Khoa học Công nghệ nông nghiệp - nông thôn Hà Tĩnh, thực trạng và giải pháp

Trong những năm qua nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công đó là khoa học - công nghệ. Khoa học - công nghệ của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến.
Đối với sản xuất: đã du nhập, khảo nghiệm đưa vào sản xuất đại trà nhiều giống mới năng suất, chất lượng cao: Giống sản xuất đại trà hiện nay là nhóm giống lúa X (Xi 23; NX 30); tập đoàn giống chất lượng như: PC6, P6, ĐB6; HT 1 ; SL12, Nếp 97;…Tập đoàn giống ngô LVN, Pacific; nhóm giống ngắn ngày như: C919, CP3Q; các giống lạc L14, L20, L23. Đàn bò phát triển theo hướng Zebu hoá, bò thịt chất lượng cao, thay thế dùng tinh đông viên phối nhân tạo bằng tinh cọng rạ có nhiều ưu điểm như tỷ lệ thụ thai cao hơn từ 15-20% chất lượng bê tốt hơn, áp dụng các biện pháp thụ tinh nhân tạo, thiến bò đực cóc bằng kìm bấm, nhân giống bê lai 3/4 máu ngoại… do đó tỷ lệ Zebu hoá năm 2008 đạt 22% tổng đàn; nhiều giống gia cầm mới có năng suất chất lượng được nuôi trên diện rộng như gà Tam Hoàng, gà Cabia, ngan Pháp…Đối với lâm nghiệp, đã ứng dụng công nghệ nhân giống bằng hom, nhiều giống cây mới trồng hiệu quả như bạch đàn V 6 , lát Mehico, keo lai…Đối với giống thuỷ sản đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống. Các tiến bộ mới trong kỷ thuật thâm canh và đưa lại hiệu quả kinh tế cao như: chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp; thâm canh lúa cải tiến, chương trình 3 giảm 3 tăng...
Đối với thu hoạch: từng bước cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, bình quân 100 hộ có 0,07 ô tô vận tải; 1,9 máy kéo các loại; 4,12 máy tuốt lúa có động cơ; 0,03 lò sấy. Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã làm tăng năng suất lao động thu hoạch sản phẩm, giảm bớt gánh nặng và sự vất vả cho người nông dân, bên cạnh đó có tác dụng giảm thất thoát sản phẩm nông nghiệp. Đối với bảo quản, chế biến: đây là quá trình rất quan trọng nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nếu chế biến càng tinh, càng sâu thì giá trị sản phẩm càng cao, đây là khâu kết tinh hàm lượng khoa học - công nghệ tương đối lớn. Trong những năm qua công tác bảo quản chế biến nông sản ở tỉnh ta được quan tâm, chúng ta đã từng bước đầu tư khoa học - công nghệ cho khâu này, nhiều dây chuyền công nghệ trong bảo quản, chế biến được đầu tư: chế biến thủy sản tại Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, các dây chuyền chế biến đồ gỗ của các công ty ngoài quốc doanh..., đến nay bình quân 100 hộ có 0,03 lò sấy, 1,07 máy chế biến lương thực, 0,33 máy chế biến thức ăn gia súc. Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước, điều hành sản xuất kinh doanh: Ứng dụng tin học và các phương pháp quản lý trong công tác điều hành quản lý nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Các doanh nghiệp đã sử dụng các phần mềm trong sản xuất kinh doanh (phần mềm kế toán, quản trị nhân sự…), nhằm nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà còn có nhiều hạn chế, yếu kém: VÒ nhËn thøc và s ự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền chưa thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng khi đưa KHCN vào trong quá trình sản xuất. Đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật nhìn chung còn thiếu và yếu nhất là hạn chế trong việc cập nhật các thông tin mới kể cả yếu về tin học và ngoại ngữ. Một số đề tµi ứng dụng trong thực tế hiệu quả không cao, một số mô hình đạt kết quả còn thấp, khả năng thuyết phục hạn chế. Chúng ta chưa có một chiến lược phát triển khoa học - công nghệ nông nghiệp, nông thôn phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển; từ đó chưa có các chính sách đúng đắn, nhằm khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, cơ sở vật chất cho khoa học công nghệ yếu kém lạc hậu; trong khi đó trình độ, kiến thức của người sản xuất, người dân nông thôn, đặc biệt là nông dân đang còn thấp kém, nhận thức vai trò, vị trí của khoa học công nghệ còn bất cập; do vậy, rất khó khăn trong việc đưa các tiến bộ khoa học - công nghệ đến với người dân, đến với sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm tới để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân; một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết của TW và của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ ”. Một số nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện trong những năm tới:
- Coi công tác chọn, tạo, phục tráng giống cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản là khâu đột phá trong quá trình sản xuât; không chỉ đưa năng suất tăng cao mà còn nâng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao các công nghệ sinh học trên lĩnh vực lai tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ trong nông nghiệp như phân bón cho cây trồng, thức ăn trong chăn nuôi, các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật, xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Xây dựng những hệ thống chuyển giao công nghệ an toàn sinh học, thương mại và nhận thức công cộng về sử dụng sản phẩm có áp dụng công nghệ sinh học.
- Công nghệ bảo quản sau thu hoạch tập trung trên lĩnh vực lạnh đông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi và thông qua chế biến. Công nghệ chế biến nông sản áp dụng kỹ thuật lạnh đông nhanh, chiếu xạ trực tiếp, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong chế biến để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng và lợi nhuận để tăng tính cạnh tranh.
- Công nghệ thông tin hỗ trợ trao đổi và thu thập thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng các phần mềm chuyên dụng, xây dựng hệ thống mạng nội bộ, mạng diện rộng. Hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp tương lai. Ứng dụng công nghệ GIS phục vụ phân tích không gian hỗ trợ quy hoạch, đánh giá thích nghi, phân vùng sản xuất phù hợp.
- Công nghệ tiếp thị và phân phối các sản phẩm nông nghiệp tập trung trên các lĩnh vực quảng bá sản phẩm bằng cách tạo thương hiệu, phát triển các siêu thị và các hệ thống phân phối, xây dựng và thống nhất các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hàng hoá, sử dụng công nghệ hiện đại như mạng Internet, hệ thống truyền thông để trao đổi thông tin về cung và cầu sản phẩm, thực hiện những cuộc giao dịch hàng hoá hiện đại như quảng cáo và mua bán nông sản qua mạng...
- Đẩy mạnh cơ khí hóa vào tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Trước tiên để tạo điều kiện đưa cơ khí hóa vào khâu sản xuất trước tiên phải đẩy mạnh công tác chuyển đổi ruộng đất, từng bước tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa và cơ khí hóa vào trong các quá trình sản xuất; lựa chọn loại máy móc phù hợp để cung ứng cho người sản xuất; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản khâu làm đất được cơ khí hoá, gieo cấy đạt 50%, thu hoạch 80%.
- Về chính sách tập trung vào các vấn đề sau: Có chính sách đầu tư thoả đáng cho phát triển khoa học, công nghệ; chú trọng khuyến khích, thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất dịch vụ; đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát minh, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào các đơn vị. Cải cách thể chế quản lý Nhà nước về KH & CN ở nông thôn theo chiều sâu. Cải cách thể chế quản lý cán bộ KH & CN mạnh mẽ, phù hợp với nền kinh tế tri thức, hội nhập với thế giới. Phải có chính sách cụ thể tôn vinh nhà khoa học giỏi, coi trọng hiệu quả, chất lượng thực sự của hoạt động khoa học, chú ý cán bộ trẻ. Các đãi ngộ về vật chất, lương, phụ cấp, danh hiệu, phần thưởng tinh thần... phải được chú trọng cải tiến theo hướng thiết thực, công bằng, hiện đại. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khoa học để có điều kiện học tập, trau dồi kiến thức, cạnh tranh lành mạnh, giao lưu rộng rãi cả trong nước và quốc tế.
- Về tổ chức thực hiện, cần xác định được chiến lược từ đó xây dựng quy hoạch phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp, nông thôn; xây dựng hệ thống cơ chế chính sách và đầu tư vốn thoả đáng cho lĩnh vực này. Đối với cấp huyện trên cơ sở chính sách của TW, của tỉnh triển khai thực hiện cụ thể địa phương mình, tuỳ theo các vùng đặc thù có các chính sách cụ thể ở từng huyện nhằm thúc đẩy phát triển KHCN. Đối với cấp xã là cấp cuối cùng đưa các chủ trương, chính sách của TW, của tỉnh, của huyện về KHCN đến với người dân; cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, phải trực tiếp tố chức, triển khai đưa các tiên bộ kỹ thuật cho người dân. Đối với người sản xuất tự học tập nâng cao trình độ của mình, phải chủ động tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật bằng nhiều kênh thông tin khác nhau; phải dám nghỉ, dám làm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế là con đường tât yếu của Hà Tĩnh. Khoa học - công nghệ sẽ là yếu tố quan trọng đưa tỉnh nhà sớm đạt được mục đích trên con đường đó.
Th.S. Lê Đình Sơn
TUV, GĐ Sở NN và PTNT Hà Tĩnh