Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, tập trung lãnh đạo nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. L
à một tỉnh thuần nông, diện tích canh tác trên hộ thấp, đất manh mún, sản xuất hàng hoá chưa phát triển, vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một nội dung cần được quan tâm và triển khai tích cực, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, sản xuất bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Cơ cấu cây trồng ở Hà Tĩnh hằng năm trên từng chân đất khác nhau là hoàn toàn khác nhau, trong đó có yếu tố tác động chính là: điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, khả năng đầu tư của từng vùng. Hiện nay tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 160.000 ha bằng 100% thì cơ cấu các loại cây trồng như sau: 56 - 58% lúa, 10 - 12% lạc, 7 - 8% khoai lang, 7 - 8% đậu các loại, 5 - 7% ngô, 5 - 7% rau các loại, còn lại là sắn, vừng,... Có thể phân loại theo các dạng trên các chân đất như sau:
Trên diện tích đất 2 lúa: Diện tích đất 2 lúa vụ Xuân là rất lớn, trên 56.000 ha, trên diện tích này chủ yếu hiện được bố trí cây trồng theo công thức: Lúa Xuân - Lúa Hè Thu - Khoai lang, các loại rau, nuôi cá vụ Đông hoặc bỏ hoang. Ở công thức này (hiện nay) sản xuất vụ Đông hệ số an toàn chưa đáp ứng yêu cầu, chính vì vậy sản xuất vụ Đông trên công thức này chỉ bố trí ở các vùng chủ động tiêu thoát nước tốt. Số diện tích trồng lúa Hè thu ở các vùng cao cưỡng sản xuất thấp hiệu quả thấp do thiếu nước vì vậy cần chuyển đổi sang cây trồng cây cạn, có khả năng chống hạn tốt mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên đất chuyên màu vụ Xuân khoảng 27.000 ha bố trí công thức luân canh: Cây trồng vụ Xuân (lạc, ngô, khoai, rau) - cây trồng vụ Hè Thu (đậu xanh, lạc, ngô, vừng, dưa hấu) - cây trồng vụ Thu Đông (ngô, lạc, rau các loại, khoai lang). Đối với công thức này sản xuất vụ Hè thu năng suất các loại cây trồng thường đạt thấp do thời tiết nắng nóng, khô hạn; sản xuất vụ Đông thì bấp bênh, hiệu quả không cao do ảnh hưởng của lũ lụt.
Một số vấn đề cần quan tâm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng:
Thứ nhất là công tác quy hoạch vùng sản xuất gắn với bố trí các công thức luân canh phù hợp: Xác định các cây trồng lợi thế cho từng vùng sản xuất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để quy hoạch vùng tiến tới sản xuất theo hướng hàng hoá trên các công thức luân canh mang tính bền vững là yêu cầu cần thiết trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tập trung chuyển đổi khoảng trên 10.000 ha đất lúa kém hiệu quả ở các vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước… sang trồng lạc, rau củ quả, cây thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai là giải pháp công tác giống: Tiếp tục đẩy mạnh việc du nhập, khảo nghiệm, chọn lọc được một số giống mới có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện canh tác, thời vụ cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.
Thứ ba là xây dựng các mô hình, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới: Để người dân thấy rõ hiệu quả từ chuyển đổi các cây trồng truyền thống sang các cây trồng mới có hiệu quả hơn thì cần phải xây dựng mô hình trình diễn, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao để nhân rộng. Các mô hình trước mắt cần được xây dựng: trình diễn các giống cây trồng mới; trồng các loại rau theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng...
Thứ tư là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ chính quyền đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời cần xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Kỹ sư: Nguyễn Trí Hà - Chi cục BVTV