Khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà

Trong những năm gần đây, kinh tế Hà Tĩnh có tốc độ phát triển nhanh, đồng đều trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng Công nghiệp-Xây dựng và Thương mại dịch vụ chiếm đến trên 80%, nông nghiệp chỉ còn 18,29%. Thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư thu ngân sách có sự đột phá ngoạn mục, tạo thành điểm sáng trong cả nước. Xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp nông thôn đạt được những kết quả rất tích cực, làm nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển bền vững. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực và bền bỉ của ngành khoa học và công nghệ trong nhiều năm qua.
Trong 10 năm (2004- 2014) có 173 đề tài, dự án KH&CN được triển khai trên địa bàn, trong đó có 20 đề tài, dự án cấp Nhà nước với tổng kinh phí hỗ trợ từ NSNN là 26.213,9 triệu đồng ; 153 đề tài, dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ từ NSNN là 45.559,24 triệu đồng (trung bình 1 năm 4.555 triệu đồng, chiếm khoảng 45 – 50 % ngân sách SNKH hàng năm của tỉnh). Các đề tài, dự án được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp dịch vụ và xây dựng, tài nguyên và môi trường, công nghệ cao và các lĩnh vực khác. Hoạt động nghiên cứu KH&CN được đầu tư có trọng điểm, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỷ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, du nhập thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ cho sản xuất các giống cây con chủ lực như lúa, lợn, tôm, rau, hoa, củ, quả, nấm ăn và nấm dược liệu; triển khai hoạt động khoa học và công nghệ gắn với sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều kết quả đề tài, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, công nghiệp, xã hội nhân văn,… đã được ứng dụng rộng rãi và có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh: Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu tại Hà Tĩnh; Dự án ứng dụng công nghệ Thái Lan xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và các dự án do Tổng công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh chủ trì triển khai như: Dự án chuyển giao công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc từ Thái Lan với quy mô tập trung; Dự án trồng rau củ quả công nghệ cao trên cát, quy mô 100 ha; Dự án nhà máy chế biến súc sản; Dự án sản xuất giống bò lai chất lượng cao; Dự án Ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trên cát,…
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với nội dung đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN trong tình hình mới; xây dựng và ban hành 03 Đề án: Đề án phát triển Nấm ăn và Nấm dược liệu đến 2020, tầm nhìn 2030; Đề án bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án ứng dụng CNSH sản xuất phân ủ hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 – 2016, định hướng đến năm 2020,… với các quyết định ban hành chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, nhất là về ứng dụng chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa từ sản xuất đến chế biến. UBND tỉnh cũng đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28/3/2014 chỉ đạo lấy năm 2014 là năm khoa học và công nghệ, đồng thời có Chương trình hành động cụ thể cho tất cả các sở, ban ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc từ tỉnh đến cơ sở.
Nhằm nâng cao tiềm lực và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý và nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong tình hình mới, Sở đã chủ động xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đầu tư 3 dự án quan trọng…. Các dự án này đã và đang được Bộ và Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật. Năm 2013, để tạo tiền đề phát triển công nghệ sinh học thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ phát triển ngành nấm thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Trung tâm phát triển Nấm ăn và Nấm dược liệu đã được thành lập. Sau 1 năm hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy phong trào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu trong toàn tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Trong 10 năm qua tỉnh đã có nhiều chính sách KH&CN khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Hỗ trợ 9 doanh nghiệp triển khai 9 đề tài, dự án nghiên cứu phát triển công nghệ, với kinh phí trên 2.762,4 triệu đồng; cho 2 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất thấp của Quỹ Phát triển KHCN để đầu tư đổi mới công nghệ với số tiền 3.000 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ kinh phí, chuyên môn cho 50 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ tiên tiến; Vận động 16 lượt doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó có 01 giải vàng và 15 giải bạc; đến nay đã cấp 302 Văn bằng bảo hộ (287 nhãn hiệu hàng hóa, 11 sáng chế, 04 kiểu dáng công nghiệp) cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở đang tích cực vận động và hỗ trợ thành lập 1 số Doanh nghiệp hoạt động KH&CN.
Một số định hướng trọng tâm về phát triển KH&CN trong thời gian tới:
1. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN nhằm thực hiện hiệu quả Luật KH&CN sửa đổi năm 2013, trong đó tập trung: Thực hiện cơ chế tài chính theo cơ chế Quỹ; Quy chế quản lý đề tài/ dự án chủ yếu theo phương thức “đặt hàng, tuyển chọn” và khoán đến sản phẩm KHCN sau cùng,…
2. Tập trung chỉ đạo một số mũi nhọn về phát triển công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm:
- Công nghệ sinh học: Phấn đấu đến năm 2020 Hà Tĩnh trở thành một trung tâm công nghệ sinh học phát triển của khu vực Bắc Miền Trung với các ứng dụng mũi nhọn và chủ yếu như nuôi cấy mô tế bào để sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, bảo tồn các nguồn gen, nhân nhanh các giống cây con cung cấp cho sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, sản xuất các chế phẩm vi sinh,...
- Công nghệ thông tin và truyền thông: Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đến năm 2020 cơ bản xây dựng được chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Hà Tĩnh; Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các lĩnh vực khác, làm nòng cốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh.
- Phát triển mạnh mẽ c ông nghệ cơ khí, tự động hóa , c ông nghệ vật liệu mới, năng lượng tái tạo .
- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tìm kiếm, lựa chọn, nghiên cứu thử nghiệm để thích nghi, làm chủ công nghệ, thiết bị tiên tiến; Mở rộng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng trong các ngành công nghiệp, doanh nghiệp có lợi thế (chế biến nông lâm, thủy hải sản, sản xuất rượu bia, khai thác khoáng sản, sản xuất hàng mỹ nghệ...), tạo sự đột phá gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (cơ khí, chế tạo máy, tự động hoá, công nghiệp lắp ráp, vật liệu xây dựng chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp dược, gỗ gia dụng...); Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng mạng lưới tổ chức, biện pháp đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; Phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh; thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng:
3. Ứng dụng công nghệ trong bảo quản chế biến các sản phẩm, đảm bảo đến năm 2020 tất cả các sản phẩm sản xuất ra, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều được áp dụng các công nghệ bảo quản chế biến theo hình thức đa dạng từ thấp đến cao nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ sở để khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất – bảo quản – chế biến – tiêu thụ; Chuyển giao một số công nghệ chế biến sâu, công nghệ tiên tiến, đạt trình độ cao của thế giới đối với một số sản phẩm ưu thế của Hà Tĩnh như titan, sắt, hoá dầu, chế biến thực phẩm,…
4. Chú trọng hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, lạc, rau củ quả, nấm, lợn, tôm, bò, hươu, theo hướng: Hình thành các vùng chuyên canh ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất các sản phẩm nông sản, chăn nuôi, thủy hải sản theo hướng tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước; Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp cận đô thị trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, đạt giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cao, tạo tiền đề để đến năm 2020 xây dựng 01 đến 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh; Chú trọng phát triển Chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
5. Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, làm nhân tố cho sự phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai. Hình thành Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp.
6. Phát triển mạnh mẽ dịch vụ khoa học và công nghệ để đảm bảo nguồn thu nhập cho các đơn vị sự nghiệp sau khi chuyển đổi theo nghị định 115/2005/NĐ-CP.
Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh