Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh hướng tới chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Xác định nhiệm vụ của ngành KH&CN đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KH&CN để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao dân trí; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân cư. Trong những năm qua hoạt động KH&CN nhất là hoạt động nghiên cứu triển khai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp các địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, các giải pháp KH&CN để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao dân trí, các mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác … đã được đẩy mạnh thông qua tập san Khoa học và công nghệ, bản tin Khoa học và công nghệ với nông nghiệp nông thôn, các chuyên đề, chuyên mục thông tin KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương, Đài phát thanh, truyền hình, Báo Hà Tĩnh, Website KH&CN. Các thông tin truyền tải đến người dân ngắn gọn, dễ hiểu và áp dụng vào thực tế sản xuất.
Thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo khoa học nhằm chuyển tải các tiến bộ KHCN đến với nhân dân: phối hợp với Hội Đông y Hà Tĩnh tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, chế biến cây dược liệu để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Công ty CP dược Hà Tĩnh và Hội Đông y tỉnh; Phối hợp với Huyện đoàn huyện Hương Sơn tổ chức tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ và nhân dân xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đổ (Viện cây lương thực – cây thực phẩm) tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh các giống ngô, đậu có năng suất cao cho cán bộ và nhân dân vùng trọng điểm huyện Hương Sơn và Hương Khê; Phối hợp với Công ty Giống cây trồng TW, Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân giống lúa, kỹ thuật sản xuất thâm canh một số giống lúa mới cho cán bộ và nhân dân thuộc xã Cẩm Thăng, Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên), Khánh Lộc, Yên Lộc (huyện Can Lộc), Thái Yên (huyện Đức Thọ); Phối hợp với các Trung tâm Chuyển giao KH&CN các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Hương Sơn, Vũ Quang tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh giống sắn mới HTL-09, kỹ thuật sản xuất rau an toàn, kỹ thuật sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, kỹ thuật sản xuất hoa các loại cho cán bộ và nhân dân trong vùng.
Trong hoạt động nghiên cứu triển khai KH&CN đã tập trung chủ yếu đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Riêng 2 năm (2011-2012) có 16 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với tổng kinh phí đầu tư từ nguồn sự nghiệp KHCN gần 4 tỷ đồng. Các đề tài, dự án lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chủ yếu tập trung vào việc du nhập, khảo nghiệm các giống cây trồng vật nuôi mới, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các mô hình sản xuất điển hình, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhiều mô hình KH&CN đã phát huy tốt hiệu quả, đã được nhân dân ứng dụng nhân rộng, điển hình như:
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên . Sở KH&CN đã phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT huyện và phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Xuyên xây dựng các mô hình nhân rộng các giống lúa chất lượng cao N34, HT6, RVT trong vụ Đông xuân 2011-2012 và Xuân hè 2012, trên quy mô 31ha. Kết quả từ các mô hình có trên 300 lượt nông dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thâm canh các giống lúa mới. Năng suất vụ Đông xuân 2011-2012 đạt 64 tạ/ha đối với giống N34 và 60 tạ/ha đối với giống HT6, vượt 10-16% so với đối chứng KD18, thu nhập tăng 16-18 triệu đồng/ha, vụ Hè thu 2012 đạt 58 tạ/ha đối với giống RVT. Đây là những giống lúa có chất lượng cao, cơm ngon, hương thơm, năng suất khá, chịu thâm canh, sạch sâu bệnh. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2-1,3 lần so với sản xuất đại trà trong vùng. Kết quả qua 2 vụ triển khai tại xã Cẩm Thăng đã được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp các ngành đánh giá cao và được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Mô hình sản xuất rau củ quả chất lượng cao tại xã Tượng Sơn (Thạch hà) và Cẩm Bình (Cẩm Xuyên). Sau 7 tháng triển khai mô hình, kết quả thu được đối với dưa chuột và mướp hương năng suất đạt 50 tấn/ha và đối với giống Bí xanh Tre Việt năng suất đạt 60 tấn/ha. Chất lượng các giống rau đưa vào triển khai trong mô hình được đánh giá đảm bảo an toàn cho người sử dụng . Thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha, lãi ròng đạt hơn 100 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất thâm canh giống lạc cao sản L23, L26, phát triển cây dược liệu và nuôi ong lấy mật tại xã Sơn Quang . Kết quả có trên 150 hộ được tiếp cận với quy trình kỹ thuật thâm canh lạc L23, L26, trồng cây dược liệu và quy trình nuôi ong lấy mật, năng suất lạc bình quân đạt 35 tạ/ha và từ 200 đàn ong giống đến nay đã nhân ra được 350 đàn. Các mô hình đã và đang phát huy tốt hiệu quả, tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập từ việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
Mô hình nuôi tôm trên cát tại xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân trên diện tích 3 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 34,56 tấn, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, lợi nhuận thu được gần 1 tỷ đồng/ha/năm.
Mô hình nhân giống và sản xuất nấm chất lượng cao tại Trung tâm Nấm và các hộ dân trong tỉnh . Đây là mô hình được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, giải quyết lao động nhàn rỗi trong nông thôn, tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất.
Mô hình chế biến nước mắm sử dụng pin năng lượng mặt trời tại cơ sở sản xuất nước mắm Xuân Hải xã Kỳ Xuân huyện Kỳ Anh. Kết quả đã rút ngắn thời gian sản xuất từ 12 tháng xuống còn 7 tháng, chất lượng nước mắm được đánh giá là ngon hơn, độ đạm cao hơn so với sản xuất nước mắm truyền thống tại địa phương.
Mô hình phát triển kinh tế tại khu tái định cư xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương và Kỳ Liên huyện Kỳ Anh bước đầu đã giúp nhân dân trong vùng tái định cư tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân trong vùng.
Song song với việc xây dựng các mô hình điển hình, Sở KH&CN đã chú trọng công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm mục đích nâng cao giá trị sản. Riêng năm 2012 Sở KH&CN đã tham mưu đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho 02 sản phẩm bưởi Phúc Trạch và Cam Bù Hương Sơn; Đề xuất Cục SHTT hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mật ong huyện Vũ Quang; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm: rau an toàn Hoàng Hà (Tượng Sơn - Thạch Hà), Gạo đỏ Thạch Đài (Thạch Hà), Gạo La Giang (Đức Thọ), Đào cảnh Hưng Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) v.v... Nhờ có thương hiệu nên giá trị sản phẩm được nâng lên, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.
Trên cơ sở một số kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành KH&CN xây dựng định hướng hoạt động hướng tới chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đó là: Tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao để bổ sung cho bộ giống hiện có, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nhân rộng các mô hình đã được khẳng định; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích nông dân sử dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lực lượng khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KH&CN để mọi tổ chức, mọi cá nhân hiểu được tầm quan trọng của KH&CN, coi đây là một yếu tố không thể thiếu được trong sự phát triển của xã hội.

Lê Đình Doãn