Vào dịp cuối năm, chúng tôi đến các vùng nông thôn Hà Tĩnh, đi đến đâu cũng bắt gặp không khí sôi nổi của bà con nông dân bước vào vụ Đông xuân. Trong cái bắt gặp của chúng tôi là những mô hình phát triển kinh tế trang trại vườn đồi; các mô hình về áp dụng tiến bộ KHCN; các mô hình giống mới trên đồng ruộng sau khi được chuyển đổi ruộng đất...
Về Thạch Hà trong cái rét hanh hao, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Đỗ Khoa Văn dẫn chúng tôi đi xem mô hình khảo nghiệm giống lúa mới PC6, DB6, TB. Ông Văn cho biết, Thạch Hà có quy mô 20 ha khảo nghiệm các bộ giống mới này. Ngoài xã Tượng Sơn, còn có xã Thạch Thắng, Thạch Vĩnh, Thạch Tân... Ông Nguyễn Văn Sanh ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: Ban đầu chúng tôi cũng chưa thật sự tin tưởng vào bộ giống mới được chuyển giao này nhưng sau khi sản xuất, lúa phát triển tốt, mỗi ngày mỗi khác, kháng bệnh tốt. Đến vụ thu hoạch, các bộ giống mới này đều cho năng suất vượt trội so với các giống lúa trước đây. Nhân dân chúng tôi đang tập trung nhân rộng các bộ giống mới này vào các vụ sản xuất tới.
Rời Tượng Sơn, Chủ tịch Đỗ Khoa Văn dẫn chúng tôi xem mô hình thâm canh ớt Đài Loan tại Thạch Tân, mô hình lợn siêu nạc ở Thạch Đài, mô hình nuôi cá chẽm, cá bống bớp, cá lóc môi trề ở các xã biển ngang... Ở các mô hình này, người dân đều cho biết, nhờ được hỗ trợ vốn và KHKT của Nhà nước, sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khoa học nên các giống con đều phát triển tốt, hứa hẹn nhiều triển vọng cho việc nhân rộng mô hình.
Sau Thạch Hà, chúng tôi về xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) xem mô hình nuôi bò lai Sind; về Cẩm Quan xem mô hình cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu thịt... Đến với những cánh đồng trồng lạc phủ nilon tại Cẩm Mỹ, mô hình sản xuất lúa giống tại Cẩm Thành, nuôi tôm thẻ chân trắng tại Cẩm Hưng; nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học tại thị trấn Thiên Cầm; nuôi cá Vược ở Cẩm Lĩnh; áp dụng kỹ thuật chế biến nước mắm theo công nghệ mới, được chuyển giao cho các xã Cẩm Dương, Cẩm Nhượng và công nghệ sản xuất rượu nếp ở Cẩm Bình... Đây là những mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT được ngành khoa học công nghệ Hà Tĩnh chuyển giao cho nông dân, nhằm đáp ứng yêu cầu đưa KHKT vào thực tiễn. Tất cả mô hình này đều được triển khai bài bản, đưa lại kết quả cao. Ông Nguyễn Huy Lâm- Giám đốc Sở KHCN cho biết, những năm gần đây ngành KHCN Hà Tĩnh đã có các đề tài ứng dụng các tiến bộ KHCN trong tổ hợp chế biến và chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ KHKT nuôi cá lồng trên biển, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững... Ông Lâm cùng chúng tôi về thăm một số mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn ở huyện Nghi Xuân. Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hiền Lương vui vẻ cho biết: “Nghi Xuân là một miền quê đa phần cát bạc. Về sản xuất nông nghiệp, nếu không có sự chuyển giao KHCN về các mô hình, các bộ giống mới thì có lẽ người dân chúng tôi sẽ không thể nghĩ đến chuyện XĐGN. Vì thế, mấy năm gần đây, nhờ được áp dụng tiến bộ KHKT nên nhiều hộ dân đã làm giàu từ các mô hình; nhiều mô hình được nhân ra diện rộng như mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trên ngàn con bò nái; mô hình nuôi nuôi lợn siêu nạc tại Xuân Trường, Xuân Viên; nuôi vịt ở Xuân Hồng, Xuân Lam, nuôi ngan an toàn sinh học ở Xuân Hải, nuôi cá chim trắng ở Xuân Yên, nuôi cá rô phi đơn tính ở Xuân Mỹ, nuôi tôm bán thâm canh ở Cương Gián; nuôi tôm quảng canh cải tiến ở Xuân Trường, Xuân Hội... Trong chuyến đi này, chúng tôi còn được tham quan mô hình cá –lúa - vịt ở xã Đức Lâm, Đức Long cho năng suất đạt 50 triệu/ha/năm; thăm mô hình mây tre xuất khẩu, chế biến lâm sản, làng mộc truyền thống Thái Yên; nghề dè cót và đóng thuyền ở xã Trường Sơn; mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình ứng dụng KHKT hồi phục giống bưởi đường ở Sơn Quang, Sơn Phố, Sơn Diệm; mô hình thâm canh cây mây nếp ở Sơn Quang, Sơn Tây; mô hình cam bù sạch bệnh ở Sơn Trường; thăm bộ giống mới lúa Nhị ưu 725 ở Hương Minh, Đức Hương; giống Thục Hưng 6 vào khảo nghiệm tại Sơn Thọ, Đức Hương; giống lúa mới TBR-1 tại Đức Lĩnh, SL- 2 tại Đức Giang, Ân Phú; khảo nghiệm giống lạc L20, L23 bằng kỹ thuật phủ nilon ở Đức Giang, Sơn Thọ; xem mô hình cá lúa kết hợp tại xã Hương Minh; mô hình gà thả vườn, nuôi thỏ, nuôi giun quế, trồng cỏ VA06 tại xã Hương Minh; trồng mây nếp 38ha và nuôi ong lấy mật ở Đức Lĩnh. Từ Vũ Quang, theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi lên Hương Khê thăm mô hình thâm canh bưởi Phúc Trạch, mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chăn nuôi gia trại... ở các xã Hương Long, thị trấn Hương Khê, Gia Phố... Tại huyện mới Lộc Hà, là vùng sản xuất có nhiều bất lợi, vì thế Sở KHCN đã quan tâm đến việc chuyển giao các mô hình công nghệ thiết thực, có hiệu quả để giúp huyện giải quyết những khó khăn trong sản xuất. Ngành KHCN đã chuyển giao các mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hộ Độ; nuôi cá chẽm tại Thạch Mỹ, trồng khoai sọ vụ Đông ở xã Thạch Châu; nuôi ngao bến tre tại Mai Phụ; nuôi ba ba ở Hồng Lộc; trồng dưa hấu Thái Lan ở xã Thạch Bằng; mô hình lạc phủ nilon cho năng suất cao ở Thạch Châu; công nghệ sản xuất muối sạch ở Hộ Độ, Mai Phụ ... Về thành phố Hà Tĩnh chúng tôi được tận mắt chứng kiến mô hình trồng hoa ly ly và hoa loa kèn trong nhà lưới ở xã Thạch Môn. Những luống hoa đang thời kỳ cho bông, nở hoa to và toả hương ngào ngạt. Hai loài hoa được du nhập về trồng thử nghiệm tại TP Hà Tĩnh, nhìn chung đạt chất lượng tốt, không thua kém gì hoa trồng ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài mô hình trồng hoa, ngành KHCN còn nghiên cứu, lựa chọn các giống có tiềm năng và năng suất để thay thế các giống địa phương năng suất thấp như giống lúa trung ngày có nhóm X, giống ngắn ngày ĐB 6, HT 1, xuân mai 12...; tập đoàn ngô lai, các giống lạc mới như L14, L23; giống đậu xanh ĐX 99-3 trên đia bàn thành phố... và gần đây Hội đồng KH&CN chuyên ngành đã tổ chức xét duyệt 2 đề tài về giống lúa: “Khảo nghiệm sản xuất một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao du nhập về Hà Tĩnh”, do Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông – Viện cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện và đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh giống lúa P290 và khảo nghiệm sản xuất một số giống lúa ngắn ngày có triển vọng tại Hà Tĩnh”, do Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh - đơn vị chủ trì. Dự kiến, với 2 đề tài trên khi hoàn thiện sẽ được chọn lựa, tiến tới đề nghị công nhận giống chính thức để bổ sung vào bộ giống lúa năng suất chất lượng vào sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh.
Đến với các mô hình của ngành KHCN chuyển giao, ứng dụng trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi đều nhận thấy các mô hình đều đưa lại hiệu quả, giúp nhân dân thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất, nâng cao đời sống. Các mô hình hiệu quả đã được nhân rộng thành phong trào ở nhiều địa phương. Nhân dân đã coi ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất là hoạt động thiết thực nhât, giúp nông dân xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, nông nghiệp Hà Tĩnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều bộ giống cây, con mới được đưa vào sản xuất; nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất tạo nên nhiều mô hình SX nông, lâm, ngư nghiệp đạt hiệu quả cao. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp to lớn của ngành KHCN. Có thế nói, KHCN đã tạo một cú hích mạnh, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh; đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn một cách bền vững trong vấn đề tam nông.
Anh Bình- Báo NNVN