chải chuốt mượt mà. Hội hàng năm thường gả cho sĩ là vì mục đích để động viên nhân dân học hành nâng cao dân trí.

Có thể nói, lễ hội vùng Nghi Xuân trước đây rất đa dạng, đời sống  văn hóa dân gian rất phong phú. Do tác động của các thời kỳ lịch sử nên đến nay phần lớn các lễ hội bị mất dần, hoặc bị xóa bỏ, một số lễ hội  dần được phục hưng (nhưng chưa đủ yếu tố của một lễ hội văn hóa truyền thồng)... Để hướng tới xây dựng nguồn tư liệu cụ thể, mang tính khoa học về nguồn gốc, nội dung, hình thức tổ chức các lễ hội mang đậm yếu tố văn hóa dân gian thì cần có những khảo cứu sát hơn, sự hỗ trợ cần thiết và sự huyết, điều kiện đảm bảo cho đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, tìm về vốn xưa - Đó là một trong những điều cần bàn khi nói về công tác bảo tồn và phục hưng lễ hội văn hóa dân gian ở vùng Nghi Xuân

Nguyễn Ban- Bách Khoa