Hà Tĩnh là một vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời. Kết quả khai quật của các nhà khảo cổ cho thấy cách đây hàng vạn năm vùng đất Hà Tĩnh đã có người cư trú. Theo
"Lịch triệu hiến chương loại chí"
của Phan Huy Chú thì Hà Tĩnh là đất "Giang sơn tụ khí" không chỉ theo nghĩa địa lý phong thuỷ mà xét về trầm tích văn hoá giống nòi qua các thời đại ở từng vùng và cả nước.
"Đất này là nơi núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng có danh tiếng hơn cả Nam Châu"...
Lịch sử kiến tạo làm nên một Hà Tĩnh có đủ loại địa hình: Rừng núi, sông suối, ao hồ, đồng bằng và biển cả. Chính điều kiện tự nhiên đó đã không chỉ mang đến cho Hà Tĩnh nhiều sản vật tài nguyên quý giá mà cũng là nền tảng cho sự phát triển của một vùng văn hoá chứa đựng những truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích vô cùng phong phú.
Phía Tây tỉnh, núi rừng chạy suốt từ huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đến Kỳ Anh giữa các ngọn tháp nhấp nhô, trùng điệp, nổi lên
"Thác Vũ Môn cao ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khí sừng sững".
Tại đây đã diễn ra phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, do Đình nguyên Phan Đình Phùng lãnh đạo. Cùng nơi khởi điểm của Trường Sơn bắc, dãy Giăng Màn đồ sộ, nối liền với dãy Hoành Sơn, cửa ngõ của miền Trung gắn với các tên gọi nổi tiếng trong lịch sử như
Lâm Ấp luỹ, Thành ông Ninh.
Phía Bắc chạy dọc sông Ngàn Phố (Hương Sơn) là dãy Thiên Nhẫn với hàng trăm ngọn nhấp nhô không chỉ được ghi đậm trong từng trang sử Việt Nam, mà còn sống động trong ca dao, cổ tích. Phía Đông là dãy Hồng Lĩnh
"Một trong hai mốt ngọn núi đẹp của nước Việt"
(Theo "An tỉnh cổ lục" của Le. Breton) có 99 ngọn nhấp nhô gắn với sự tích vua Hùng chọn làm đất kinh đô, huyền thoại công chúa Diệu Thiện, truyện cổ tích Ông Đùng, truyện cười dân gian Cố Bợ... Tiếp đó là núi Nam Giới, có truyền thuyết Chữ Đồng Tử và nàng Tiên Dung. Trên núi này có đền Lê Khôi, một võ tướng triều Lê, từ Nam Giới dọc theo bờ biển vào phía Nam là núi Thiên Cầm, nơi Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương trú ẩn trước sự dồn đuổi của giặc Minh. Rồi núi Bàn Độ, cửa Khẩu, chỗ các ông vua thời nhà Trần nghỉ chân, luyện tập binh sỹ trước khi vào đánh Chiêm Thành, là nơi yên nghỉ của Cung Phi Bích Châu tác giả bản
Kế minh thập sách
nổi tiếng... Xen lẫn, bao bọc quanh những rừng, núi, sông biển là những cánh đồng và những làng quê sầm uất được hình thành từ lâu đời với luỹ tre, bến nước, sân đình, cổng làng, chùa chiền, miếu mạo đã tạo cho Hà Tĩnh những khung cảnh hùng vỹ, thơ mộng, kết tinh linh khí trời đất, sản sinh và di dưỡng các di sản văn hoá giàu bản sắc.
Trải qua quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt để tồn tại và phát triển, người dân Hà Tĩnh đã không ngừng sáng tạo, xây đắp nên những kho tàng di sản văn hoá đặc sắc. Những giá trị ấy đã chuyển tiếp, giữ gìn và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng với nguồn tài nguyên phong phú là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hoá ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan và chủ quan nên ở đây vẫn chưa khai thác, tận dụng có hiệu quả những ưu thế để phát triển du lịch. Đó là: chúng ta chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đối với du khách nên thời gian lưu trú của khách còn thấp; chưa có kế hoạch và định hướng tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ nên đã phần nào hạn chế hiệu quả kinh doanh. Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch bộc lộ khá rõ. Hoạt động du lịch lữ hành còn nhiều hạn chế. Ngân sách hàng năm đầu tư cho du lịch còn hạn hẹp. Hà Tĩnh nằm cách xa các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước nên việc thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông còn thấp. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng hầu hết quy mô nhỏ và vừa với trang thiết bị nội thất chưa đồng bộ, chất lượng phục vụ chưa cao. Lao động trong ngành du lịch mới bước đầu đáp ứng được về số lượng. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự an toàn tại các khu du lịch còn nhiều bất cập,.....
Để đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững, khi Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang hội nhập với trào lưu phát triển ở khu vực và trên thế giới, chúng xin được nêu ra một số giải pháp cơ bản để đầu tư và khai thác các giá trị di sản văn hoá vào phát triển du lịch ở Hà Tĩnh như sau:
* Đầu tư thoả đáng cho công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hoá:
Tập trung đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn, ưu tiên đầu tư trùng tu, bảo tồn các di tích gốc cùng với tôn tạo và phát triển một số hạng mục mới và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Thực hiện xã hội hoá trong việc bảo tồn, phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hoá đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi (xây dựng các cơ chế ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính) để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm của Tỉnh.
* Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xúc tiến quảng bá du lịch:
Làm cho cán bộ và nhân dân hiểu hết các giá trị văn hoá truyền thống, nhận thức rõ du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Hà Tĩnh trong cả nước, khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, Luật du lịch, chương trình kích cầu du lịch; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm phim du lịch, xuất bản các ấn phẩm; tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo ở trong tỉnh, trong nước và quốc tế;
* Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:
Các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh sớm ban hành các văn bản pháp luật về du lịch (Các quy chế: quản lý các khu du lịch, quản lý quy hoạch, xây dựng các công trình du lịch....) nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước về văn hoá du lịch từ tỉnh đến cơ sở; Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản và du lịch, xây dựng các chiến lược về thị trường - sản phẩm du lịch Hà Tĩnh, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
* Quy hoạch và tổ chức đào tạo nguồn lực:
Quy hoạch phát triển văn hoá du lịch phải tuân thủ với quy hoạch tổng thể về KT - XH của tỉnh và các địa phương; gắn với hệ thống di tích, quy hoạch và xây dựng thiết chế văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh. Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết ở các khu du lịch trọng điểm để làm cơ sở cho việc đầu tư và kêu gọi vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước. Quan tâm công tác đào tạo đội ngũ làm công tác quản lý di sản các cấp; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ làm dịch vụ du lịch. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong quản lý, tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị của di sản.
* Bảo vệ tài nguyên - Môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch:
Để đảm bảo cho việc ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường; đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch cần thiết phải xây dựng quy hoạch tổng thể trên quan điển khai thác hợp lý và có hiệu quả nhất là những tiềm năng về tài nguyên, đồng thời phải đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái. Đối với các điểm có tiềm năng du lịch lớn song môi trường luôn bị đe doạ bởi các sự cố như ô nhiễm ở vùng biển, lũ lụt... cần thiết phải xây dựng các phương án phòng chống sự cố và khắc phục hậu quả để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và thiên tai đến môi trường.
Ngoài những giải pháp cơ bản đã nêu trên, du lịch Hà Tĩnh cũng cần quan tâm thêm một số giải pháp khác để khắc phục được tính mùa vụ, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả sử dụng của nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đẩy mạnh mối liên kết tua tuyến du lịch với các nước trong khu vực, đặc biệt là 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và khu lưu niệm Bác Hồ ở Kim Liên, là những điểm du lịch quan trọng nằm trên tuyến du lịch
Con đường di sản Miền Trung.
Phan Thư Hiền -
Phó GĐ
Sở VHTT & DL