Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển tam nông

Trong những năm đổi mới, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã góp phần không nhỏ đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Để KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển tam nông, cần xác định những nhiệm vụ chủ yếu và xây dựng được những giải pháp thực hiện đồng bộ.
Nước ta là nước nông nghiệp, với trên 70% dân số hiện đang sống ở nông thôn. Dự báo đến năm 2020 vẫn còn khoảng 60% dân số sống làm việc ở nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã có những bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, trình độ dân trí được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn được cũng cố và phát triển. Những thành tựu to lớn đó đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Một số thành tựu
Cho đến năm 1989, nước ta vẫn là nước thiếu lương thực, hàng năm phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực (có năm phải nhập tới 4,2 triệu tấn). Nhưng từ năm 1990, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo. Từ năm 2005 đến 2008, lượng gạo xuất khẩu tương ứng là 5,3 triệu tấn; 4,7 triệu tấn; 4,5 triệu tấn; 4,8 triệu tấn và đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Lương thực bình quân đầu người từ 444,9kg năm 2000 đã đạt 501,8 kg năm 2008.
Các cây trồng chủ yếu đều có bước phát triển khá về cả diện tích, năng suất và sản lượng. Từ 2000 đến 2008, tốc độ tăng sản lượng bình quân đối với lúa là 2,2%, ngô 10,8%, lạc 5,2%, đậu tương 7,6%, chè 11,6%, cà phê 3,4%, cao su 10,7%, hồ tiêu 12,1%, điều 20%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cao su, cà phê, chè, tiêu, điều đều tăng ổn định, góp phần làm tăng kim nghạch xuất khẩu.
Trong chăn nuôi, mặc dù những năm gần đầy gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra liên tiếp nhưng đàn gia súc, gia cầm vẫn được giữ vững và phát triển ổn định. Năm 2008, đàn trâu đạt 2,9 triệu con, bò đạt 6,3 triệu con, lợn đạt 26,7 triệu con, gia cầm 247,3 triệu con. Nuôi trồng thuỷ sản có bước tăng trưởng khá, tăng 19,5% về sản lượng và 10,9% về giá trị sản xuất.
Cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã được chuyển đổi. Điển hình trong lĩnh vực này là sản xuất vụ đông ở miền Bắc đã trở thành vụ thứ 3, chiếm gần 40% diện tích đất canh tác 2 vụ lúa. Trong sản xuất vụ đông, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công như kỹ thuật trồng ngô trên đất ướt, kỹ thuật trồng ngô bầu, kỹ thuật trồng gối vụ, kỹ thuật làm đất tối thiểu trong sản xuất đậu tương đông… Hiện nay, vụ đông ở miền Bắc vẫn đang là vụ sản xuất chính với giá trị sản lượng khoảng 50-60 tỷ đồng/năm. Ở miền Bắc đang thực hiện chuyển đổi chế độ canh tác linh hoạt phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa phương, từ chế độ canh tác 2 vụ/năm thành 3 vụ/năm hoặc ngược lại nhằm đạt giá trị sản lượng cao nhất trên một đơn vị diện tích sản xuất và nghiên cứu né tránh thiên tai một cách hiệu quả.
KH&CN phục vụ phát triển tam nông
Sự đóng góp của KH&CN phục vụ phát triển tam nông được thể hiện ở một số lĩnh vực sau đây:
Đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu - triển khai để tạo nguồn tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất
Hàng năm, Nhà nước dành khoảng 2% chi cho ngân sách KH&CN, trong số này có khoảng 1/3 đầu tư cho lĩnh vực KH&CN nông nghiệp. Phần lớn kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực giống cây, con nhằm tạo ra sự đột biến về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2009, ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu chọn tạo được 135 giống cây trồng mới, trong đó có 16 giống lúa, 23 giống ngô, 7 giống cây ăn củ, 9 giống cây ăn quả, 9 giống mía, 5 giống rau, 7 giống hoa… Trong chăn nuôi, đã tập trung cải tạo đàn lợn theo hướng siêu nạc, cải tạo đàn bò theo hướng Sind hoá, phát triển đàn bò sữa Việt Nam với năng suất 3.500-5.200 kg/chu kỳ/con. Tạo ra nhiều dòng gà mới như: TP4, TP1…; giống vịt T5, T6; giống ngan lai; nuôi thích ứng và mở rộng giống đà điểu. Đã cung cấp cho sản xuất hàng triệu giống gà bố mẹ, hàng vạn con ngan giống… Về lâm nghiệp, đã tạo được nhiều giống cây rừng là những giống bản địa và giống nhập nội để phục vụ cho chương trình trồng rừng.
Đào tạo nguồn nhân lực, từng bước nâng cao trí thức và kỹ năng cho người nông dân
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn là một lĩnh vực rất quan trọng được các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH&CN cũng như các tổ chức quan tâm thực hiện.
Các trường đại học như: nông nghiệp Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, An Giang, Cần Thơ… đều có các khoa đào tạo chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản, lâm nghiệp, cơ khí lâm nghiệp, kinh tế nông nghiệp, khuyến nông để đào tạo kỹ sư phục vụ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chương trình nông thôn - miền núi của Bộ KH&CN từ năm 2004 đến 2009 đã đào tạo được 1.566 kỹ thuật viên và tập huấn cho 35.136 lượt nông dân để có năng lực tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật.
Chương trình khuyến nông/khuyến ngư quốc gia sau 16 năm kể từ ngày thành lập đã đào tạo được 30 vạn cán bộ, kỹ thuật viên cho các tỉnh, tổ chức tham quan đầu bờ và tập huấn kỹ thuật cho hàng triệu nông dân. Mỗi ngày có 13.500 lượt nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở truy cập thông tin điện tử trên Internet.
Tổ chức hội nông dân các cấp đã đào tạo dạy nghề cho 35.000 lớp tập huấn cho 12 triệu lượt nông dân tự học.
Chuyển giao KH&CN cho nông dân
Chương trình nông thôn - miền núi của Bộ KH&CN trong 5 năm (2004 – 2009) đã đầu tư 535,55 tỷ đồng để triển khai 213 dự án ở 58 tỉnh/thành phố, đã huy động được 1.200 cán bộ kỹ thuật của 68 tổ chức KH&CN tham gia xây dựng 856 mô hình trình diễn và xây dựng 438 quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, công nghệ sinh học, chế biến nông sản, công nghệ thông tin… đã được chuyển giao và ứng dụng trong sản xuất, đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá.
Chương trình khuyến nông/khuyến ngư quốc gia đã xây dựng được trên 7.000 điểm trình diễn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật thông qua trình diễn đã được chuyển giao và sản xuất đạt hiệu quả cao như: Chương trình lúa lai, đến nay hàng năm đã có khoảng 60 vạn ha trồng lúa sử dụng hạt lai; chương trình cải tạo đàn bò, đạt trên 30% bò lai Sind; chương trình nạc hoá đàn lợn đã đạt trên 40% tổng đàn…
Công nghệ thông tin giúp nông dân được tiếp cận với KH&CN và thị trường
Chương trình nông thôn - miền núi của Bộ KH&CN đã triển khai 9 dự án công nghệ thông tin, đào tạo được 225 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 1.189 cán bộ, nông dân về thông tin KH&CN, xây dựng 11 trung tâm thông tin KH&CN ở 9 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc, 35 trung tâm thông tin cấp xã; chuyển giao thiết bị phần mềm thư viện điện tử với 48,471 tài liệu về công nghệ, 227 phim cơ sở dữ liệu.
Trung tâm khuyến nông/khuyến ngư quốc gia đã xây dựng 30 ấn phẩm, với 10 triệu bản, phát hành tới 40% tổng số xã trong cả nước, 100% trạm khuyến nông các huyện và tỉnh.
Việc phổ cập thông tin KH&CN tới người dân trên địa bàn nông thôn, miền núi đã góp phần nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ KH&CN ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng hiện đại hoá.
Công tác KH&CN phục vụ nông thôn trong thời gian tới
Công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ngành nông nghiệp bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ ngành nghề. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên, phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, sản xuất nhỏ và phân tán. Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được chú trọng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, môi trường nông thôn có những nơi bị ô nhiễm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, cần có sự tham gia mạnh mẽ của KH&CN. Theo đó, KH&CN cần tập trung vào một số nhiệm vụ: Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá. Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, đẩy mạnh công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề, thực hiện ly nông bất ly hương. Xây dựng thiết chế văn hoá ở nông thôn.
Để giải quyết những nhiệm vụ nêu trên, cần tập trung thực hiện một số biện pháp chủ yếu: Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực. Ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản…Phát triển các nguồn lực KH&CN, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyến giao công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đảm bảo tốt các dịch vụ kỹ thuật, vật tư, thông tin phục vụ phát triển tam nông. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức KH&CN, kỹ năng lao động cho nông dân.

PGS.TS Lê Tất Khương - GĐ Trung tâm Nghiên cứu phát triển vùng - Bộ KH&CN