Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi- Bước khởi đầu trong sự kết hợp 4 nhà

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thành lập được 5 tổ hợp tác chăn nuôi lợn an toàn, đảm bảo VSMT tại xã Tùng Ảnh ( Đức Thọ) và Thạch Tân (Thạch Hà) thu hút hàng chục hộ chăn nuôi tham gia, (mỗi tổ hợp có 10-15 hộ, mỗi hộ chăn nuôi từ 10-30 con). Từ sự thành công của những mô hình điểm, việc xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi cũng đang được xúc tiến thành lập tại các xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Thạch Đài (Thạch Hà), Thiên Lộc (Can Lộc) .
Thực tế cho thấy chăn nuôi là một trong những mũi nhọn góp phần XĐGN, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định tình hình ở nông thôn. Thế nhưng kết quả chăn nuôi vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hoạt động chăn nuôi vẫn đang ở quy mô nhỏ, lẻ trong các nông hộ, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT còn nhiều hạn chế, công tác giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng, các loại dịch bệnh nguy hiểm còn xảy ra trên đàn lợn, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi còn cao... Vì thế, để thúc đẩy mũi nhọn kinh tế này, góp phần thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ vùng nông thôn, ngay từ khi xây dựng đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Hội LHPN tỉnh cũng đã bắt đầu khởi động chương trình tổ hợp tác chăn nuôi lợn an toàn bằng cách chủ động phối kết hợp với Công ty Khoáng sản thương mại - cụ thể là công ty TNHH TM Hoàng Long trong việc tuyên truyền đề án đến với hội viên phụ nữ.
Chị Trần Thị Hồng – Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Bước đầu thực hiện mô hình chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do người dân vẫn chưa đặt niềm tin, chưa mạnh dạn trước cái mới. Thế nhưng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ hội, sự vào cuộc của Công ty thể hiện qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, cung cấp con giống, hỗ trợ cho vay thức ăn trả chậm trong vòng 3 tháng cho các tổ hợp tác, hỗ trợ dịch vụ thú y, tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn an toàn, đảm bảo VSMT, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm và lắp đặt bể biogas cho các hộ có nhu cầu... đã thực sự tạo dựng niềm tin trong bà con. Và để tạo bước khởi đầu cho các nông hộ, ngoài việc trích nguồn vốn 400 triệu đồng Hội LHPN tỉnh còn vận động chính sách hỗ trợ vốn vay qua ngân hàng hơn 700 triệu đồng cho các hộ trong tổ hợp tác. Điều đáng mừng là đến nay hoạt động chăn nuôi tại các tổ hợp tác đã có bước phát triển mới, đó cũng là điểm khởi đầu đáng ghi nhận trong sự kết hợp của 4 nhà”.
Theo bước chân của đội ngũ cán bộ hội trong việc kiểm tra hoạt động của mô hình tổ hợp tác chăn nuôi tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), chúng tôi mới thực sự cảm nhận được niềm vui của các nông hộ khi thành quả của sự hợp tác giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Chị Lê Thị Thu Hương ở xóm Châu Trinh xã Tùng Ảnh cho biết: “Vào tổ hợp tác, ngoài được ưu tiên cho vay 15 triệu đồng, chúng tôi còn được chuyển giao KHKT, cho vay thức ăn chăn nuôi trả chậm và hỗ trợ dụng cụ phục vụ cho việc sử dụng thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra chúng tôi còn được công ty cung ứng nguồn giống sạch và được cam kết hỗ trợ đầu ra nếu thị trường gặp khó khăn. Vì thế nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn 30 con. Ngày xuất chuồng cũng đã cận kề và điều đáng mừng là giá cả thị trường cũng tương đối cao, đầu ra cho sản phẩm cũng không khó khăn lắm nên chắc chắn thu nhập của gia đình sẽ khá hơn trước”.
Cùng với các hoạt động nhằm thúc đẩy mũi nhọn kinh tế chăn nuôi trong các gia đình, Hội LHPN tỉnh và công ty TNHH Hoàng Long cũng đã góp phần chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của bà con trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bằng việc xây dựng bể Biogas Composite. Với cam kết bảo hành 5 năm và các gia đình chỉ phải thanh toán kinh phí cho công ty khi đã bắt đầu có ga nên đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các hộ chăn nuôi. Chị Phạm Thị Hoá- thành viên tổ hợp tác chăn nuôi ở Thôn Đồng Bàu xã Cẩm Thành cho biết: “Giờ thì tôi đã không còn phải vất vả, bỏ công sức cho việc quét lá, kiếm củi để làm chất đốt hàng ngày nữa. Từ khi có bể Biogas hàng tháng gia đình tôi cũng đã tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể trong việc giải quyết vấn đề đun nấu và điện thắp sáng- đặc biệt là trong thời điểm giá ga, điện đều tăng cao”.
Thấy rõ được lợi ích từ chương trình phối hợp nên đối với các cấp hội phụ nữ trên địa bàn, việc vận động hội viên xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi đã không còn là điều khó khăn. Việc lắp đặt bể Biogas tại các nông hộ cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Chị Hồng cho biết thêm: “Đến nay đã có 86 gia đình lắp đặt bể Biogas và đã đưa vào sử dụng. Hiện tại hội đang tiếp tục phối hợp với công ty Hoàng Long lắp đặt thêm 100 bể nữa, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển tổ hợp tác chăn nuôi, xây dựng môi trường xanh sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ của chị Hồng cũng là tín hiệu vui cho các gia đình hội viên trên địa bàn toàn tỉnh khi cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình đang rộng mở.